Quan niệm và phân loại công lý

10/09/2015
 

Với nhận thức về tầm quan trọng của công lý trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, sau bốn bản Hiến pháp: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), đến bản Hiến pháp năm 2013, yêu cầu về xây dựng một trật tự xã hội dựa trên nền tảng những giá trị cơ bản của công lý đã được ghi nhận và khẳng định một cách mạnh mẽ. Theo đó, bảo vệ công lý được xác định là nhiệm vụ hàng đầu, cơ bản và xuyên suốt của Tòa án nhân dân, cơ quan xét xử và thực hiện quyền tư pháp tại Việt Nam (Khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 và Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014). Việc hiến định/luật định những giá trị công lý và yêu cầu xây dựng một trật tự xã hội dựa trên cơ sở nền tảng các giá trị công lý đã và đang đánh dấu một bước phát triển to lớn trong nhận thức của Đảng và Nhà nước về tầm quan trọng của công lý trong đời sống chính trị - xã hội Việt Nam.

Trong thực tiễn, có nhiều quan niệm và cách phân loại công lý. Để có thể nhận thức sâu sắc hơn về quan niệm về công lý tại Việt Nam, bài viết này giới thiệu một số quan niệm và cách phân loại cơ bản về công lý đang được sử dụng rộng rãi trong nền khoa học pháp lý thế giới.

1. Quan niệm về công lý

- Công lý là sự báo thù, ngang bằng

Xuất hiện sớm nhất trong lịch sử văn minh nhân loại là quan niệm công lý là sự “báo thù”, “ngang bằng”. Nguyên tắc áp dụng hình phạt ngang bằng với thiệt hại mà kẻ phạm tội gây ra được đưa ra và áp dụng một cách triệt để, tàn khốc, cứng nhắc một cách cực đoan tại Bộ luật Hammurabi. Nguyên tắc “mắt đền mắt, răng đền răng” (luật Talion) này để thể hiện sinh động ở Điều 196 “Kẻ nào làm hỏng mắt của người dân tự do, kẻ đó sẽ bị người ta chọc mù mắt”, Điều 197 “Kẻ nào đánh gãy tay của một người tự do, người ta sẽ đánh gãy tay của hắn” hay Điều 230 “Người thợ xây xây nhà không cẩn thận làm đổ nhà chết con chủ nhà thì phải giết con người thợ xây”.

Những “dấu vết” của luật Talion “giết người đền mạng” vẫn còn có thể tìm thấy trong luật hình sự của nhiều quốc gia, đặc biệt là trong những tranh luận về giữ hay bỏ hình phạt tử hình. Thuật ngữ hình phạt tử hình có tên tiếng Anh là “capital punishment”, capital có nguồn gốc từ tiếng Latin là capitalis, trong đó có gốc của từ kaput, có nghĩa là đầu. “Capital punishment” có nghĩa là hình phạt mà khi áp dụng, người bị áp dụng sẽ bị mất đầu, tức là tước bỏ quyền sống của một người. Ngày nay, nhiều dân tộc vẫn coi việc thi hành án tử hình là thực thi công lý nhưng cũng có nhiều dân tộc coi hình phạt tử hình là một hình thức giết người hợp pháp hoặc đơn giản, đó là sự dã man của nguyên tắc báo thù nguyên thủy.

- Công lý là được hưởng những gì xứng đáng

Công lý còn được quan niệm là “phẩm chất để mỗi người được hưởng những gì mà họ xứng đáng”. Quan niệm này được đưa ra trong tác phẩm Iliad (khoảng năm 750-700 TCN), bản trường ca Hy Lạp cổ nhất trong văn học phương Tây của đại thi hào Homer. Những ý tưởng về công lý, đặc biệt là ý niệm về công lý phân phối, luôn len lỏi, lấp lánh trong suốt quá trình binh lửa giáo gươm và gắn liền với phẩm chất của người chiến binh lúc bấy giờ. Trong khi với nhân vật Agamemnon, công lý luôn đồng nghĩa với báo thù,  thì còn đối với người anh hùng Achilles, công lý là sự công bằng trong việc phân chia các phần thưởng một cách xứng đáng tùy theo mức độ đóng góp, cống hiến được ghi nhận mà không nhất thiết phải căn cứ vào thứ bậc xã hội.

Aristoste (384-322 TCN), một trong những người thầy có ảnh hưởng nhất đối với bộ môn triết học chính trị, cho rằng công lý là “cho mọi người những gì họ xứng đáng, trao cho mỗi người cái họ đáng hưởng”. Tuy nhiên, ông lại rất nhấn mạnh về địa vị của các thành viên trong xã hội khi xem xét việc thụ hưởng giá trị công lý, theo đó, công lý là việc đối xử bình đẳng với những người ngang nhau và bất bình đẳng với những người không ngang hàng, tương xứng với sự khác nhau về địa vị của họ. Để áp dụng công lý trong thực tiễn thì phải dựa vào “tính mục đích” và “tính tôn vinh”. Giả sử, khi phân phối một cây sáo, ai sẽ nhận được cây sáo tốt nhất? Câu trả lời là công lý được thực thi nếu cây sáo tốt nhất sẽ dành cho người thổi hay nhất bởi mục đích người ta làm ra cây sáo là để thổi được hay. Từ cách tiếp cận của Aristotle, ngày nay nhiều dàn nhạc thường tiến hành tuyển nhạc công sau màn che để đánh giá chất lượng âm nhạc trong điều kiện loại bỏ mọi sự thiên kiến và phân tâm.

- Công lý là nghĩa vụ hoàn lại, trả lại

Theo Plato, công lý là “nghĩa vụ hoàn lại, trả lại cho mọi người cái mà họ có quyền được hưởng”, nội dung căn cốt nhất của công lý là “hoàn lại, trả lại cho mọi người cái mà họ có quyền được hưởng”, là mệnh lệnh “để ngăn chặn một người chiếm đoạt thứ mà thuộc về người khác hoặc ngăn chặn việc chiếm đoạt những thứ gì thuộc về mình”. Xuất phát từ quan niệm cho rằng công lý là một phẩm hạnh giúp mỗi người được hưởng những gì mà họ xứng đáng, Thomas Aquinas đã tiếp tục làm sáng tỏ cách tiếp cận này thông qua việc khẳng định “quyền là cái có trước, công lý là điều xuất hiện sau”. Theo ông, khi các quyền được công nhận, thừa nhận thì công lý sẽ xuất hiện nếu các quyền đó bị vi phạm. đó xét về bản chất, công lý chính là nghĩa vụ với người khác, nghĩa vụ hoàn lại, trả lại.

- Công lý là sự trung thành với với các cam kết, thỏa thuận tài sản

Theo David Hume, công lý luôn gắn liền với vấn đề tài sản, không có tài sản thì không có công lý, công lý không có chỗ tồn tại. Sự hình thành tài sản cá nhân, trao đổi hàng hóa và thỏa thuận hợp đồng chính là nền tảng của các giá trị công lý. Căn cốt của phẩm hạnh công lý là sự trung thành với các thiết chế đó. Điều này có vẻ như cường điệu bởi có thể có những cư xử được cho là bất công mà không liên quan đến tài sản. Nhưng Hume lập luận rằng mọi quyền đều có những yếu tố về quyền sở hữu nội tại bên trong chúng, ví dụ như khi tôi hứa đưa bạn đến một rạp hát, tôi đã cam kết thời gian của tôi khi đưa bạn đi là của bạn.

- Công lý là quyền bất khả xâm phạm mà tạo hóa ban cho con người và là tiêu chí đánh giá hệ thống pháp luật

Truyền thống pháp luật tự nhiên quan niệm công lý là quyền mà tạo hoá ban cho con người, là yêu cầu, đòi hỏi mỗi cá nhân hoặc tổ chức được hưởng những gì mà họ xứng đáng. Lý thuyết về luật tự nhiên cho rằng công lý và bất công không phụ thuộc vào luật thực định (human/positive law). Augustine cho rằng công lý cao hơn nhà nước và là vĩnh cửu. Công lý tự nhiên cao hơn luật pháp. Luật pháp không công bằng thì không phải là luật pháp (Unjust laws are not laws). Thomas Aquinas cho rằng trong thực tế những đạo luật nhân định có thể công bằng hay không công bằng. Công lý là khái niệm cơ sở, có nội hàm rộng hơn khái niệm luật pháp. Những giá trị của công lý cung cấp những tiêu chí quan trọng cơ bản để đánh giá, thẩm định các đạo luật thực định. Một đạo luật công bằng là một đạo luật dựa trên và không đối lập với các quyền tự nhiên. Bất công chính là những hành vi liên quan đến việc vi phạm các quyền tự nhiên như các tội giết người, hành hung, trộm cắp, bắt cóc, nô lệ, hiếp dâm, gian lận hoặc các hành vi gây ảnh hưởng sai lệch nhất định đến sự phân phối thịnh vượng, thu nhập. Không có cách phân phối cụ thể nào được coi là công bằng hoặc không công bằng từ sự lựa chọn của các cá nhân. Sự phân phối lợi ích và chi phí chỉ được coi là công bằng nếu người đó được tự do lựa chọn trao đổi với người khác.

- Công lý là phương thức tối đa hóa lợi ích cho xã hội

Chủ nghĩa vị lợi của Jeremy Bentham (1748-1832) là một học thuyết lý giải sâu sắc việc tại sao và bằng cách nào chúng ta nên tối đa hóa phúc lợi, hay tìm kiếm hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất. Công lý là làm tăng lợi ích tối đa, hay tổng hạnh phúc của toàn thể xã hội. Một ví dụ điển hình của cách tiếp cận này là đề xuất của Bentham về cơ chế thu gom và quản lý người ăn xin vào các trại tế bần. Với lập luận cho rằng việc gặp người ăn xin trên đường phố sẽ làm giảm hạnh phúc của người qua đường bởi nó gây ra nỗi đau cảm thông hay cảm giác ghê tởm, vì vậy, việc gặp người ăn xin sẽ làm giảm lợi ích của xã hội. Bất kỳ công dân nào gặp người ăn xin có quyền thông báo cho chính quyền sở tại và được thưởng 20 shilling/người. Để đảm bảo tự chủ tài chính cho cơ chế này, Bentham đề xuất mở “tài khoản tự do”. Người ăn xin sẽ phải làm việc trong trại tế bần để trả phí tổn sinh sống của họ trong đó có cả khoản tiền của người đã thông báo cho chính quyền sở tại, và sẽ được tự do cho đến khi trang trải đủ kinh phí cho “tài khoản tự do” của mình.

Tại Việt Nam, mô hình TP. Đà Nẵng từ năm 2005-2012 đã thu gom gần 1.000 lượt người ăn xin, lang thang, trong đó khoảng 40% đưa về quản lý, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng, người thông báo cho chính quyền được thưởng 500.000 đồng, chính là “bản sao” của học thuyết công lý theo chủ nghĩa vị lợi.

Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu, cách tiếp cận này còn thiếu vắng những hướng dẫn đạo đức chặt chẽ, nghiêm ngặt, thậm chí còn có phần không tôn trọng phẩm giá con người và quyền cá nhân, tiềm ẩn nguy cơ “bạo hành” của đa số với thiểu số, cá nhân. Bên cạnh đó, việc triển khai học thuyết này còn gặp nhiều khó khăn trong việc quy đổi thang đo những giá trị hạnh phúc. J.S.Mill (1806-1873), nhà triết học thực chứng người Anh đã góp phần quan trọng trong việc đưa những giá trị nhân văn hơn vào học thuyết, đồng thời khắc phục tính đơn giản và trực quan cố hữu trong việc so đo tính toán thiệt hơn của học thuyết này thông qua yêu cầu bảo đảm thực hiện các quyền cá nhân. Mill đã phát triển công lý theo hướng cho phép con người được làm những gì mà họ có quyền. Ví dụ như nếu tôi là người ăn xin và bạn không cho tôi thức ăn, tôi phải chấp nhận bởi vì tôi không có quyền gì đối với thức ăn đó, bạn có thể là không tốt bụng nhưng bạn không vi phạm quyền của tôi. Theo Mill, thuyết vị lợi không chấp nhận việc cực đại hóa phúc lợi mà quá trình đó vi phạm các quyền cá nhân, không chấp nhận hi sinh cá nhân cho phúc lợi nói chung. Tuy nhiên, trong những trường hợp thực sự cấp thiết như khi nạn đói xảy ra, việc mở kho lương thực cứu tế là cần thiết, quyền tài sản của chủ sở hữu là vô nghĩa. Trong trường hợp như vậy, sẽ là công bằng nếu vượt qua quyền của chủ sở hữu kho lương thực. 

- Công lý là sự tôn trọng quyền tự do phổ quát của con người

Theo Immanuel Kant (1724-1804), công lý cũng bắt nguồn từ khế ước xã hội và con người là một thực thể có lý trí, có phẩm giá và xứng đáng được tôn trọng. Công lý được quan niệm là sự tôn trọng tự do và các quyền cá nhân, sự tôn trọng con người và phẩm giá con người như những mục đích tự thân. Tôn trọng phẩm giá con người có nghĩa là đối xử với con người như một mục đích tự thân. Công lý đòi hỏi chúng ta bảo vệ quyền con người của tất cả mọi người, bất kể họ sống ở đâu hay mức độ chúng ta quen biết họ, đơn giản chỉ vì họ là con người, có lý trí và vì vì thế đáng được tôn trọng.

Công lý là cho mọi người những gì họ xứng đáng được nhận về đạo đức, là thứ để tưởng thưởng và thúc đẩy đạo đức. Kant nhấn mạnh đến tự do và phẩm giá của con người, từ đó nỗ lực kết nối công lý và đạo đức với tự do. Sự nhấn mạnh phẩm giá con người của Kant đã truyền cảm hứng cho các quan niệm về các quyền con người phổ quát ngày nay. Từ khía cạnh tiếp cận này, chúng ta thấy rằng quyền được xét xử công bằng và quyền bình đẳng trước pháp luật là những quyền cơ bản của con người. Xét xử công bằng và bình đẳng trước pháp luật do đó được hiểu chính là sự thi hành công lý.

- Công lý là quan niệm về lối sống tốt đẹp

Công lý phải gắn liền với những đức tính và quan niệm về lối sống tốt đẹp. Mục sư Martin Luther King đã đưa ra quan điểm về công lý về xóa bỏ chế độ nô lệ từ các tư tưởng đạo đức và tôn giáo là một ví dụ điển hình. Tại Việt Nam, đề xuất “nộp tiền thay nghĩa vụ quân sự” năm 2013 khi sửa đổi Luật Nghĩa vụ quân sự cũng giúp chúng ta hình dung ra quan niệm về công lý, lẽ công bằng trong trường hợp này. Nhà lý luận chính trị thời kỳ khai sáng Jean-Jacques Rouseau (1712-1778) lập luận việc biến một nghĩa vụ công dân thành loại hàng hóa trên thị trường là một sai lầm. Khi trách nhiệm xã hội không còn là việc chính của các công dân thì họ sẽ làm việc chung bằng tiền chứ không phải bằng chính con người họ, và ngày sụp đổ của nhà nước không còn xa.

2. Phân loại công lý

- Công lý phân phối

Theo Aristoste, công lý phân phối là cách thức, nỗ lực cố gắng để công bằng với mỗi người, đúng theo những gì mà người đó xứng đáng, đây chính là mối quan tâm chủ yếu, hàng đầu của các nhà lập pháp. Triết gia chính trị người Mỹ John Rawls (1921-2002) cho rằng công lý mà theo đó lợi ích của hợp tác kinh tế và xã hội được phân phối.

Các quan điểm phê bình cho rằng không thể có một loại công bằng xã hội như vậy được. Giáo sư F.A. Hayek (1899-1992), chủ soái của trường phái tân tự do cho rằng và giáo sư Robert Nozick (1938- 2002) cho rằng các tranh luận về công lý phân phối đều là sai lầm bởi vì nó làm ta liên tưởng đến sự hiện diện của một cá nhân hoặc một cơ chế phân phối. Ở những nền kinh tế phát triển, điều đó là không thể tồn tại và trong một xã hội tự do, những nỗ lực thiết chế hóa một cơ chế như vậy thì sẽ hủy diệt tất cả tự do. F.A. Hayek cho  rằng không thể tính toán một cách cơ học việc quyết định việc sản xuất và phân phối nhằm đạt được công lý, tuy nhiên ông không phủ nhận rằng nhà nước cần phải làm gì đó để mà đảm bảo một mức sống tối thiểu. Các nguyên tắc của Rawls là rất thuyết phục nhưng đó không phải là nguyên tắc của công lý. Còn Robert Nozick cho rằng nhà nước không có quyền chiếm hữu các nguồn lực của cá nhân để phân bổ chúng theo bất cứ nguyên tắc công lý nào.

Karl Marx (1818-1883), nhà tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản, người đã mạnh mẽ lên án những bất công trong chế độ tư bản, trong tác phẩm Phê phán cương lĩnh Gôta của ông (Critique of the Gotha Programme) đã đặt nền móng cho lý luận về phân phối mới trong liên hệ với trình độ phát triển của sản xuất xã hội. Với ông, công lý là phân phối công bằng là gì? Ông cho rằng trong giai đoạn đầu việc phân phối được thực hiện theo nguyên tắc “làm theo năng lực, hưởng theo lao động”. Khi chuyển sang giai đoạn của xã hội cộng sản, sản phẩm tiêu dùng dồi dào đến mức không cần dùng phân phối lợi ích vật chất để kích thích lao động nữa thì thực hiện nguyên tắc mới là “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”.

- Công lý cải tạo

Theo Aristoste, công lý cải tạo là nơi mà toà án sửa chữa một lỗi lầm do một bên phạm phải đối với bên khác. Công lý cải tạo được thể hiện là sự công bằng giữa hình phạt và tội phạm. Một ví dụ điển hình của loại công lý này là việc Vương quốc Campuchia mở các phiên tòa có sự tham gia của quốc tế, theo thủ tục tố tụng thẩm vấn của Cộng hòa Pháp vào tháng 7 năm 2010, xét xử cựu lãnh đạo chủ chốt của Khơme đỏ, Comrade Duch, 67 tuổi, người được giao phụ trách hệ thống nhà tù và bộ phận an ninh, về tội diệt chủng đối với 14.000 mạng người tại các trại tập trung. Phiên tòa đã diễn ra với hơn 31.000 người tham dự, kéo dài trên 77 ngày và Tòa án đã kết án Comrade Duch 35 năm tù giam. Người dân cho rằng trừ thời gian đã giam giữ trước đó, ông ta chỉ phải tiếp tục ở tù 19 năm, mức án là phi công lý bởi nó thuần túy tuân theo những chuẩn mực quốc tế trong khi đó theo pháp luật Campuchia thì giết 3 người đã phải chịu hình phạt chung thân. Hình phạt dành cho Comrade Duch là không phù hợp với tội phạm hắn đã gây ra. Dư luận không đồng tình bởi với hình phạt như vậy với sự quy đổi tương ứng thì 11 giờ ngồi tù cho 01 mạng người.  

Tuy nhiên, công lý cải tạo ở đây không bao gồm công lý báo thù bởi, khi một tên tội phạm gây thương tích cho người khác thì không nên chỉ quan tâm việc trừng phạt mà cần phải thu hồi cả những lợi ích mà người vi phạm có được từ việc phạm tội. Dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi (Khoản 3, Khoản 4 Điều 39) trình Quốc hội khóa 13 kỳ họp thứ 9 vừa qua cũng đang nhấn mạnh hướng tiếp cận này, theo đó dự thảo đề xuất các biện pháp thu hồi những lợi ích do vi phạm pháp luật mà có, “người bị kết án tử hình nếu chủ động động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất hai phần ba số tiền, tài sản do phạm tội mà có thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân”.

- Công lý tương giao

Công lý tương giao là sự ngang giá giữa những vật được trao đổi. Khái niệm về công lý tương giao ra đời khi sự trao đổi các giá trị, lợi ích giữa các cá nhân phát triển một cách mạnh mẽ với nguyên tắc là tôi trao một lợi ích cho bạn thì bạn của trao một lợi ích cho tôi. Một hợp đồng trao đổi là một hành động của công lý tương giao tự nguyện mà trong đó mỗi người đều nhận được những giá trị lớn hơn với giá trị tương ứng mà anh ta đã trao đi. Mục đích của công lý tương giao là duy trì sự bình đẳng về quyền giữa các cá nhân, bảo vệ sự tự do và nhấn mạnh trách nhiệm của từng cá nhân trong cộng đồng xã hội.

- Công lý tự nhiên

Công lý còn được quan niệm là nguyên tắc công bằng về thủ tục, chống lại mọi thành kiến, thiên lệch, đặc biệt là thủ tục tố tụng, luận tội. Nguyên tắc này bắt nguồn từ câu chuyện Vườn địa đàng trong Sáng thế ký (khoảng năm 400 TCN), câu chuyện thường được sử dụng để giải thích nguồn gốc tội lỗi và sai phạm của loài người trong Kinh Thánh. Quyền được nghe, được xét xử là chủ đề chính của các nguyên tắc công lý tự nhiên.   Câu chuyện là sự khởi đầu cho một tư duy pháp lý mang tính chất tiên nghiệm, có ý nghĩa khoa học và nhân văn sâu sắc, đó chính là nguyên tắc, là nghĩa vụ phải hành động một cách công bằng, công chính, dù người đó là bất cứ ai, từ Thiên chúa (người cai quản) hay là mỗi con người bình thường trong xã hội.

Ngày nay, công lý tự nhiên - nghĩa vụ thực thi công bằng, chặt chẽ về thủ tục nhằm chống lại những thành kiến, định kiến, những suy nghĩ và thông tin thiên lệch vẫn giữ nguyên giá trị và giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát triển lòng tin, niềm tin của cộng đồng đối với sự công chính của hệ thống pháp luật và tư pháp của mỗi quốc gia. Hệ thống luật án lệ (common law) ngày nay vẫn duy trì hai nguyên tắc cơ bản cụ thể hóa yêu cầu của công lý tự nhiên trong quá trình xét xử, luận tội, bao gồm: (1) Audi alteram partern (Hear the other side or The right to a fair hearing): Một cá nhân không thể bị trừng phạt bởi một quyết định liên quan đến mình trừ khi cá nhân đó được thông báo trước về vụ việc, có cơ hội công bằng để trả lời những cáo buộc và có điều kiện để bảo vệ chính mình, (2) Nemo debet esse judex in propria sua causa (No one can be judge in his or her own cause or the rule against bias): Người có thẩm quyền giải quyết vụ việc không được có những lợi ích về tài sản, tiền bạc hoặc nhân thân có thể ảnh hưởng đến kết quả tranh tụng, người đó cần phải thể hiện được hoặc chứng minh được sự công tâm, khách quan và chính trực của mình khi tham gia giải quyết vụ việc.

Công lý tự nhiên đòi hỏi chính quyền phải đưa ra những tiêu chuẩn tối thiểu về thủ tục của quá trình đưa ra quyết định. Điển hình của cách tiếp cận này là Điều khoản sửa đổi thứ 5 và 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ với những quy định về tầm quan trọng thủ tục chặt chẽ của pháp luật (due process of law), “không ai bị tước đoạt sinh mạng, tự do hoặc tài sản, nếu không có quá trình xét xử theo đúng luật”. Trong nền khoa học pháp lý thế giới ngày nay, các cơ quan tư pháp có sự phân biệt khá sâu sắc giữa “công lý theo thủ tục/công lý tự nhiên” (procedural justice) và “công lý theo bản thể” (subjective justice). Nếu một người giết hại người khác, công lý bản thể (công bằng về nội dung) đòi hỏi kẻ sát nhân phải bị trừng phạt theo đúng pháp luật. Tuy nhiên, nếu kẻ sát nhân bị tra tấn một cách bất hợp pháp để phải thú tội thì công lý thủ tục đã không được thực thi và trong trường hợp đó công lý thủ tục sẽ thắng công lý theo bản thể.

Trong lĩnh vực tư pháp xét xử, các nghiên cứu cho rằng các thủ tục tố tụng chính là những cơ chế, những công cụ xã hội giúp các cá nhân tiếp cận được công lý. Nếu các cơ chế tố tụng không đủ mạnh và hiệu quả thì có thể làm vô hiệu hoá quá trình thực thi các quyền cơ bản của các cá nhân. Các cơ chế tố tụng phải đáp ứng ứng kịp thời, đầy đủ yêu cầu của xã hội và phải thực sự là người đầy tớ phục vụ, thúc đẩy công lý chứ không phải là ông chủ của công lý. Trong lĩnh vực tố tụng hình sự, lý thuyết tìm kiếm sự thật (The truth-finding theory), một trong những học thuyết có nhiều ảnh hưởng trong lĩnh vực tố tụng tại các quốc gia có hệ thống pháp luật phát triển, cũng nhấn mạnh rằng mặc dù các cơ chế tố tụng đều hướng tới việc tìm ra sự thật khách quan của vụ việc nhưng công lý và sự thật khách quan của vụ việc không hoàn toàn đồng nhất. Công lý là một điều gì đó rộng lớn và có ý nghĩa sâu sắc hơn so với sự thật. Sự thật khách quan của vụ việc chỉ là một trong những thành tố cơ bản của công lý.

 Ngày nay, trong các công cuộc cải cách tư pháp, các nghiên cứu cho rằng công lý có ba yếu tố định tính cơ bản: Thứ nhất, khả năng tìm ra sự thật và tính chính xác của quyết định của toà án. Thứ hai, thời gian tiếp cận công lý phải đảm bảo, công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối. Thứ ba, chi phí tài chính cho quy trình tiếp cận công lý phải tính hợp lý, không mang tính chất rào cản đối với quá trình tìm kiếm công lý của các tổ chức và cá nhân. Đây chính là những tiêu chí cơ bản được dùng để đánh giá mức độ thành công các cuộc cải cách tư pháp xét xử của các quốc gia trên thế giới./.

 

Ths. Nguyễn Xuân Tùng, Chánh Văn phòng Tổng cục THADS