Diễn đàn “Phổ biến, lấy ý kiến thanh niên về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)”

09/09/2015
Diễn đàn “Phổ biến, lấy ý kiến thanh niên về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)”
Sáng 8/9, Bộ Tư pháp, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam đã phối hợp tổ chức Diễn đàn “Phổ biến, lấy ý kiến thanh niên về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)”. Tới dự Diễn đàn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương cùng khoảng 300 đoàn viên thanh niên các cơ quan tư pháp, cán bộ, giảng viên trẻ và sinh viên đến từ các trường Đại học chuyên ngành Luật trên địa bàn TP.Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Long Hải - Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam nhấn mạnh, đây là một hoạt động thiết thực cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong tham gia quản lý nhà nước và xây dựng chính sách, pháp luật, hòa chung trong đợt sinh hoạt chính trị pháp lý lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang diễn ra sâu rộng trên cả nước. Ông Hải mong muốn trong thời gian tới tiếp tục được hợp tác với các cơ quan, tổ chức để tạo thêm cơ hội cho thanh niên tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, chăm lo tốt hơn cho sự phát triển của thanh niên.

Tại Diễn đàn, các đoàn viên thanh niên được nghe Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp) Trần Văn Dũng giới thiệu khái quát về quan điểm và nội dung sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, về 8 vấn đề trọng tâm xin ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi. Các bạn đoàn viên thanh niên cũng tập trung trao đổi, thảo luận về những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn triển khai thi hành Bộ luật Hình sự và đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung của Bộ luật Hình sự có liên quan trực tiếp tới thanh niên như các quy định về người chưa thành niên, hình phạt tử hình. Các ý kiến góp ý của thanh niên sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp đầy đủ và trung thực gửi đến Tổ biên tập Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Trong 8 vấn đề trọng tâm cần lấy ý kiến thì vấn đề rất mới về trách nhiệm hình sự của pháp nhân nhận được nhiều ý kiến tán thành của các bạn trẻ. Đại diện Đoàn Thanh niên Học viện An ninh nhân dân, Trung úy Lê Văn Đại khẳng định: Việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân ở thời điểm này là cần thiết, có cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn. Tuy nhiên, trong khi Dự thảo quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về 32 tội danh thì theo Trung úy Đại, trước mắt chỉ nên tập trung xử lý hình sự các hành vi do pháp nhân thực hiện xảy ra tương đối phổ biến, thật sự gây bức xúc trong nhân dân và chủ yếu liên quan đến lĩnh vực kinh tế với 15 tội danh.

Đại diện Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp, bạn Ngô Thanh Xuyên lại quan tâm đến những quy định liên quan đến thanh thiếu niên. Cụ thể, về điều kiện áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự, bạn Ngô Thanh Xuyên cho rằng, điều kiện về các tình tiết giảm nhẹ để được áp dụng biện pháp thay thế là quá nhiều và chưa rõ ràng khi phải có tới 5 tình tiết giảm nhẹ là có thái độ hối cải, thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục hậu quả… Trong khi đó, các điều kiện về các tình tiết giảm nhẹ tại những quy định khác chỉ cần 2, thậm chí 1 tình tiết giảm nhẹ. Do vậy, nên cân nhắc sửa đổi theo hướng quy định rõ: “có 2 tình tiết giảm nhẹ, trong đó có 1 tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51”. Ngoài ra, bạn Ngô Thanh Xuyên phân tích, trong một số trường hợp, việc áp dụng hay không áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự phải có ý kiến của chính người chưa thành niên hoặc gia đình của họ thì mới đạt được mục đích, hiệu quả của việc áp dụng biện pháp này. Vì thế, Dự thảo sửa đổi cần bổ sung thêm điều kiện “người chưa thành niên hoặc cha mẹ người đó đồng ý với việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự”, bảo đảm phù hợp với các khuyến nghị quốc tế về vấn đề xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên.

                                           Thục Quyên