Tư tưởng Lê Thánh Tông về tuyển chọn, đánh giá quan lại đối với chính sách tinh giản biên chế hiện nay

26/08/2015
 

Lê Thánh Tông, sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442), mất ngày 30 tháng giêng năm Đinh Tỵ (1497), là vị Hoàng đế thứ 5 của nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Ông nổi tiếng là vị minh quân, là người đã đưa Đại Việt lên tới thời hoàng kim của chế độ phong kiến. Ông cũng được xem là một nhà văn hoá và một người coi trọng hiền tài. Suốt 38 năm ở ngôi vua, Lê Thánh Tông đã sáng tạo, kiên trì tiến hành nhiều cách tân kiên quyết, mạnh bạo về hành chính, phát luật, kinh tế, quân sự. Trước hết và trên hết là sự cách tân bộ máy trị vì. Song song với nó là sự cách tân các chính sách, đường lối, phát luật, kinh tế, quốc phòng... Kết quả của những cách tân ấy là đã nhanh chóng làm tiêu tan đi những ung nhọt, rối ren xã hội do các vị vua tiền nhiệm để lại. Các cuộc cách tân đã đem lại sự cường thịnh cho đất nước.

1. Tư tưởng Lê Thánh Tông trong lĩnh vực tuyển chọn, đánh giá quan lại

Tháng 12/1463, chỉ sau 03 năm ở ngôi vua, trong Ông đã hình thành một đường lối rõ ràng, những bước đi cụ thể nhằm thực hiện nguyên tắc cơ bản làm nền tảng cho việc lựa chọn hiền tài để xây dựng bộ máy trị vì là: “Trăm quan là nguồn gốc của trị, loạn. Người có đức, có tài nhậm chức thì nước trị, dân yên. Người vô đức bất tài giữ chức thì nước loạn, dân khổ”. Trong một buổi chầu, Lê Thánh Tông đã nói với Lại bộ Thượng thư Nguyễn Vĩnh Tích, Hộ bộ Thượng thư Nguyễn Cư Pháp, Công bộ Thượng thư Nguyễn Đình Mỹ rằng: “Ta nghe Tư Mã Quang nói: Người quân tử là cội gốc để tiến lên trị, bình, kẻ tiểu nhân là thềm bậc để đi đến hoạn loạn. Ta với các người đã thề với trời đất dùng người quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chăm không lơi, các người chớ có quên đấy”.

1.1. Trong lĩnh vực tuyển chọn quan lại

Suốt 38 năm trị vì, trong mọi công việc, mọi trường hợp, Lê Thánh Tông luôn tâm niệm lấy việc tuyển dụng người có đức, có tài để giao việc trị nước an dân làm điều hệ trọng nhất trong mọi điều hệ trọng. Ngay từ khi lên ngôi vua, Lê Thánh Tông đã quyết tâm loại bỏ tình trạng quan lại dốt nát, tham lam, đố kỵ ra khỏi bộ máy trị vì của Ông bằng nhiều chủ trương, biện pháp mang tính cơ bản. Các chủ trương, biện pháp mà Lê Thánh Tông đã áp dụng trong suốt thời gian trị vì của Ông là chọn quan lại chủ yếu thông qua “thi tuyển”. Sử liệu cho thấy nhà Vua Lê Thánh Tông ít khi dùng cách “tuyển chọn”. Thi tuyển là cách chọn người theo những tiêu chí thi cử. Còn tuyển chọn là cách chọn người theo ý muốn, sở thích. Do vậy, cách chọn người theo tuyển chọn thường phạm sai lầm. Dùng nhầm người là một tai họa.

Dưới thời trị vì của Lê Thánh Tông, những người được bổ làm quan lại, dù là người thừa hành ở cấp thấp nhất, phải là những người đã đỗ trong các kỳ thi. Theo Dụ Hiệp định quan chế, tất thảy những người đã được tuyển bổ làm quan, lại phải là những người thi đỗ trong các kỳ thi hương, thi hội và thi đình. Tất cả mọi người trong nước, không kể nguồn gốc xuất thân đều được phép dự thi. Nhà nước định lệ 3 năm mở một lần thi, chọn lựa cẩn thận, chỉ lấy ít những người giỏi, mỗi khoa có 3 lần thi chính theo thứ bậc từ thấp đến cao: thi hương, thi hội, thi đình. Mỗi lần thi hương và thi hội, các sĩ tử phải trải qua bốn kỳ - gọi là bốn trường. Đích thân vua ra đề thi và làm chủ khảo nhiều kỳ thi đình để tuyển chọn để tuyển chọn nhân tài, bổ người làm quan. Tuy nội dung các môn thi thời này chủ yếu dựa vào các sách Nho giáo (tứ thư, ngũ kinh) nhưng do được tổ chức bài bản, chặt chẽ và nề nếp nên đã chọn được nhiều người thực tài, có đủ phẩm chất và năng lực trở thành vị quan thanh liêm. Những người đỗ đạt qua các kỳ thi, với các mức độ khác nhau, phần lớn đều được nhà nước sử dụng, theo các chức vụ khác nhau. Nhìn chung, người đỗ cao sẽ được và có cơ hội được bổ nhiệm vào các vị trí cao và ngược lại. Song vẫn có người đỗ không cao (đại khoa, tiến sĩ trở lên), mà chỉ đỗ thấp hơn (cử nhân) nhưng lại được bổ nhiệm, được đề bạt lên các chức vụ cao, thậm chí là các chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước và ngược lại, có người tuy đỗ tiến sĩ, đứng đầu hàng tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa), nhưng chỉ làm đến chức quan tri huyện. Bởi vì, việc sử dụng quan lại không hoàn toàn căn cứ vào kết quả thi cử mà còn thông qua nhiều yếu tố khác, quan trọng nhất là hiệu quả công việc, có xứng chức hay không?

Ngoài việc lựa chọn quan lại thông qua thi cử, Lê Thánh Tông cũng rất quan tâm đến chế độ bào cử, tiến cử, thông qua phát hiện tài năng mà bổ nhiệm. Tiến cử cho phép một vị quan được đề nghị đưa một người có tài nhưng vì nhiều nguyên nhân mà chưa có điều kiện đi thi (hoặc thi không đỗ) được giữ một chức quan nào đó. Tiến cử thực chất là đánh giá người bằng tín chấp. Người được tiến cử phải lấy tước vị, phẩm hàm của mình để đảm bảo rằng người được tiến cử là có tài, xứng đáng với chức vị được giao. Điều 174 Quốc triều hình luật quy định: những người làm nhiệm vụ cử người mà không cử được người giỏi thì bị biếm hoặc bị phạt theo luật nặng nhẹ, nếu vì tình riêng hoặc lấy tiền thì bị xử nặng thêm hai bậc.

Đối với chế độ bảo cử, bảo cử là chế độ cho phép một vị quan được đề nghị đưa một người có tài năng và có kinh nghiệm thực tiễn quan trường vào một chức vụ nào đó đang bị khuyết. Người đứng ra bảo cử phải lập hồ sơ người được bảo cử để trình lên bộ Lại và cũng lấy phẩm hàm, chức vụ của mình ra để đảm bảo rằng người được bảo cử là xứng đáng. Bản chất của bảo cử là việc cử các quan lại có thâm niên và kinh nghiệm làm việc, có năng lực, đạo đức và thường xuất thân khoa bảng vào các chức vụ quan trọng đang khuyết.

Nhìn chung, cả hai hình thức tiến cử và bảo cử đều là hình thức đánh giá nhân sĩ bằng sự tín chấp và chịu trách nhiệm cá nhân của chủ thể đánh giá; chúng đều có những mặt tích cực. Phan Huy Chú nhận xét: “Cử người làm quan có hai lối. Một là tiến cử thì lấy người tài, đức hơn hẳn mà không cứ thân phận. Hai là bảo cử thì lấy người danh vọng rạng rỡ mà phải theo tư cách. Hai lối ấy giống nhau mà thể thức hơi khác. Lệ bảo cử có từ thời Hồng Đức. Bấy giời việc ấy làm thận trọng, cho nên không ai dám bảo cử thiên tư, các chức đều xứng đáng, rút cục thu được hiệu quả là chọn được người hiền tài”.

Như vậy, việc đánh giá nhân sự để bổ nhiệm quan lại đã được Lê Thánh Tông thực hiện dưới nhiều hình thức, xây dựng thành chế độ, song quan trọng nhất vẫn là con đường thi tuyển công khai. Mặc dù còn một số hạn chế, song chế độ tuyển chọn quan lại dựa trên quan điểm đúng đắn là chọn người tài đức và không được bỏ sót người tài đức.

1.2. Trong lĩnh vực đánh giá quan lại

Tuyển chọn được những người có đủ tiêu chuẩn là điều quan trọng. Song để làm cho những người được tuyển chọn giữ gìn và phát huy được tài năng, đức độ của họ trong thực thi công quyền thì phải có cách quản lý họ. Với chế độ, phương pháp quản lý tốt thì tài năng, đức độ của người được giao chức sẽ phát huy được tác dụng. Ngược lại, họ sẽ bị thoái hóa, biến chất khi không có ai giám sát, theo dõi, không ai dám đụng vào họ. Có quyền lực thì ắt có tệ nạn lạm dụng, lợi dụng quyền lực. Lê Thánh Tông quả làm một vị vua anh minh. Ông là một nhà cai trị minh mẫn, nghiêm khắc, chặt chẽ, nhìn thấu mọi nhẽ. Ông tiên liệu một cách có cơ sở vững chắc được nhiều điều xấu sẽ xảy ra trong một bộ máy trị vì nếu không có biện pháp đề phòng, khắc phục. Lê Thánh Tông là vị vua duy nhất trong các vị vua Việt Nam đã đề ra và thực thi một cách kiên quyết những chủ trương, biện pháp giám sát, kiểm tra quan lại dưới quyền. Đó là các lệ khảo thi và khảo khóa. Chế độ “khảo thi” hay “khảo khóa” thực chất là việc đánh giá, xem xét thành tích của các quan viên theo định kỳ, theo khóa.

Dưới thời trị vì của Vua Lê Thánh Tông, mọi quan lại, không loại trừ một ai, cứ ba năm một lần đều phải trải qua khảo thi. Khảo thi có nghĩa là khảo sát lại trình độ học vấn, chuyên môn. Các quan văn thì thi giải kinh nghĩa các sách kinh điển của Nho giáo, thi làm thơ, thi trả lời câu hỏi của Vua về đạo trị đời, trị nước. Quan võ thì thi bắn cung, đua ngựa, đấu khiên, đấu gươm, đấu vật, thi bày trận đồ bộ trận, mã trận, tượng trận, thủy trận…Cần lưu ý rằng, dưới thời Lê Thánh Tông những người được giao chức quan đều là những người đã đỗ trong các kỳ thi. Thế mà trong những năm tại chức, cứ ba năm một lần, tất cả họ đều phải qua khảo thi. Sử cũ ghi lại: “Ngày 13 tháng 11 năm Quang Thuận thứ tám (1467), vua triệu tập các quan nha môn đã đỗ tiến sĩ là Lê Bình Tuấn và Bí thư giám Lương Thế Vinh, tất cả 30 người vào Phụng Nghi đường để khảo thi. Vua ra bài cho thi, người nào thi đỗ thì được khen thưởng áo lụa, tiền, bạc, người nào hỏng thi, nhẹ thì bị phạt, nặng thì bị bãi chức”. Việc khảo thi của Vua Lê Thánh Tông trở thành ngày hội đua sức, đua tài.

Thường nhật, mọi quan lại lớn nhỏ đều ra sức học tập trau dồi trí thức, nghiệp vụ. Quan văn thì trau dồi nghiệp văn. Quan võ thì trau dồi nghiệp võ. Không một ai dám tự cao, tự đại. Mọi quan lại dù trước đây đã đỗ cao trong các kỳ thi, dù được vua hoặc quan trên sủng ái, nhưng họ không cho đó là điều bảo đảm cho việc giữ mãi chức quan nếu không đỗ trong các kỳ khảo thi.

Tháng 11 năm Hồng Đức thứ 2 (1471), Vua Lê Thánh Tông ra chỉ dụ về việc cấm để chậm các kỳ khảo khóa: “Phép khảo khóa cốt để phân biệt người hay, kẻ dở, nâng cao hiệu quả trị nước. Đời Đường, Ngu ba năm một kỳ xét công để thăng hạng. Nhà Thanh Chu, ba năm một lần xét việc để định thưởng phạt. Nay nha môn trong ngoài các ngươi, người nào nhậm chức đủ ba năm, phải báo ngay lên quan trên không được để chậm. Nếu quá một trăm ngày mà không kê danh sách gửi thì tính số người chậm, mỗi người chậm thì phạt một quan tiền, kẻ nào theo tình riêng mà dung túng đều phải trị tội cả”.

Khảo thi là để kiểm tra, đánh giá về trình độ học vấn và quan điểm. Còn khảo khóa là để kiểm tra, đánh giá về năng lực thực hành. Khảo khóa ngày nay được gọi là nhận xét cán bộ, viên chức. Khảo khóa được chia làm hai bước: sở khảo và thông khảo.

Ba năm một lần, các quan trên, quan trưởng khảo sát quan lại thuộc quyền. Viên quan nào năng để ý săn sóc dân, được dân tình ái mộ, trong hạt ít người lưu vong thì được cho là xứng đáng và được tiếp tục giữ chức. Quan lại nào nhũng nhiễu, đục khoét của công, ăn hối lộ của dân, trong hạt có nhiều trộm cướp, việc nông bê trễ, viện cứu giúp dân khi có thiên tai, thú dữ bị bỏ mặc, dân chúng đói kém, phong tục kêu bạc, dân phải bỏ đi tha phương cầu thực nơi khác… thì cho là không xứng chức.

Mỗi quan lại kể từ khi được giao chức phải trải qua ba lần sơ khảo, 9 năm. Đến năm thứ 12 thì được thông khảo. Ngày 21 tháng 9 năm Hồng Đức thứ hai (1471), Vua ra sắc chỉ: “…Người mới được giao chức thì được Thí chức. Lại bộ tâu lên để ban cấp cho giấy khám hợp cho mũ, đai và cấp cho một phần ba tiền lương, con cháu vẫn như thường. Sau ba năm mà xứng chức không phạm lỗi gì thì được thăng cấp cho thực thụ. Người nào không xứng chức thì đuổi về…”. Việc đặt ra lệ khảo khóa của nhà Vua Lê Thánh Tông, cho thấy ông rất coi trọng nguyên tắc: “Nói đi đôi với làm”. Lấy kết quả thực thi công vụ để đánh giá thực tài của quan lại là cách làm đáng tin cậy hơn mọi biện pháp. Cứ ba năm một lần, qua ba lần sơ khảo, một lần thông khảo, quan trên phải xem xét cấp dưới của mình có xứng chức hay không. Yếu tố may, rủi hoặc báo cáo thành tích không trung thực không thể có trong các lần khảo khóa. Thời kỳ giữ Thí chức là thời kỳ tập sự làm quan. Thông thường 12 năm mới xem xét đến việc phong quan thực thụ. Tuy vẫn, vẫn có ngoại lệ. Người phạm tội thì bị bãi chức quan ngay. Người lập được công to có thể được thăng thưởng mà không đợi đến hạn.

Với việc quy định và thực thi một cách đều đặn các lệ khảo thi và khỏa khóa, Vua Lê Thánh Tông đã tạo ra trong nội tâm của mọi quan lại dưới quyền ý thức tự giác, ý chí phấn đấu vươn lên, luôn chăm lo trau dồi kiến thức, đạo đức, tài năng của người làm quan, luôn mẫn cán trong công vụ để được nhận xét là xứng chức. Đây là cách bồi dưỡng nhân tài một cách thiết thức và có hiệu quả. Mặt khác, với các lệ khảo thi, khảo khóa, trong quan lại, không ai nghĩ rằng mỗi khi được phong quan thì sẽ làm quan suốt đời. Vua Lê Thánh Tông đặt họ luôn đứng trước nguy cơ bị bãi chức nếu tài năng và đức độ không đáp ứng. Tệ nạn tham ô, chắc chắn không có đất để tồn tại, phát triển.

2. Vận dụng tư tưởng Lê Thánh Thông trong chính sách tinh giản biên chế hiện nay

Ngày 28/5/2013, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Kết luận số 64-KL/TW kết luận Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, trong đó, đối với việc quản lý biên chế và tinh giản biên chế, Ban Chấp hành Trung ương đã khẳng định Tiếp tục thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, từ nay đến năm 2016 cơ bản không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị (trừ trường hợp lập thêm tổ chức hoặc được giao nhiệm vụ mới). Cơ cấu lại và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, có chính sách và biện pháp đồng bộ để thay thế những người không đáp ứng được yêu cầu”. 

Ngày 17/4/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nghị quyết đã nêu nổi bật những tồn tại trong việc quản lý, sử dụng biên chế trong bộ máy hành chính nhà nước hiện nay. Theo đó,hiệu quả công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, tổng số biên chế có xu hướng tăng lên, nhất là trong khu vực sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã. Cơ cấu công chức, viên chức còn chưa hợp lý về số lượng, chức danh ngạch, chức danh nghề nghiệp; trình độ, độ tuổi, dân tộc, giới tính, nhất là tương quan cơ cấu giữa các cơ quan trung ương với các cơ quan địa phương. Chưa xác định rõ, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu quản lý nhà nước, yêu cầu cung cấp dịch vụ công của từng ngành, từng lĩnh vực, từng khu vực cụ thể để làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện cơ cấu công chức, viên chức phù hợp. Công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức vẫn là khâu yếu. Thi nâng ngạch công chức, viên chức chất lượng thấp, còn tình trạng để giải quyết chế độ, chính sách,...”

Để cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, ngày 20/11/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế. Nghị định này đã kế thừa các quy định của Nghị định số 132/2007/NĐ-CP, đồng thời mở rộng hơn các trường hợp thuộc đối tượng tinh giản biên chế.

Đối với việc vận dụng tư tưởng của Lê Thánh Tông trong chính sách tinh giản biên chế hiện nay, tôi xin kiến nghị một số giải pháp cụ thể như sau:

2.1. Đối với việc tuyển dụng công chức, viên chức

Nghị quyết số 39-NQ/TW đã khẳng định các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ hưu hoặc thôi việc theo quy định. Với quy định chặt chẽ như vậy, số lượng công chức, viên chức vào làm việc tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của nhà nước sẽ được thắt chặt hơn, đồng thời, tăng tính cạnh tranh trong thi tuyển công chức, viên chức, tạo điều kiện để sàng lọc, lựa chọn những người thực sự có tài để vào làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước. Đối với cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng, cần ban hành những quy định nhằm động viên, khích lệ những thí sinh đỗ cao trong kỳ thi tuyển như ưu tiên lựa chọn vào đội ngũ công chức, viên chức có triển vọng để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn cho các vị trí lãnh đạo hoặc có trình độ chuyên môn sâu.

Đối với việc định kỳ tổ chức các kỳ thi, Lê Thánh Tông quy định 03 năm tổ chức một kỳ thi, việc tổ chức kỳ thi như vậy bảo đảm sự kế thừa giữa các thế hệ quan lại, tạo điều kiện cho những quan lại vào bộ máy nhà nước nhận được sự quan tâm, hướng dẫn của thế hệ đi trước nhằm trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm để phục vụ tốt hơn cho triển khai nhiệm vụ được giao. Trong thời điểm hiện nay, việc tuyển dụng công chức, viên chức do cơ quan có thẩm quyền quyết định. Tuy nhiên, để đảm bảo tính kế thừa và thực hiện các chế độ, chính sách, cần thiết phải có khoảng thời gian dãn cách giữa các kỳ tuyển dụng để đảm bảo tính kế thừa trong đội ngũ công chức, viên chức, tránh tình trạng vì cơ quan, đơn vị sử dụng biên chế chưa hết nên đề xuất tuyển dụng hàng loạt dẫn đến việc thực hiện các khâu của công tác cán bộ sau này sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, Nghị quyết số 39-NQ/TW quy định sớm xây dựng cơ chế thu hút người có tài năng, các chuyên gia trong ngành, lĩnh vực vào làm việc tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện chính sách thu hút tạo nguồn cán bộ, công chức từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ vào công tác trong các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị. Vận dụng tư tưởng tiến cử, bảo cử của Lê Thánh Tông, nhằm kịp thời phát hiện, nhanh chóng tuyển dụng người tài vào làm việc tại các cơ quan nhà nước, cần có những quy định mang tính đột phá, trong đó nêu cao trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị trong việc thu hút, đề xuất tuyển dụng, tiến cử người có tài năng vào làm việc tại cơ quan nhà nước và bảo cử những công chức, viên chức có kinh nghiệm, năng lực thực tiễn, bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng để bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo của cơ quan, đơn vị.

2.2. Đối với việc xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá công chức, viên chức

Nghị quyết số 39-NQ/TW quy định phải có biện pháp đồng bộ để tinh giản biên chế đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn quy định (phẩm chất, năng lực, sức khỏe), những người dôi dư do sắp xếp lại tổ chức. Đối với đối tượng không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ có những đối tượng theo quy định tại Điểm đ, e Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP. Để xác định những đối tượng này thì phải căn cứ vào mức độ đánh giá, phân loại, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm. Điều 29 Nghị định số 56/2015/NĐ-CP quy định “Căn cứ điều kiện cụ thể của cơ quan, tổ chức, đơn vị, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng các tiêu chí chi tiết để đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức….”. Vì vậy, việc xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức để kết hợp với xác định vị trí việc làm thành các giải pháp đồng bộ thực hiện chính sách tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị là rất cấp thiết.

Lê Thánh Tông rất quan tâm đến đánh giá quan lại, thông qua lệ khảo thi và khảo khóa. Tiêu chí đánh giá quan lại của Lê Thánh Tông cũng rất rõ ràng như “Viên quan nào năng để ý săn sóc dân, được dân tình ái mộ, trong hạt ít người lưu vong thì được cho là xứng đáng và được tiếp tục giữ chức”. Vì vậy, vận dụng tư tưởng của Lê Thánh Tông vào quy trình đánh giá, phân loại công chức, viên chức thì cần cụ thể hóa các tiêu chí theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010 và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và lượng hóa bằng số điểm, thang điểm đánh giá đối với từng tiêu chí có thể cố định theo từng nội dung đánh giá hoặc phụ thuộc vào đặc điểm vị trí việc làm của công chức, viên chức đang đảm nhiệm, cụ thể như sau:

+/ Đối với nội dung chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được chia ra thành các tiêu chí sau đây:

- Ý thức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong hoạt động công vụ;

- Ý thức tổ chức kỷ luật;

- Ý thức chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

- Chấp hành các quy định về đạo đức công vụ, bí mật cơ quan, đơn vị liên quan đến nhiệm vụ được giao;

- Trách nhiệm trong việc phòng ngừa, phát hiện, báo cáo cấp trên khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

+/ Đối với nội dung phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc được chia ra thành các tiêu chí sau đây:

- Đạo đức, lối sống của bản thân trong mối quan hệ với cơ quan, đơn vị;

- Hành động của cá nhân trong chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và những biểu hiện chống tiêu cực khác;

- Ý thức đoàn kết nội bộ; phê bình và tự phê bình của bản thân;

- Chấp hành quyết định của cấp trên;

- Tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ và trong hoạt động chung của cơ quan, đơn vị.

- Thái độ ứng xử trong thực thi công vụ.

+/ Đối với nội dung năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được chia thành các tiêu chí sau đây:

- Khả năng lập Kế hoạch, tinh thần chủ động, sáng tạo, đề xuất giải pháp nghiệp vụ để giải quyết công việc;

- Ý thức học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;

- Khả năng tham mưu, hướng dẫn về nghiệp vụ được giao theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức có liên quan.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ;

+/ Đối với nội dung tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ được chia thành các tiêu chí sau đây:

- Tiến độ giải quyết công việc theo kế hoạch công tác định kỳ;

- Chất lượng giải quyết công việc theo kế hoạch công tác định kỳ;

- Tiến độ giải quyết công việc theo yêu cầu của lãnh đạo cấp trên giao;

- Chất lượng giải quyết công việc theo yêu cầu của lãnh đạo cấp trên giao;

+/ Đối với nội dung tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ được chia thành các tiêu chí sau đây:

- Trách nhiệm của cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ (theo dõi, bám sát, kịp thời cập nhật tiến độ, kết quả nhiệm vụ được giao);

- Hành vi của cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ (thái độ tích cực hoặc ỷ lại; đùn đẩy; từ chối thực hiện nhiệm vụ);

- Tinh thần phối hợp với đồng nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ (thái độ phối hợp tích cực hoặc phối hợp hình thức, không nhiệt tình).

+/ Đối với nội dung thái độ phục vụ nhân dân được chia thành các tiêu chí sau

- Tinh thần của công chức, viên chức khi phục vụ nhân dân;

Đối với nội dung đánh giá công chức, viên chức lãnh đạo, ngoài các tiêu chí nêu trên, còn đánh giá theo các tiêu chí sau:

+/ Đối với nội dung kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý

- Kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị theo kế hoach công tác năm;

- Chất lượng giải quyết nhiệm vụ của đơn vị được giao phụ trách theo kế hoạch công tác năm;

- Kết quả hoàn thành nhiệm vụ đột xuất của đơn vị theo yêu cầu của lãnh đạo cấp trên;

- Chất lượng giải quyết nhiệm vụ đột xuất của đơn vị theo yêu cầu của lãnh đạo cấp trên;

+/ Đối với nội dung năng lực lãnh đạo, quản lý

- Khả năng lãnh đạo, phân công công việc khoa học, hợp lý;

- Khả năng bao quát, định hướng giải quyết công việc;

+/ Đối với nội dung năng lực tập hợp, đoàn kết công chức, viên chức

- Khả năng quy tụ, tập hợp công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý;

- Môi trường làm việc tại cơ quan, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý.

2.3. Đối với việc đánh giá năng lực đội ngũ công chức, viên chức lãnh đạo cấp Phòng

Ngày 08/10/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 262-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, việc lấy phiếu tín nhiệm là chủ trương đúng đắn của Đảng vả Nhà nước nhằm để người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhận thấy được mức độ tín nhiệm của mình để có biện pháp phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động. Vận dung tư tưởng của Lê Thánh Tông, để tiếp tục nâng cao năng lực và thúc đẩy đội ngũ lãnh đạo cấp Phòng không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, cần thiết phải có quy định tương tự như khảo thi, khảo khóa đối với đội ngũ này. Trong bộ máy hành chính nhà nước, đội ngũ lãnh đạo cấp Phòng có vai trò vô cùng quan trọng, là nền tảng để định hướng, chỉ đạo đội ngũ công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ hoàn thành công việc, là yếu tố quan trọng để tham mưu cho lãnh đạo cấp trên ban hành các chế độ chính sách để triển khai nhiệm vụ chuyên môn cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan, đơn vị. Theo đó, định kỳ 03 năm tính từ thời điểm bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, công chức, viên chức cần phải được đánh giá về trình độ học vấn, bản lĩnh chính trị, tư tưởng, quan điểm và kiểm tra, đánh giá toàn diện về năng lực triển khai công việc, kết quả đã đạt được trong 03 năm và định hướng hoạt động trong giai đoạn tiếp theo. Trên cơ sở đánh giá toàn diện về kết quả công việc, đơn vị sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo cấp Phòng này. Đây có thể là giải pháp để hỗ trợ công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo.

Lê Thánh Tông thực là vị vua anh minh. Những tư tưởng của ông trong tuyển dụng, sử dụng và đánh giá quan, lại mặc dù đã trải qua hơn 500 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị, là bài học quý báu để con cháu thời nay học tập và làm theo tư tưởng của ông, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch vững mạnh, tiếp tục khẳng định chân lý “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”…

Nguyễn Việt Anh, Nhà xuất bản Tư pháp

 

Tài liệu tham khảo

1. Luật Cán bộ, công chức năm 2008;

2. Luật Viên chức năm 2010;

3. Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;

4. Viện Khoa học pháp lý: Quốc triều hình luật, những giá trị lịch sử đương đại góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam – Nhà xuất bản Tư pháp (năm 2009);

5. Quốc triều hình luật – Nhà xuất bản Tư pháp (năm 2013);

6. Luật sư Lê Đức Tiết: Lê Thánh Tông, vị vua anh minh, nhà cách tân vĩ đại – Nhà xuất bản Tư pháp (năm 2007).