Kết quả bộ chỉ số MEI 2014 của Bộ Tư pháp - Một số đề xuất, kiến nghị

30/07/2015

I. KHÁI QUÁT VỀ MEI 2014

Tháng 6/2015, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố “Chỉ số hiệu quả hoạt động pháp luật về kinh doanh của các Bộ” (Ministerial Efficiency Index - MEI) năm 2014. Đây là Bộ Chỉ số được xây dựng nhằm đưa ra bức tranh về hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của 14 Bộ có chức năng, nhiệm vụ gắn với doanh nghiệp, cụ thể là: Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

MEI 2014 đánh giá về hiệu quả hoạt động pháp luật về kinh doanh của các Bộ trong năm 2014, bao gồm hoạt động xây dựng và thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thông tư của các Bộ về doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh, được các Bộ liên quan ban hành hoặc soạn thảo và thi hành trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ của mình. Như vậy, đối tượng đánh giá của MEI 2014 là các hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh mà các Bộ thực hiện trong năm 2014. Đây là điểm mới của MEI 2014 so với 02 lần công bố trước đây (MEI 2011 và MEI 2012), theo đó, thay vì đánh giá hiệu quả hoạt động các hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật diễn ra trong năm liền trước, điều tra MEI 2014 đã thực hiện việc đánh giá các hoạt động được thực hiện trong chính năm 2014.

MEI 2014 là một Bộ gồm 05 Chỉ số độc lập với 05 Bảng xếp hạng riêng cho các Bộ ở mỗi Chỉ số, cụ thể là: (1) Soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), (2) Chất lượng VBQPPL, (3) Công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật, (4) Tổ chức thi hành pháp luật, (5) Rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật.

Mỗi chỉ số có tổng cộng là 100 điểm, được phân bổ cho từng Chỉ tiêu. Trong mỗi Chỉ số MEI 2014 bao gồm nhiều Chỉ tiêu. Tổng cộng MEI 2014 có 19 chỉ tiêu, trong đó 18 Chỉ tiêu được xây dựng dựa trên kết quả điều tra các Hiệp hội doanh nghiệp (HHDN) và 01 Chỉ tiêu được thiết lập từ số liệu thống kê thực tế.

II. KẾT QUẢ MEI 2014 CỦA BỘ TƯ PHÁP

Theo quy định tại Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp thì Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra VBQPPL, kiểm soát thủ tục hành chính, phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý nhà nước về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án và các công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Là Bộ đầu ngành, duy nhất quản lý lĩnh vực xây dựng và thi hành pháp luật, tuy không tác động trực tiếp nhiều đến hoạt động kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp nhưng việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp lại có ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động tư pháp liên quan mà hầu hết các doanh nghiệp đều phải thực hiện. Có lẽ vì chính lẽ thế mà MEI 2014 tiếp tục lựa chọn Bộ Tư pháp là một trong 14 Bộ, ngành có liên quan chặt chẽ nhất đến doanh nghiệp.

Kết quả cụ thể của Bộ Tư pháp trong 05 Bảng xếp hạng các Chỉ số như sau:

1. Bảng xếp hạng hiệu quả soạn thảo VBQPPL

Bảng xếp hạng Hiệu quả soạn thảo là kết quả từ Chỉ số hiệu quả các hoạt động liên quan tới việc xây dựng các dự thảo VBQPPL của các Bộ, thuộc mảng xây dựng pháp luật trong MEI 2014. Chỉ số này gồm 07 Chỉ tiêu, trong đó 06 Chỉ tiêu được tính toán trên kết quả khảo sát các HHDN và 01 Chỉ tiêu dựa trên số liệu thực tế (về tỷ lệ các dự thảo lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp qua VCCI). Cụ thể 07 Chỉ tiêu là: Sự cần thiết của VBQPPL; hình thức lấy ý kiến; dự thảo lấy ý kiến; thông tin cung cấp khi lấy ý kiến; thời hạn để góp ý; cách thức tiếp thu ý kiến; lấy ý kiến VCCI.

Ở Bảng xếp hạng Chỉ số này, Bộ Tư pháp được xếp vào tốp đầu với 56,45/100 điểm, xếp thứ 2/14 Bộ, ngành (xếp đầu là Bộ Kế hoạch và Đầu tư - 58,08/100 điểm). So với MEI 2012, Bộ Tư pháp giảm 01 bậc (năm 2012, Bộ Tư pháp xếp thứ nhất).

Kết quả này cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp thông qua các HHDN đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Tư pháp trong việc soạn thảo và quá trình tham vấn về các văn bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với môi trường và khung khổ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như: Bộ luật dân sự (sửa đổi), Luật ban hành VBQPPL… trong năm 2014. Mặc dù vậy, ở kết quả xếp hạng Chỉ số này, Bộ Tư pháp đã giảm 01 bậc so với kết quả MEI 2012 và theo đánh giá tại Báo cáo nghiên cứu MEI 2014 thì đây là tín hiệu cho thấy các HHDN mặc dù đã đánh giá cao tinh thần cầu thị và vì doanh nghiệp trong quá trình soạn thảo VBQPPL của Bộ trong so sánh với các Bộ khác nhưng trong tổng thể thì sự hài lòng với hiệu quả soạn thảo VBQPPL của Bộ Tư pháp là chưa cao.

2. Bảng xếp hạng Chất lượng VBQPPL

Bảng xếp hạng chất lượng VBQPPL là kết quả từ Chỉ số Chất lượng VBQPPL, Chỉ số thuộc mảng xây dựng pháp luật trong MEI 2014. Chỉ số này gồm 03 Chỉ tiêu là: tính minh bạch; tính thống nhất, khả thi và công bằng; tính hợp lý. Đánh giá này được thực hiện hoàn toàn thông qua khảo sát các HHDN về từng nhóm VBQPPL thuộc các lĩnh vực thuộc chức năng của Bộ.

Năm 2014, Bộ Tư pháp đạt 62,12/100 điểm, xếp thứ 9/14 Bộ, ngành (xếp đầu là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - 66,06/100 điểm). So với MEI 2012, Bộ Tư pháp giảm 01 bậc.

Kết quả xếp hạng ở Chỉ số này chỉ ra rằng HHDN chưa đánh giá cao sự cải thiện nào đáng kể về chất lượng VBQPPL do Bộ Tư pháp soạn thảo, do đó, Bộ Tư pháp cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng soạn thảo các VBQPPL về kinh doanh.

3. Bảng xếp hạng Hiệu quả công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật

Bảng xếp hạng Hiệu quả công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật là kết quả từ Chỉ số hiệu quả hoạt động công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật, Chỉ số thuộc nhóm các Chỉ số thi hành pháp luật trong MEI 2014, được tính toán trên kết quả khảo sát các HHDN. Chỉ số này gồm 03 Chỉ tiêu là: loại thông tin cung cấp; cách thức lấy thông tin và hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Ở Bảng xếp hạng Chỉ số này, Bộ Tư pháp được xếp vào tốp đầu với 62,05/100 điểm, xếp thứ 3/14 Bộ, ngành (xếp đầu là Bộ Thông tin và Truyền thông - 62,60/100 điểm). So với MEI 2012, Bộ Tư pháp không thay đổi thứ bậc.

Có thể thấy, mặc dù năm 2014 Bộ Tư pháp tiếp tục được xếp vào tốp đầu về hiệu quả công khai, tuyên truyền và phổ biến pháp luật, tuy nhiên, kết quả  này chưa được cải thiện so với kết quả MEI 2012. Thiết nghĩ, từ MEI 2012 đến MEI 2014, khoảng thời gian với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin cũng như yêu cầu minh bạch hóa thông tin pháp luật đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật ban hành VBQPPL nhưng hiệu quả công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật của Bộ Tư pháp lại “dậm chân tại chỗ” là một vấn đề đáng lưu tâm và trong thời gian tới cần có những giải pháp tích cực hơn nữa để cải thiện chỉ số này, đáp ứng tốt hơn yêu cầu minh bạch hóa thông tin pháp luật theo quy định của pháp luật cũng như mong muốn của cộng đồng danh nghiệp và thực tiễn cuộc sống.  

4. Bảng xếp hạng Hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật

Bảng xếp hạng Hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật là kết quả từ Chỉ số hiệu quả các hoạt động tổ chức thi hành pháp luật, Chỉ số thuộc mảng thi hành pháp luật trong MEI 2014, được xây dựng dựa trên khảo sát các HHDN. Chỉ số này gồm 03 chỉ tiêu là: các hoạt động thi hành pháp luật cơ bản; hướng dẫn thi hành VBQPPL và trách nhiệm giải trình.

Ở Bảng xếp hạng Chỉ số này, Bộ Tư pháp được xếp vào tốp đầu với 72,50/100 điểm, xếp thứ 3/14 Bộ, ngành (xếp đầu là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - 74,59/100 điểm). So với MEI 2012, Bộ Tư pháp tăng 05 bậc.

Nhìn vào Chỉ số này có thể thấy, năm 2014, Bộ Tư pháp đạt mức điểm khá cao về hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật và có sự cải thiện điểm số đáng kể so với kết quả MEI năm 2012 (tăng 19,71%), tuy nhiên so với một số Bộ, ngành còn lại thì đây lại là mức tăng điểm khá khiêm tốn. Bên cạnh đó, năm 2014 dường như không có nhiều những biến cố nóng hay những khó khăn đặc biệt trong tổ chức thi hành pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp, trong khi đó, ở nhiều lĩnh vực khác có thử thách cam go hơn như giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên môi trường, y tế… đều có sự tăng điểm, cải thiện rất mạnh mẽ. Đây là thông điệp để Bộ Tư pháp tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.

5. Bảng xếp hạng Hiệu quả rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật

Bảng xếp hạng Hiệu quả rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật là kết quả từ Chỉ số hiệu quả các hoạt động liên quan, thuộc mảng thi hành pháp luật trong MEI 2014, được tính toán trên kết quả khảo sát các HHDN. Chỉ số này bao gồm 03 Chỉ tiêu là: Theo dõi, kiểm tra phát hiện và xử lý vi phạm của cán bộ Nhà nước; theo dõi, kiểm tra phát hiện và xử lý vi phạm của Doanh nghiệp và phát hiện điều chỉnh bất cập về pháp luật.

Ở Bảng xếp hạng Chỉ số này, Bộ Tư pháp được xếp vào tốp đầu với 63.72/100 điểm, xếp thứ 3/14 Bộ, ngành (xếp đầu là Bộ Giao thông vận tải - 68,22/100 điểm). So với MEI 2012, Bộ Tư pháp giảm 02 bậc.

Kết quả xếp hạng ở Chỉ số này cho thấy, mặc dù Bộ Tư pháp vẫn duy trì việc đứng ở tốp đầu về Hiệu quả rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật nhưng lại có sự sụt giảm so với kết quả của chính mình ở năm 2012.

 III. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

Kết quả MEI năm 2011 và 2012, Bộ Tư pháp liên tục được xếp thứ nhất trong 14 Bộ, ngành được xếp hạng. Năm 2014, nếu tính tổng số điểm các Chỉ số thì Bộ Tư pháp đạt 316,84 điểm, xếp thứ 02/14[1] Bộ, ngành (Bộ Giao thông vận tải xếp thứ nhất với tổng điểm là 351,21 điểm). Sự giảm sút về thứ bậc này cũng là điều dễ hiểu bởi việc phấn đấu đạt được vị trí cao và giữ cho được vị trí cao trong nhiều năm liên tục là điều rất khó. MEI 2014 cho thấy, Bộ Tư pháp vẫn tiếp tục chú trọng và có nhiều cố gắng  trong các hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh và điều này được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá, ghi nhận thông qua Bảng xếp hạng các Chỉ số: Bộ Tư pháp được xếp vào tốp đầu tại 04/05 Bảng xếp hạng và tổng điểm chỉ xếp sau 01 Bộ là Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên, trong sự vận động không ngừng của đời sống, xã hội, sự nỗ lực không ngừng của các Bộ, ngành, cơ quan, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cần nghiên cứu, có những giải pháp hiệu quả hơn nữa trong các hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh do mình thực hiện để phát huy kết quả đạt được trong thời gian vừa qua. Cụ thể như:

- Cần quán triệt, phổ biến Bộ Chỉ số MEI đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ; đầu tư thời gian, nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng kết quả của Bộ ở từng Chỉ số, Chỉ tiêu, có sự so sánh với các năm trước và các Bộ, ngành khác để thấy được toàn diện hơn những lĩnh vực nào đã có sự tiến bộ, những lĩnh vực nào giảm sút (như hiệu quả soạn thảo VBQPPL; chất lượng VBQPPL; hiệu quả rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật), từ đó xác định các lĩnh vực cần ưu tiên, tập trung khắc phục, giải pháp, cách thức thực hiện...; tổ chức các buổi tọa đàm nhằm huy động trí tuệ tập thể của các đơn vị thuộc Bộ trong việc đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả các hoạt động này của Bộ Tư pháp; nghiên cứu, xây dựng phương án gắn việc xét thi đua khen thưởng hàng năm với kết quả triển khai thực hiện Bộ Chỉ số MEI của các đơn vị có liên quan thuộc Bộ.

- Cần minh bạch hơn nữa các hoạt động xây dựng pháp luật, tham vấn một cách nghiêm túc, nâng cao hiệu quả của hoạt động soạn thảo VBQPPL, mở rộng sự tham gia của công chúng, doanh nghiệp để các chủ thể này thực sự có cơ hội lên tiếng và để tiếng nói của họ có ý nghĩa thực chất ngay từ khâu khởi đầu - khâu xây dựng dự thảo VBQPPL; tập trung nỗ lực cải thiện chất lượng VBQPPL, đặc biệt là nâng cao tính minh bạch, rõ ràng trong các quy định pháp luật.

- Tập trung thực hiện hiệu quả hơn nữa việc công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật; công khai đầy đủ thông tin về VBQPPL thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp theo yêu cầu của pháp luật; công khai những thông tin tuy có thể pháp luật không bắt buộc phải công khai nhưng lại hữu ích cho doanh nghiệp và có đóng góp không nhỏ vào hiệu quả thi hành VBQPPL (như: Công văn hướng dẫn áp dụng quy định của pháp luật…); tăng cường chất lượng thông tin và tăng cường hiệu quả hoạt động của các kênh thông tin, truyền thông  thuộc Bộ Tư pháp như: Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam... để việc cung cấp thông tin pháp luật trong lĩnh vực Bộ Tư pháp quản lý được cải thiện tốt nhất./.

 

Thu Hà - Phòng Tổng hợp, Văn phòng Bộ Tư pháp



[1] Thứ tự tổng điểm các Chỉ số MEI 2014 của các Bộ, ngành: 1. Bộ Giao thông vận tải: 321.51 điểm; 2. Bộ Tư pháp: 316.84 điểm; 3. Bộ Kế hoạch - Đầu tư: 315.59 điểm; 4. Bộ Nông nghiệp và PTNN: 312.8 điểm; 5. Ngân hàng nhà nước Việt Nam: 311.9 điểm; 6. Bộ Công thương: 307.63 điểm; 7. Bộ Khoa học và Công nghệ: 305.77 điểm; 8. Bộ Thông tin và truyền thông: 305.11 điểm; 9. Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội: 304.49 điểm; 10. Bộ Tài chính: 303.73 điểm; 11. Bộ Xây dựng: 288.76 điểm; 12. Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch: 286.96 điểm; 13. Bộ Tài nguyên và Môi trường: 282.45 điểm; 14. Bộ Y tế: 275.11 điểm.