Bảo đảm quyền con người và quyền công dân trong các dự thảo Luật

18/08/2015
Trong phiên họp ngày 17/8, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam (TGTG) và Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi).

Phải làm rõ quyền của người bị tạm giữ, tạm giam

Đó là yêu cầu được nhiều ý kiến trong UBTVQH tiếp tục đặt ra cho dự thảo Luật TGTG. Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), dự án Luật được chỉnh lý theo hướng quy định một số quyền, nghĩa vụ cơ bản nhất trực tiếp liên quan đến người bị TGTG, còn một số quyền khác được thực hiện như thế nào sẽ do các đạo luật chuyên ngành đang quy định điều chỉnh để tránh dẫn đến trùng lắp, chồng chéo và cũng không bảo đảm tính linh hoạt khi phải sửa đổi, bổ sung.

Theo đó, dự thảo Luật bổ sung các quyền của người bị TGTG như quyền bầu cử; quyền gặp luật sư, người bào chữa; quyền được khám, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế nếu người bị TGTG đóng bảo hiểm y tế, tăng cường hơn một số chế độ của người bị TGTG.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng, người bị TGTG “vẫn là con người, công dân Việt Nam, có đầy đủ các quyền nhưng phải tạm trú ở một nơi bị kiểm soát chặt chẽ” nên phải làm rõ họ được quyền gì. “Phải bảo đảm quyền công dân cho họ bởi lúc này họ vẫn chưa phải người có tội. Phải quy định rõ, chứ đừng sợ dài. Chỗ này phải chi tiết để thấy rõ rằng nhà nước ta vẫn bảo đảm những quyền rất cơ bản của con người" – ông Ksor Phước nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị “Không thể nhốt chung người bị TGTG với người thành án vì người bị TGTG chưa bị xử án kết tội nên chưa bị hạn chế quyền công dân như người đã thành án”. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp, trong một số trường hợp người bị TGTG là người chưa thành niên khi mới bị TGTG thường có biểu hiện tâm lý không ổn định thì nhà tạm giữ, trại tạm giam vẫn cần bố trí người đã thành niên giam cùng để bảo đảm kiểm soát hành vi, tránh việc họ tự sát hoặc tự gây thương tích cho mình...

Tuy nhiên, ông Phan Trung Lý lo ngại người thành niên đã có tiền án, tiền sự sẽ ảnh hưởng rất lớn, ảnh xấu đến người chưa thành niên nếu bị TGTG chung nên cho rằng, lập luận này cần phải xem lại để phù hợp với mục đích, bảo vệ cho người chưa thành niên trong mọi trường hợp, kể cả trong thời gian bị TGTG...

Trách nhiệm của Tòa án trong thực hiện quyền tư pháp

Cho ý kiến đối với dự thảo BLTTDS (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng căn cứ vào “lẽ thông thường, lẽ phải” nhấn mạnh “Không có luật nào qui định được mọi vấn đề trong cuộc sống nên  khi dân kêu đến Tòa án thì tòa án không thể từ chối vì không có luật”.

Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào cho biết, dự thảo BLTTDS (sửa đổi) đã làm rõ hơn việc Tòa án thực hiện quyền bảo vệ đối với dân sự đồng bộ với dự thảo BLDS (sửa đổi). Theo đó, Tòa án không được quyền từ chối, không đứng ra giải quyết đối với các tranh chấp dân sự mà nhân dân yêu cầu vì không có luật.

Nhiều ý kiến đánh giá, qui định đó để Tòa án thực hiện đúng “quyền tư pháp”, trách nhiệm giữ cán cân công lý. Trước lo ngại sẽ có tùy tiện trong xét xử vì không có qui định của pháp luật, ông Tống Anh Hào giải thích qui định như vậy nhưng có các giải pháp để không thể xảy ra những tùy tiện trong xét xử. Như vậy có thể xử lý được những tranh chấp trên thực tế.

Nhấn mạnh đến trách nhiệm của Tòa án trong thực hiện quyền tư pháp, phải vì dân mà giải quyết các tranh chấp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, người dân có tranh chấp thì chỉ biết đưa ra tòa chứ không biết đưa đi đâu. Nên Tòa phải xem xét, phán quyết để bảo vệ công lý.  

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, qui định nguyên tắc Tòa án không được từ chối yêu cầu của người dân là để tránh cho dân phải “tự xử” như phản ánh của ĐBQH. Bên cạnh đó, qui định này còn để “thúc bách” việc hoàn thiện pháp luật vì nếu thiếu qui định thì Tòa xử theo lẽ công bằng, lẽ phải và đồng thời các cơ quan chức năng phải xây dựng, hoàn thiện các qui định pháp luật để giải quyết các vấn đề cuộc sống đặt ra./.

Huy Anh