Quan điểm của Bộ Tư pháp xung quanh sai phạm 2 cuốn sách pháp luật của NXB Lao động – Xã hội: Lo ngại nếu ấn phẩm được trang bị cho Tủ sách pháp luật; xem xét lại hoạt động liên kết xuất bản, khoanh vùng cơ quan xuất bản sách luật

11/12/2014
Đó là quan điểm của Bộ Tư pháp đưa ra tại cuộc họp liên ngành giữa Bộ Tư pháp, Bộ LĐ-TB&XH, Vụ Pháp luật Văn phòng Quốc hội, Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ, Cục Xuất bản, in và phát hành, Nhà xuất bản Lao động – Xã hội… về hệ lụy của hai cuốn sách pháp luật xuất bản gần đây đối với việc xuất bản sách luật và sách dùng cho Tủ sách pháp luật.

Tháng 11/2014, hai ấn phẩm “Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” và “Bộ luật Hình sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” của Nhà xuất bản Lao động – Xã hội đã bị phát hiện có những sai phạm nghiêm trọng về hình thức trình bày bìa cũng như cách thể hiện tiêu đề trên bìa. Cụ thể, bìa cuốn sách “Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” thể hiện ảnh ghép diễn viên hài Công Lý cởi trần, mặc quần con gây phản cảm. Tương tự, bìa cuốn sách “Bộ luật Hình sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” thể hiện hình ảnh cán cân công lý trong đó một bên để đồng hồ, một bên để xấp tiền đô la. Tiêu đề của các cuốn sách thông tin sai sự thật, gây sự hiểu nhầm về thời gian ban hành luật và văn bản hướng dẫn thi hành. Không những thế, ở trang bìa lót và bìa cuối cuốn sách còn có dòng chữ “Tủ sách pháp luật cơ sở”. Những sai phạm của hai cuốn sách, Cục Xuất bản, in và phát hành, Bộ Thông tin- Truyền thông đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Nhà xuất bản Lao động - Xã hội mức tiền 252 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo ông Trần Tiến Dũng - Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp thì việc xuất bản, phát hành hai cuốn sách với cách thức, thiết kế bìa như nêu trên đã ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội, đến tính chuẩn mực, nghiêm túc của pháp luật trong điều kiện chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Mặt khác, Bộ luật Dân sự và Bộ luật Hình sự cũng như Tủ sách pháp luật đều thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp. Chính vì thế những thông tin sai sự thật, gây sự hiểu nhầm về thời gian ban hành luật và văn bản hướng dẫn thi hành thể hiện trên bìa sách cũng như dòng chữ “Tủ sách pháp luật cơ sở” ở trang bìa lót và bìa cuối đã thực sự làm cho Bộ Tư pháp lo ngại, không loại trừ việc các Sở, ban, ngành, UBND các cấp, đặc biệt là cấp xã đặt mua để trang bị, bổ sung cho tủ sách của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học theo đơn đặt hàng từ trước. “Do vậy, từ góc độ theo dõi quản lý công tác phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng nếu ấn phẩm này được trang bị, bổ sung cho Tủ sách pháp luật, trước hết sẽ gây sự hiểu nhầm cho người đọc về việc ban hành Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự mới. Bên cạnh đó sẽ ảnh hưởng không tốt đến nhận thức của cán bộ, nhân dân cơ sở, gây tâm lý bất an do sách pháp luật không tôn trọng pháp luật” – ông Dũng nhấn mạnh.

Giải thích về sự cố của hai cuốn sách “Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” và “Bộ luật Hình sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014”, ông Nguyễn Hoàng Cầm, Giám đốc Nhà xuất bản Lao động – Xã hội cho biết, cả hai cuốn sách đều được Nhà xuất bản liên kết với Nhà sách Lao động theo đúng quy trình luật định. Tuy nhiên, khi sách in ra, bìa cuốn sách không đúng với bìa đã được Nhà xuất bản duyệt trước đó với đối tác liên kết (không có hình ảnh diễn viên Công Lý; cán cân công lý bên tiền bên đồng hồ; tên sách không đúng với tên sách trong quyết định xuất bản…). Theo ông Cầm, khi đưa đi in, đối tác liên kết đã không thông báo với Nhà xuất bản để kiểm tra bản can và khi in xong, thì đối tác liên kết đã tự ý phát hành luôn không đợi sự cho phép của Nhà xuất bản.

Điều đáng nói là sự việc này đã diễn ra từ tháng 7, nhưng khi phát hiện ra, Nhà xuất bản Lao động – Xã hội chỉ lẳng lặng yêu cầu Nhà sách Lao động cùng thu hồi. Phải đến tháng 11 khi báo chí phát hiện thì dư luận và các cơ quan chức năng mới biết. Tính đến ngày 27/11 cuốn sách “Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” thu hồi được 400/500 ấn phẩm phát hành, cuốn sách “Bộ luật Hình sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” thu hồi được 150/500 ấn phẩm phát hành.

“Liên kết xuất bản nhưng vui thì cùng hưởng, họa chỉ mình Nhà xuất bản chịu” – đó là lời than thở của ông Nguyễn Hoàng Cầm. Theo đó, khi sự việc xảy ra, Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam của Nhà xuất bản Lao động – Xã hội đã bị cách chức, dù rằng người này đã từng có 35 năm công tác trong lĩnh vực xuất bản và 15 năm làm trưởng văn phòng đại diện. Bên cạnh đó, Ban Giám đốc Nhà xuất bản cũng đang trong quá trình kiểm điểm với Cục Xuất bản và Bộ LĐ-TB&XH. Tuy nhiên, về phía đối tác liên kết là Nhà sách Lao động trước sau vẫn chỉ là những lời giải thích và tuyên bố “nhẹ tênh”: “Thấy hình hay trên mạng thì lấy xuống làm bìa thôi chứ không có ý gì” và “Nếu ép chúng tôi nhận trách nhiệm thì chúng tôi giải thể”.

Phải chăng sự trốn tránh trách nhiệm này cũng có một phần nguyên nhân từ kẽ hở của pháp luật mà cụ thể là Luật Xuất bản đối với hoạt động liên kết xuất bản? Lý giải vấn đề này, ông Hoàng Ngọc Bình đại diện cho Cục Xuất bản, in và phát hành cho biết, Luật Xuất bản tính đến nay đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 1993, 2004, 2008 và 2012. Luật Xuất bản mới đây nhất vừa có hiệu lực ngày 01/7/2013 và Nghị định hướng dẫn có hiệu lực 1/3/2014, Thông tư hướng dẫn đang được xây dựng. Theo ông Bình, các quy định của Luật Xuất bản rất chặt chẽ và toàn diện về hành lang pháp lý đối với hoạt động xuất bản, nên vấn đề ở đây chỉ là việc thực thi luật mà thôi. “Việc xử phạt 252 triệu mới chỉ là bước đầu, chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ việc thi hành quyết định xử phạt của các bên liên quan và xem xét để xử lý đối tác liên kết”, ông Bình cho biết.

Kết luận buổi họp, Đại diện Lãnh đạo Bộ Tư pháp cho rằng, với chức năng theo dõi thi hành pháp luật, rõ ràng, quy định của pháp luật xuất bản có vấn đề về các hoạt động liên kết. Cần rà soát, sửa đổi các quy định liên quan theo hướng quản lý chặt chẽ hoạt động liên kết xuất bản. Việc xuất bản sách luật thuộc nhóm lĩnh vực chính trị - pháp lý, rất quan trọng, chỉ nên cấp phép cho nhà xuất bản có năng lực, đặc biệt đội ngũ các biên tập viên có các tiêu chuẩn am hiểu về pháp luật. Nghiên cứu sửa đổi Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản theo hướng tăng nặng đối với các hành vi vi phạm về xuất bản, các chế tài nghiêm khắc hơn đối với các đối tác liên kết, cụ thể vụ việc này là Nhà sách Lao động. Cần tiếp tục xử lý các cá nhân, biên tập viên, lãnh đạo Nhà Xuất bản Lao động - Xã hội và Nhà sách Lao động.

                                                              Hoa Giang

Cần “khoanh vùng” nhà xuất bản được phép xuất bản sách luật

“Hoạt động xuất bản hiện nay đang rất “nóng” với không ít sai phạm chủ yếu nằm ở sách liên kết và trong khâu chăm sóc bản thảo. Việc xuất bản sách luật đòi hỏi đơn vị xuất bản phải đáp ứng các tiêu chí về pháp luật như trình độ biên tập viên, nguồn tiếp cận pháp luật... Chính vì thế, nên “khoanh vùng” rõ ràng cơ quan xuất bản nào được xuất bản sách luật, để có được sự chặt chẽ hơn trong hoạt động biên tập, thẩm định ấn bản phẩm. Mặt khác, khi xuất bản sách pháp luật thì đối tác liên kết cũng phải đáp ứng được những điều kiện nhất định mới được phép liên kết” -  ông Vũ Đình Thường, Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản, Ban Tuyên giáo trung ương

“Tôi nghĩ rằng việc xuất hiện những sai phạm trong xuất bản sách pháp luật không phải là do luật hở, mà do luật chưa có quy định về việc nhà xuất bản nào được xuất bản sách luật nên có nhiều nhà xuất bản tham gia dù không đúng chuyên môn. Theo tôi, riêng về sách pháp luật, sách giáo dục nhất thiết phải hạn chế chỉ một số nhà xuất bản được thực hiện, chứ không thể để tràn lan như hiện nay, thiếu chuyên môn gây ra hậu quả rất nguy hiểm ” – ông Lương Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ

“Trong lĩnh vực xuất bản có nhiều nhóm sách rất cần sự chính xác, tin cậy tuyệt đối như pháp luật, giáo dục, y học… Vì thế, để tránh sai phạm bởi tình trạng nhà xuất bản nào cũng làm được đủ loại sách như hiện nay nên chia nhóm các lĩnh vực về xuất bản phẩm, rồi từ đó xem xét các nhà xuất bản nào đáp ứng đủ điều kiện mới được cấp phép. ”- ông Đàm Văn Tuấn, Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp

“Văn bản pháp luật thì chỉ có một nhưng khi đến với các nhà xuất bản thì từ tư duy của nhà xuất bản, người biên tập lại có rất nhiều sản phẩm khác nhau. Ví dụ như chỉ là một chữ viết hoa trong văn bản luật thông qua ở Quốc hội khác, nhưng khi ra ấn bản phẩm lại được sửa theo quan điểm của nhà xuất bản. Chính vì thế theo tôi nên chia nhóm các nhà xuất bản theo các lĩnh vực ấn bản phẩm nhất định để có sự chuyên sâu, chuyên nghiệp” – bà Nguyễn Phương Thủy, Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội


xuân hoa báo PLVN