Tăng cường năng lực người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm tạo bước đột phá

08/12/2014
Tăng cường năng lực người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm tạo bước đột phá
Trên cơ sở Kế hoạch năm 2014 do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014 kèm theo Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 5 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Chương trình 585) phê duyệt, ngày 6/12/2014 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Chương trình 585 – Bộ Tư pháp và Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức Tọa đàm tăng cường năng lực cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Đến dự, khai mạc và chủ trì Hội nghị có Luật gia Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình 585, Ths.Trần Minh Sơn – Phó Tổ trưởng Tổ Thư ký Chương trình 585; TS. Nguyễn Minh Hằng – Chủ nhiệm Khoa luật, Trường Đại học Ngoại thương, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế ngân hàng, Luật sư Liêu Chí Trung, Phó Tổng Biên tập, Tạp chí Luật sư; Luật sư Nguyễn Trọng Bính – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội… đã trực tiếp trao đổi với gần 100 đại biểu là các Luật sư thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Luật gia, những chuyên gia pháp luật làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 8 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia pháp lý, các Luật sư, Luật gia, những người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã trao đổi về các vấn đề hình thức, cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97,7% doanh nghiệp Việt Nam liên quan đến việc nâng cao năng lực cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua các hình thức hỗ trợ pháp lý theo Nghị định số 66 và các hoạt động thuộc Dự án của Chương trình 585, qua đó các chuyên gia cũng đã trao đổi, thống nhất và đưa ra các giải pháp đề xuất cơ bản như sau:

   

Thứ nhất, về phía Chính phủ mà đầu mối là Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý công tác hỗ trợ pháp lý trên phạm vi cả nước cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 66 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Nghị định này được ban hành năm 2008, đến nay đã gần 6 năm, có nhiều quy định qua quá trình triển khai vào thực tiễn cho thấy cần phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung như các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, điều khoản giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp (Điều 10 Nghị định)… và các quy định hướng dẫn sử dụng và thanh quyết toán kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vì theo đa số ý kiến của chuyên gia định mức nhà nước quy định trong Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTP-BTC năm 2010 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn kinh phí cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là rất thấp và nội dung chi đến nay không còn sát định mức, nhu cầu cần hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp Việt Nam. Ví dụ: mức hỗ trợ của nhà nước là 20.000đ (hai mươi ngàn đồng) cho 01 giờ tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp là quá thấp, không phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Thứ hai, về phía Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành 585, đề nghị Ban Chỉ đạo Chương trình tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong giai đoạn 2015-2020, trong đó tập trung vào các hình thức hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, trong đó, cần tập trung cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ở các vùng sâu, vùng xa, các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, để tạo sức hút của Chương trình liên ngành 585, mỗi năm ít nhất 1 lần, Ban Chỉ đạo Chương trình 585 cần tổ chức ít nhất 1 Hội nghị lớn tương tự như “Diễn đàn kinh tế mùa thu” với các chủ đề khác nhau nhằm trao đổi trực tiếp, tư vấn trực tiếp và giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp để tạo dấu ấn trên cả nước về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Ví dụ: “Diễn đàn Doanh nghiệp với pháp luật” năm 2015 về hội nhập kinh tế quốc tế… những nội dung tư vấn, giải đáp pháp luật đối với các trường hợp cụ thể cần được cập nhật trên 01 Trang thông tin hỗ trợ pháp lý chính thức của Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với pháp luật.

Thứ ba, về tăng cường năng lực cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức pháp chế tại các Bộ, ngành liên quan và Sở Tư pháp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương huy động mọi nguồn lực từ nhà nước, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, bản thân các doanh nghiệp để Nhà nước có thể hỗ trợ hiệu quả hơn pháp lý cho doanh nghiệp, ngoài ra có thể huy động nguồn lực doanh nghiệp lớn hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp nhỏ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp siêu nhỏ; huy động sự tham gia của các luật gia tại các trường đại học, các sinh viên luật trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức, pháp lý cho doanh nghiệp Việt Nam.  

                                                 Trần Minh Sơn

                                Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế, Bộ Tư pháp