Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Băn khoăn thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế xã hội

24/10/2013
Thảo luận tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hôm qua 23/10, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều có chung nhận định “dự thảo đã tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của đại biểu, nhân dân, khẳng định rõ nét hơn quan điểm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến khác nhau về một số nội dung quan trọng của Hiến pháp….

Định hình rõ mô hình chính quyền địa phương

ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) tán thành cao với dự thảo Hiến pháp được đưa ra tại kỳ họp Quốc hội lần này. Cụ thể, Dự thảo đã khẳng định rõ tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, hoàn thiện hơn nữa mô hình tổ chức bộ máy nhà nước; Bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân; tăng cường giám sát, kiểm tra thực hiện quyền lực…. Đây là những nội dung ĐB Quyền đánh giá rất cao. Tuy nhiên, điểm duy nhất ông Quyền chưa bằng lòng là việc sử dụng thuật ngữ chính quyền địa phương gồm cả HĐND và UBND. “Quy định như dự thảo dễ tạo ra cách hiểu là phân quyền, địa phương muốn làm gì thì làm. Đành rằng khơi dậy tính vươn lên của địa phương là rất nên nhưng lưu ý ở nước ta quyền lực nhà nước là thống nhất, Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất”, do đó ông Quyền đề nghị quy định theo hướng “HĐND, UBND tổ chức ở 2 cấp, được thành lập để thực hiện nhiệm vụ quyền hạn theo luật định”.

Liên quan đến mô hình chính quyền địa phương, nhiều ĐB đánh giá dự thảo đã có sự tiếp thu nhưng vẫn thể hiện sự lúng túng. “Đọc chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa định hình được chính quyền địa phương là gì. Nhiệm vụ của chính quyền địa phương cũng chưa rõ. Có thể do chưa có tổng kết thực tiễn nên thể hiện còn lúng túng. Cần có sự đầu tư một cách thích đáng để có thể thông qua tại kỳ họp này”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) phát biểu.

ĐB Hồ Thanh Thủy (Vĩnh Phúc) cũng đề nghị dự thảo Hiến pháp nên quy định cụ thể chính quyền có mấy cấp, và chính quyền gồm những cơ quan nào, không nên “để lửng” như trong Dự thảo. Bên cạnh đó, cũng nên quy định chính quyền địa phương gồm có Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân. Như vậy, cấp chính quyền địa phương nào có Ủy ban nhân dân thì tương ứng đó là Hội đồng nhân dân.

Chia sẻ thiết kế quy định về chính quyền địa phương là vấn đề khó, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) dẫn chứng việc thí điểm bỏ HĐND quận huyện phường ở một số địa phương và cho rằng “Chưa tổng kết mà lại thiết kế mô hình là “vội vã””. Ông Nam cũng đặt câu hỏi “không có HĐND thì dân giám sát thế nào?”.

ĐB Trần Du Lịch, TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị “Cần nói rõ trong tương lai, chỗ nào tổ chức chính quyền địa phương, chỗ nào chỉ cần Ủy ban hành chính. Bên cạnh đó, nguyên tắc của chính quyền địa phương là tự chủ tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền được phân cấp, nhưng trong Hiến pháp vẫn không mạnh dạn thể hiện điều này, đề nghị phải bổ sung”

Vẫn băn khoăn thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế xã hội

Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Nhiều ĐB nhận định quy định thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh… thì không có gì phải bàn cãi, tuy nhiên thu hồi vì mục đích phát triển kinh tế xã hội thì chưa rõ. Thực tế hiện nay, dù đã có quy định nhưng người dân vẫn không đồng tình là vì một số dự án không rõ mục tiêu, không rõ đền bù… dẫn đến khiếu kiện triền miên.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) góp ý, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết, nhưng nếu quy định không khéo sẽ bị lợi dụng, mà thực tế trong nhiều năm qua đã bị lợi dụng. Vì vậy, Hiến pháp cần quy định rõ, thu hồi đất đáp ứng lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng.

ĐB Bùi Sỹ Lợi, Thanh Hóa cũng tỏ rõ sự băn khoăn đối với việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội. “Trên thực tế phải thừa nhận là nhờ thu hồi đất mà chúng ta xây dựng được những dự án lớn, có hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng như vậy. Phải làm rõ xem vì sao luật hiện hành quy định bồi thường thoả đáng nhưng dân vẫn kiện. Nếu giữ như quy định của dự thảo thì phải sát sao hơn”, ông Lợi đề nghị.

Trước đó, báo cáo một số nội dung cơ bản giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến của nhân dân và của các vị đại biểu Quốc hội Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thấy rằng, quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân nên Hiến pháp cần phải quy định chặt chẽ những trường hợp thu hồi. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho Luật Đất đai quy định nhằm tránh việc lạm dụng để thu hồi đất tràn lan, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, vẫn cần thiết phải thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn trực tiếp với lợi ích của người sử dụng đất và doanh nghiệp nên cần phải quy định chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và có bồi thường.

Theo chương trình, ngày 5/11, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý sẽ trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại Tổ và giải trình về những vấn đề có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận tại Tổ. Sau đó, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Thu Hằng