Các dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia: Đã rõ mục tiêu phải thực hiện sớm

19/10/2012
Chiều qua 18/10, trước khi kết thức phiên họp thứ 12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian thực hiện và nguồn lực cụ thể của các dự án thành phần thuộc từng Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2011-2015 và phương án phân bổ Chương trình MTQG giai đoạn 2013-2015.

Về tình hình thẩm định, phê duyệt các Chương trình MTQG giai đoạn 2011-2015, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh cho biết đến nay 16 chương trình MTQG đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó phải kể đến như chương trình MTQG ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống HIV/AIDS, chương trình MTQG việc làm và dạy nghề, phòng chống tội phạm… Bộ trưởng KHĐT cũng cho biết năm 2013 tổng số vốn ngân sách TW phân bổ cho các chương trình MTQG là 20.461,9 tỷ đồng, gồm cả nguồn vốn trong nước và vốn ngoài nước. Trong đó, vốn cho đầu tư phát triển là trên 8400 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là trên 12 ngàn tỷ.

Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đồng tình với nhiều nội dung Chính phủ trình, tuy nhiên vấn đề mà Ủy ban này quan tâm đó là nguồn kinh phí, đặc biệt đối với 13 dự án thành phần về truyền thông, giám sát đánh giá và nâng cao năng lực ở các chương trình MTQG. Ủy ban cho biết một số ý kiến đề nghị giảm để điều chuyển cho các chương trình khác. Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ trên cơ sở nguồn lực tổng thể đã được Quốc hội thông qua, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương rà soát và thực hiện các Chương trình MTQG, xác định rõ các cam kết của địa phương, tổ chức, cá nhân trong và nước ngoài và khả năng đóng góp của nhân dân. Để đảm bảo nguồn lực thực hiện các chương trình MTQG, sớm giao kế hoạch trung hạn giai đoạn 2013 - 2015, để các bộ, ngành và địa phương chủ động triển khai công việc và huy động các nguồn vốn đối ứng. Đồng thời cần có cơ chế quản lý và thường xuyên đánh giá, sơ kết việc thực hiện các chương trình MTQG hàng năm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tỏ ra lo ngại: Chương trình ứng phó biển đổi khí hậu, tại sao chỉ 1 tỉnh được bố trí vốn, tỏng khi thực tế có nhiều tỉnh khác ở Đồng bằng sông Cưu Long cũng thiết hại rất nặng nề như Cà Mau, Cần Thơ…phải có tính toán giúp các tỉnh này. Phó Chủ tịch cũng băn khoăn khi chỉ được bố trí từng đó tiền trong khi yêu cầu thực tế đòi hỏi cao hơn. Phải làm rõ vấn đề này còn trả lời cho cử tri.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách trần tình thêm trong khi chỉ có hơn 20 ngàn tỷ mà “bộ nào cũng cần, địa phương nào cũng cần” nên dẫn đến dàn trải. Ông thừa nhận “phải thẩm tra, rà soát kỹ trước khi quyết định”.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng đặc biệt lưu ý: Những chương trình đã rõ mục tiêu (như chương trình xóa đói giảm nghèo, y tế, nông thôn mới..) thì cần phải làm sớm, còn lại phải rà soát nếu không phải MTQG thì phải bớt đi. “Phải làm rõ mục tiêu, nhiệm vụ, cần bao nhiêu tiền…của từng chương trình”. Chủ tịch yêu cầu.

Kết thúc thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị vấn đề nêu trên cần được chuẩn bị kỹ hơn trước khi trình ra Quốc hội.\

Thu Hằng (nội chính)

Cũng tại phiên họp, UBTVQH đã thông qua dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng . Theo đó, những bà mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây được tặng hoặc truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng":

1. Có 2 con trở lên là liệt sỹ;

2. Chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sỹ;

3. Chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sỹ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

4. Có 1 con là liệt sỹ và có chồng hoặc bản thân là liệt sỹ; hoặc có 1 con là liệt sỹ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên”.

Pháp lệnh mới có hiệu lực từ 1/1/2013