Trình bày Đề án “Xây dựng trường Đại học Luật Hà Nội và trường Đại học Luật TP.HCM thành các trường trọng điểm đào tạo CB về pháp luật”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Đề án đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu về số và chất lượng đào tạo CB về pháp luật, tăng cường hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học pháp lý (nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng giải quyết các vấn đề trên thực tiễn), phát triển đội ngũ giảng viên (cơ hữu có trình độ, đào tạo bài bản trong và ngoài nước, cùng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng có kinh nghiệm thực tiễn); đầu tư phát triển cơ sở vật chất; Tăng cường hợp tác trao đổi với các cơ sở đào tạo luật uy tín trên thế giới, giữa 2 trường để chia sẻ giảng viên, tài liệu, sinh viên, hoạt động nghiên cứu khoa học.
Đề án cũng kiến nghị bổ sung tín dụng ưu đãi của Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng hai trường, ưu tiên các dự án xây dựng cơ sở vật chất, cho phép hai trường được quy định mức học phí phù hợp cho từng ngành, được xã hội hóa một số ngành có nhiều người học, bố trí trụ sở để các trường phát triển phù hợp quy hoạch của TP…
Theo Thường trực BCĐ, xây dựng trường Đại học Luật Hà Nội và trường Đại học Luật TP.HCM thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, có tầm chiến lược lâu dài, được xác định trong nhiều văn bản quan trọng của Đảng (như NQ 08, NQ 49…) để hai trường làm tốt vai trò cung cấp nguồn nhân lực pháp luật cho các cơ quan, tổ chức của Đảng, nhà nước, quan trọng là các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế và xây dựng NNPQ XHCN.
Các thành viên BCĐ và đại biểu tham dự đều nhất trí sự cần thiết phải xây dựng trường Đại học Luật Hà Nội và trường Đại học Luật TP.HCM thành các trường trọng điểm đào tạo CB về pháp luật vì hiện cả nước có gần 20 trường ĐH được công nhận là trọng điểm nhưng chưa có trường nào đào tạo luật. 2 trường ĐH Luật hiện có quy mô, năng lực đào tạo luật hàng đầu so với các cơ sở đào tạo luật trong nước hiện nay.
Tuy nhiên, các thành viên BCĐ đề nghị Đề án phải nhằm vào đào tạo CB pháp luật cho toàn xã hội, chứ không chỉ tập trung cho các cơ quan tư pháp; có các giải pháp đột phá, đề cập sâu đến vai trò quản lý nhà nước của Bộ chủ quản và sự phối hợp của các cơ quan liên quan trong đào tạo… theo yêu cầu của CCTP và chiến lươc phát triển nguồn nhân lực quốc gia đến năm 2020. Các đại biểu cũng cho rằng, bản thân hai cơ sở đào tạo phải tự “đổi mới”, chú trọng phát triển “chiều sâu” để tự nâng tầm, hai ngành TA và VKS phải có cơ chế thu hút để sinh viên luật tốt nghiệp vào ngành…
Kết luận về vấn đề này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, cần chú ý kết cấu đội ngũ giáo viên, giáo trình và chương trình phải đáp ứng được yêu cầu, cập nhật giáo trình, tài liệu, án lệ thế giới liên tục bằng thư viện điện tử… đủ cung cấp kiến thức pháp lý, kiến thức xã hội cho sinh viên khi ra trường. Đội ngũ giáo viên cơ hữu phải tính toán, lựa chọn đội ngũ thỉnh giảng có một số giảng viên giỏi nước ngoài. Để tính đến “đầu vào” và “đầu ra” của SV đối với khối cơ quan tư pháp, cần bổ sung thêm chế độ “cử tuyển”, sinh viên phải cam kết ra trường đáp ứng yêu cầu…
* Trước ý kiến còn khác nhau của TA, VKS và Bộ Tư pháp về Việc phân công nhiệm vụ đào tạo nghề cho CB có CDTP và công tác đào tạo, tuyển dụng cán bộ pháp luật của ngành TAND, VKSND, đa số thành viên BCĐ CCTP TƯ đề nghị Học viện Tư pháp tiếp tục đào tạo nghề nghiệp chung cho 3 chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư và đào tạo nghề nghiệp cho các CDTP, bổ trợ tư pháp thuộc Bộ Tư pháp, bồi dưỡng định kỳ, thường xuyên, nâng cao trình độ cho CB của ngành tư pháp. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng các chức danh còn lại của ngành TA và KSND bồi dưỡng định kỳ, thường xuyên, nâng cao trình độ cho CB toàn ngành. BCĐ cũng đề nghị tiếp tục xây dựng 2 ĐH Luật Hà Nội và TP.HCM, không giao nhiệm vụ đào tạo cử nhân luật chuyên ngành cho TA, VKS; đổi Học viện Tư pháp thành Học viện Tư pháp Quốc gia (do Bộ Tư pháp quản lý) có nhiệm vụ đào tạo chung 3 chức danh, thành lập Hội đồng chỉ đạo Học viện Tư pháp Quốc gia để tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan trong việc đào tạo chung. Có cơ chế ưu tiên cho sinh viên theo học ngành Tư pháp, bố trí việc làm sau tốt nghiệp với cam kết phục vụ ngành… trên cơ sở đánh giá thực trạng đào tạo cũng như nhu cầu về CB pháp luật của các ngành tư pháp, cho yêu cầu CCTP và xây dựng NNPQ XHCN để có sự phân công hợp lý.
Việc phân công nhiệm vụ đào tạo nghề cho CB có CDTP và công tác đào tạo, tuyển dụng CB pháp luật của ngành TAND, VKSND sẽ được BCĐ CCTP TƯ trình Bộ Chính trị cho ý kiến trong quý IV.
H.Giang