Trước hết, cần tập trung làm tốt công tác kiểm tra VBQPPL cấp huyện, cấp xã, hương ước xây dựng làng văn hoá, các nội dung trong đề án xây dựng NTM và hệ thống VBQPPL do HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành, kịp thời phát hiện những sai phạm, kiến nghị cải sửa kịp thời. Cùng đó, duy trì thường xuyên việc tự kiểm tra, rà soát VBQPPL do tỉnh ban hành và các văn bản liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch xây dựng NTM, đảm bảo chủ trương về xây dựng hạ tâng kinh tế- xã hội NTM đáp ứng đúng với Bộ tiêu chí quốc gia và đảm bảo lợi ích, hiệu quả sử dụng lâu dài, bền vững. Trong công tác hành chính tư pháp, cơ quan chuyên môn các cấp cần tiếp tục phối hợp với ngành công an đẩy mạnh CCTTHC thể hiện bằng việc tăng cường kiểm tra kết hợp với đôn đốc, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở, đặc biệt là tư pháp cấp xã, cải tiến, nâng cao hiệu quả trong giải quyết các yêu cầu của công dân, đặc biệt là những nội dung liên qua đến băn khoăn, vướng mắc của công dân trong quá trình xây dựng NTM.
Công tác phổ biến giáo dục (PBGDPL) cũng cần được tiếp tục triển khai sâu rộng tới địa bàn nông thôn(trước mắt là các xã chọn điểm xây dựng NTM, các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 15%, cộng đồng dân cư các vùng xa trung tâm) với nhiều hình thức phù hợp, đem lại hiệu quả thiết thực. Theo đó, nội dung PBGDPL không chỉ tập trung đối với những văn bản mới liên quan trực tiếp đến người dân mà còn gắn với quá trình xây dựng và thực thi pháp luật của đời sống NTM theo hướng ngày càng công bằng, dân chủ, tiến bộ, văn minh. Mặt khác, nội dung TTPBGD pháp luật cần có sự lựa chọn và tập trung giới thiệu sâu rộng những định hướng lớn của Đảng, nhà nước về xây dựng NTM; những quy định pháp luật về quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch, một số văn bản luật mới được ban hành thay thế cho văn bản luật cũ có liên quan trực tiếp đến đời sống nông thôn, nông nghiệp, nông dân và công cuộc xây dựng NTM như: Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo, Luật Dân quân tự vệ, các quy định về thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án phát triển công nghiệp, nông nghiệp, chỉnh trang nông thôn, chỉnh trang đồng ruộng...
Để thiết thực hưởng ứng chủ trương “Chung sức góp phần xây dựng NTM”, công tác TTPBGDPL cần hướng tới một thực tế đang diễn ra hết sức sôi động tại cơ sở hiện nay đó là: phong trào vận động các hộ dân hiến đất làm đường, xây dựng công trình phúc lợi, dồn đổi ruộng đất kết hợp chỉnh trang diện mạo nông thôn, chỉnh trang đồng ruộng. Hiện nay, hầu khắp các huyện trong tỉnh ở đâu cũng có những điểm sáng xây dựng NTM, ở đâu cũng có những điểm sáng về phong trào hộ dân tự nguyện dịch giậu, phá dỡ cổng, tường bao, công trình phụ trợ, cây cối, hiến hàng trăm nghìn mét vuông đất ở để mở rộng đường thôn, xóm, xây dựng nhà văn hóa. Các hộ gia đình nông dân còn tự nguyện cùng nhau dồn đổi ruộng đất, giảm số thửa trên mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa, kết hợp dành đất để làm đường ra đồng, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng các công trình phúc lợi… Thực tế sôi động đó rất cần sự “vào cuộc” thực sự của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự tham gia tích cực của hội đồng PBGDPL và cơ quan tư pháp các cấp để kịp thời thông tin, tuyên truyền, vận động, phát hiện những điển hình tiên tiến, những cách làm hay, những kinh nghiệm thiết thực để vận dụng và nhân rộng.
Gần đây, Sở Tư pháp đã phối hợp tổ chức tọa đàm “Chương trình tuổi trẻ ngành tư pháp chung sức góp phần xây dựng NTM” và ký kết chương trình xây dựng NTM giữa Chi đoàn Sở Tư pháp với Đoàn thanh niên 28 xã điểm xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Hình thức này cần được tiếp tục phát huy theo hướng tổ chức nhiều hơn, gần hơn với địa bàn dân cư, trước hết là địa bàn các vùng được chọn điểm xây dựng NTM giai đoạn 2011- 2015. Cùng với việc thường xuyên đổi mới hình thức TTPBGDPL thông qua các hội nghị, các buổi toạ đàm chuyên đề, cần tăng cường cử cán bộ, chuyên viên của ngành về cơ sở tham gia hướng dẫn cán bộ và nhân dân thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp, hộ tịch, giải quyết kịp thời những vướng mắc, tồn tại có liên quan, góp phần tạo dựng tác phong chuyên nghiệp và môi trường chấp hành pháp luật tích cực ở địa bàn nông thôn. Mặt khác, công tác PBGDPL cũng cần phải được cơ quan tư pháp các cấp quan tâm đẩy mạnh theo hướng nâng cao chất lượng các hội nghị báo cáo viên pháp luật tại cơ sở, tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL ngày càng đông đảo, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội cũng như yêu cầu của chiến lược cải cách tư pháp.
Cùng hướng về cơ sở, công tác nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL cũng phải được thể hiện thông qua việc không ngừng cải tiến nội dung, hình thức “Bản tin Tư pháp Hà Nam”. Trong các số phát hành thường kỳ hoặc các số đặc biệt, số chuyên đề sắp tới cần dành một dung lượng thích hợp đề cập nội dung xây dựng NTM, trong đó chú trọng những nội dung liên quan đến đời sống pháp luật đã được cụ thể hoá trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Cùng đó, các phòng tư pháp huyện, thành phố cũng cần tiếp tục tăng cường phối hợp với một số ngành, đoàn thể: Công an, quân sự, giáo dục- đào tạo, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân và các ban tư pháp xã, phường thị trấn… lựa chọn những chuyên đề PBGDPL phù hợp với nhiều đối tượng, trong đó ưu tiên một cách hợp lý đối với những nhóm đối tượng ở địa bàn nông thôn.
Bên cạnh đó, để thực hiện thành công định hướng phong trào “Chung sức góp phần xây dựng NTM” của toàn ngành không thể không kể đến vai trò quan trọng của công tác TGPL. Thời gian qua, công tác TGPL cũng đã có nhiều cố gắng trong cải tiến phương thức hoạt động với nhiều đợt TGPL được thực hiện ở các đơn vị hành chính xa trung tâm. Chất lượng, hiệu quả TGPL cũng ngày càng được chú trọng, trong đó tập trung trợ giúp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của đối tượng chính sách, đối tượng người nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Thời gian tới, ngoài việc duy trì tư vấn vụ việc, TGPl lưu động tại các địa bàn cơ sở trọng điểm, cử luật sư cộng tác viên của trung tâm tham gia tố tụng, kiểm tra, thẩm định đánh giá vụ việc tư vấn pháp luật của cộng tác viên, Trung tâm cần thường xuyên cử chuyên viên, trợ giúp viên phối hợp với các tổ TGPL tư vấn, tuyên truyền theo chuyên đề đối với các CLB TGPL, giúp ban chủ nhiệm và các thành viên chủ chốt của CLB hoàn thành nhiệm vụ duy trì nền nếp, nâng cao chất lượng sinh hoạt, từng bước đáp ứng nhu cầu nâng cao nhận thức pháp luật của đông đảo nhân dân khi tham gia CLB. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát huy kết quả tích cực từ công tác phối hợp liên ngành với hội phụ nữ, hội nông dân giai đoạn 2011- 2015; tổ chức rút kinh nghiệm và tiếp tục nhân rộng mô hình CLB “Nông dân với pháp luật” nhằm nâng cao hiệu quả TTPBGDPL cho hội viên nông dân- lực lượng được coi là chủ thể trong xây dựng NTM. Theo đó, nội dung PBGDPL của các CLB “Nông dân với pháp luật” cần hướng vào một số văn bản pháp luật gắn liền với quyền lợi, nghĩa vụ của hội viên như: Bộ Luật Dân sự, Luật Thanh niên, Luật Đất đai, Luật Bình đẳng giới, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng chống bạo lực gia đình…
Như vây, có thể nói: để thiết thực hưởng ứng Kế hoạch của Bộ Tư pháp về việc phát động và tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Ngành tư pháp chung sức góp phần xây dựng NTM”, phương châm hướng về cơ sở cần được tiếp tục đẩy mạnh cả về diện rộng, chiều sâu, tạo được tác động tích cực, sâu sắc đến mọi mặt đời sống nông thôn, nông nghiệp, nông dân, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn sôi động đang diễn ra tại cơ sở.
Vũ Xuân Thuỷ