Tư pháp Đắk Lắk với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

27/08/2012
Nhận thức sâu sắc lời dạy của Bác Hồ “Tư pháp là cơ quan trọng yếu của chính quyền”, 1 năm sau giải phóng Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Ban Pháp chế để thực hiện một số nhiệm vụ tư pháp của tỉnh. Sáu năm sau đó, triển khai quy định về hệ thống cơ quan tư pháp theo Nghị định số 143/HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), UBND tỉnh đã quyết định nâng tầm Ban Pháp chế lên thành Sở Tư pháp - là cơ quan chuyên trách của UBND tỉnh thực hiện công tác tư pháp kể từ ngày 02/8/1982.

Như một số Sở Tư pháp khác ra đời sớm nhất trong cả nước, hành trang khởi đầu nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác tư pháp trong toàn tỉnh của Sở Tư pháp Đắk Lắk vô vàn khó khăn, thiếu thốn từ con người, hệ thống tổ chức đến cơ sở vật chất, phương tiện làm việc. Tuy vậy, những công việc tư pháp có tính chất mũi nhọn lúc bấy giờ như hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất trên địa bàn tỉnh, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân, quản lý tòa án về mặt tổ chức đều được Sở thực hiện kịp thời, đạt kết quả tốt, góp phần cùng cả tỉnh bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của công dân sau ngày đất nước thống nhất.

Từ đó đến nay, ngành Tư pháp Đắk Lắk đã phát triển mạnh mẽ ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã - từ 11 cán bộ trong buổi đầu thành lập, đến nay đội ngũ này của toàn ngành đã lên tới 445 người. Phạm vi hoạt động rất đa dạng, phong phú, không còn bó hẹp trong ban hành văn bản pháp luật mà đã được mở rộng và đảm đương tốt chức năng quản lý nhà nước đa ngành trên 20 lĩnh vực: kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; pháp chế; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; hương ước, quy ước; tủ sách pháp luật; trợ giúp pháp lý; hộ tịch; quốc tịch; công chứng; chứng thực; nuôi con nuôi; luật sư; tư vấn pháp luật; giám định tư pháp; trọng tài thương mại; bán đấu giá tài sản; đăng ký giao dịch bảo đảm; thi hành án dân sự... đều được chú trọng thực hiện bài bản, có hiệu quả, đảm bảo tính định hướng và bám sát yêu cầu thực tiễn ở địa phương.

Thời gian gần đây, ngành lại được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới, phức tạp, nặng nề như: theo dõi thi hành pháp luật, quản lý lý lịch tư pháp, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, xã hội hóa hoạt động công chứng, bán đấu giá tài sản... Nhưng với phương châm “đi trước, đón đầu”, Tư pháp Đắk Lắk đã quyết tâm tập trung cao độ trí và lực triển khai thực hiện đồng bộ, sâu rộng, xuất sắc các mục tiêu, khối lượng công tác tư pháp bộn bề để tham mưu đắc lực cho chính quyền nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành bằng pháp luật.

Từ các hoạt động vĩ mô giúp HĐND, UBND hoạch định chiến lược tư pháp của tỉnh, xây dựng và thực thi pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đến các hoạt động chuyên môn có tính tác nghiệp, cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp như đăng ký hộ tịch, công chứng, chứng thực..., công tác Tư pháp ngày càng gắn kết, thấm sâu hơn vào đời sống của người dân, đáp ứng nhu cầu bảo vệ quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân, đồng thời phục vụ trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Ngoài những nhiệm vụ chuyên môn có tính chất thường xuyên, Tư pháp còn thực hiện tư vấn pháp luật rất thấu tình, đạt lý, có chất lượng cao giúp UBND giải quyết các vụ việc phức tạp, cũng như khiếu nại, tố cáo của công dân, phục vụ công tác điều hành của lãnh đạo tỉnh và được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tin tưởng, đánh giá cao.

Trước yêu cầu đổi mới của đất nước, cũng như của địa phương, ngành Tư pháp Đắk Lắk đã không ngừng tự đổi mới mình, từ lề lối làm việc, phương thức quản lý điều hành, đến phương pháp xử lý công việc, tác phong làm việc của từng cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao. Luôn tranh thủ, nắm bắt sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với công tác tư pháp và kịp thời, nhạy bén trong đề xuất, tham mưu, sáng kiến về mặt chính sách pháp luật, cũng như giải pháp thực hiện đã làm đổi thay diện mạo các lĩnh vực công tác của Ngành và có những đóng góp rất tích cực, quan trọng, hiệu quả đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển của địa phương. Ngành Tư pháp ngày càng khẳng định vai trò, tăng cường vị thế trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh Đắk Lắk, trở thành cơ quan “gác cửa” pháp lý hiệu quả cho UBND.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đánh giá cao những thành tích và sự trưởng thành của Tư pháp Đắk Lắk. Cờ thi đua xuất sắc và hàng trăm Bằng khen của tỉnh, Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ, cùng với Huân chương Lao động hạng Nhì mà Ngành được Chủ tịch nước tặng thưởng năm 2007 và ngày 12/7/2012 ngành lại vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất đây chính là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân về công lao to lớn, xuất sắc của tập thể nhiều thế hệ cán bộ, công chức, viên chức của Ngành đã trung thành, tận tụy, sáng tạo, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Trên đà thắng lợi của 30 năm qua, tin tưởng rằng, với truyền thống vẻ vang, bản lĩnh đã được tôi luyện, cùng với trí tuệ và sự đoàn kết nhất trí, trong thời kỳ phát triển mới, ngành Tư pháp tiếp tục năng động, sáng tạo, vượt khó, tận tâm phục vụ nhân dân, nắm chắc thời cơ và vận hội, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao để đóng góp ngày càng nhiều hơn cho tỉnh Đắk Lắk trong tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; xứng đáng là 1 trong 10 tỉnh “mạnh” về Tư pháp của cả nước và niềm tin yêu của nhân dân tỉnh nhà đã dành cho Ngành.

Nguyễn Minh Thuận - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk