Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội: Tiếp tục bàn thảo về Luật Thủ đô

10/08/2012
Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội: Tiếp tục bàn thảo về Luật Thủ đô

Trong 2 ngày (9-10/8) tại TP.Nha Trang, Ủy ban Pháp Luật của Quốc Hội tổ chức Hội thảo về Dự thảo Pháp Luật về Thủ đô. Tham dự và cùng chỉ đạo Hội thảo có Phó Chủ tịch Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến, Thứ Trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Phát biểu Tổng quan về Dự thảo Luật Thủ đô, ông Đặng Đình Luyến cho biết Dự án Luật Thủ đô có 4 Chương với 33 Điều, do Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với UBND TP.Hà Nội và các cơ quan hữu quan của Chính phủ soạn thảo và hoàn thiện, dự kiến sẽ trình Quốc Hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10-2012”.  

Luật Thủ đô quy định về vị trí, vai trò quan trọng của Thủ đô; các chính sách, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; quy định các cơ chế đặc thù cho Thủ đô trên một số lĩnh vực như: Quy hoạch đô thị, phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, quản lý đất đai, phát triển nhà ở, quản lý giao thông, quản lý dân cư, an ninh trật tự, an toàn xã hội…

Bàn về quy định áp dụng mức xử phạt tiền cao hơn đối với một số hành vi vi phạm hành chính ở nội thành trong Dự thảo của Luật Thủ đô. ông Đặng Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm Lý lịch Tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp) cho rằng: “Cần xem xét lại Điều 22 Luật Thủ đô về việc cho phép HĐND TP.Hà Nội được quy định mức tiền phạt về hành vi vi phạm hành chinh cao hơn, nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính trên các lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng, giao thông… Việc HĐND Hà Nội được quyền đưa ra mức xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trên địa bàn Thủ đô là chưa phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành; Bởi trong thực tế hiện nay, tất cả các hình thức xử phạt hành vi vi phạm hành chính đều do Chính phủ quy định; các Bộ, Ngành trung ương ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành”.

Tham luận tại Hội thảo, ông Phan Hồng Sơn - Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội lại đồng tình với Dự thảo Luật Thủ đô. Đồng thời, ông Sơn đề nghị Quốc Hội sớm xem xét thông qua Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Đánh giá lại sau hơn 10 năm thi hành Pháp lệnh Thủ đô, ông Sơn cho biết: “Pháp lệnh Thủ đô đã bộc lộ nhiều bất cập, khả năng thực thi pháp luật chưa cao, tầm pháp lý của Pháp lệnh chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô” . Việc ban hành Luật Thủ đô nhằm làm cho Thủ đô Hà Nội có vai trò quan trọng trong quan hệ đối ngoại  với Thủ đô của các nước trong khu vực và trên thế giới, xứng đáng là “trái tim của cả nước”, đầu não về chính trị hành chính quốc gia, một trung tâm văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế… rất lớn của cả nước”.

Hội thảo cũng đặt ra nhiều vấn đề thực tiễn liên quan đến Luật Thủ đô trên nhiều lĩnh vực như: Chính sách đặc thù và cần thiết cho xây dựng, triển và quản lý Thủ đô; Địa vị pháp lý của Thủ đô; Cơ chế về quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng của Thủ đô; Cơ chế về quản lý dân cư; quản lý nhà ở, đất đai, tài chính, vốn và huy động vốn; Cơ chế về an ninh và trật tự an toàn xã hội, môi trường, giao thông, y tế…

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng: Dự thảo Luật Thủ đô không sai với Hiến pháp, nhưng còn nhiều bất cập so với hệ thống pháp luật hiện hành. Mặt khác, Dự thảo hiện diện trong điều kiện Hiến pháp năm 1992 chưa được sửa đổi, bổ sung, do đó, nên chăng chờ đến khi Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi xong mới trình Quốc Hội ban hành Luật Thủ đô. Về vấn đề này, quan điểm của ông Lê Thành Long, Thứ trưởng Bộ Tư Pháp cho rằng: Dự thảo Luật Thủ đô được thực hiện theo Hiến pháp hiện hành (1992), cũng như Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, trước khi trình Quốc Hội, Dự thảo này còn phải đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong toàn xã hội.

Hùng Lượng