Hội thảo về dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai

08/08/2012
Khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra đối với sản xuất và đời sống là nhiệm vụ nặng nề hàng năm của các cơ quan chức năng và địa phương. Hoàn thiện khung pháp lý để tăng cường hiệu quả công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai hiệu quả là ý kiến chung được đưa ra tại hội thảo về dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai do Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) phối hợp tổ chức sáng qua (7/8).

“Gió chiều nào che chiều đấy”?

Hiện nay Việt Nam khoảng 200 văn bản pháp lý điều chỉnh về phòng chống thiên tai (PCTT) nhưng chủ yếu mới quy định về PCTT liên quan đến nước. Chưa có một đạo luật chung điều chỉnh các loại thiên tai, chưa có quy định về việc xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện Kế hoạch PCTT nên theo ông Nguyễn Xuân Diệu (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT), trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các bộ, ngành và địa phương vẫn thiếu các quy định và chế tài cụ thể về lồng ghép nội dung PCTT, không chú trọng bố trí nguồn lực lượng tương xứng cho việc PCTT, chưa có quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, cũng như sự tham gia của cộng đồng, chưa quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương, còn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong PCTT và giảm nhẹ thiên tai chỉ mới được quy định ở các văn bản hướng dẫn hiệu lực pháp lý thấp… “Thực trạng khung pháp lý như trên đã khiến công tác PCTT và giảm nhẹ thiên tai rất bị động, theo kiểu “gió chiều nào, che chiều đấy”.

Dự thảo Luật Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai đang được xây dựng, nhưng theo đại diện Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, một số quy định trong dự thảo có thể gây khó khăn cho việc phân định rành mạch, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, cũng như quá trình tổ chức triển khai thực hiện công việc liên quan đến PCTT của các Bộ, dễ dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm khi có thiên tai hay hậu quả.

Từ thực tiễn công tác PCTT, đại diện Bộ Quốc phòng đề nghị phải bổ sung một số hành vi phải thực hiện như với các phương tiện tàu thuyền hoạt động trên sông, biển phải trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn, phương tiện liên lạc và chấp hành quy định của cơ quan chức năng; khi hoạt động trên biển nhận được thông tin về bão, áp thấp nhiệt đới hoặt thời tiết nguy hiểm qua các phương tiện thông tin, tín hiệu cảnh báo phải nhanh chóng di chuyểnn về bờ hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; tuân thủ sự điều hành của các lực lượng tìm kiếm cứu nạn… vào dự thảo để công tác PCTT không bị rơi vào thảm cảnh “ném đá ao bèo”, nỗ lực hết sức nhưng thiệt hại vẫn nghiêm trọng.

Nhà nước phải “gánh” trọng trách

Chuyên gia PCTT Nguyễn Văn Lễ cho rằng, về nguyên tắc cơ bản, Nhà nước không thể chỉ hỗ trợ mà phải đảm nhiệm trọng trách trong PCTT, nhất là các hoạt động dự báo, cảnh báo thiên tai, tổ chức di dời khẩn cấp hàng vạn người trong 1 vài giờ ra khỏi vùng có nguy cơ siêu bão hoặc sóng thần…, vì đây là những hoạt động mà cá nhân, và cộng đồng không làm được.

Xác định nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiên tai là nạn phá rừng và khai khoáng trái phép đang diễn ra phổ biến nhưng các cơ quan chức năng và chính quyền “gần như bất lực”, còn hậu quả “nhãn tiền” của các hành vi trên thì đã ảnh hưởng đến đời sống của không ít người dân, nhiều chuyên gia đề nghị bổ sung thêm quy định cấm chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển, khai thác tài nguyên, khoáng sản trong các sông suối không theo quy hoạch, không được cấp phép của các cơ quan có thẩm quyền…

Đồng thời, dự thảo cũng cần xem xét việc cấm “vận hành công trình hồ chứa, cống, trạm bơm không đúng quy trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt” vì sau khi luật có hiệu lực, việc quy định chế tài xử lý, xử phạt vi phạm rất phức tạp, thậm chí liên quan trách nhiệm của người phê duyệt công trình. Để công tác PCTT có “đầu mối”, các chuyên gia đề xuất phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan. Theo Văn phòng Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn và phòng chống lụt bão Lào Cai, Điều 21 dự thảo nên bổ sung trách nhiệm của Bộ TN-MT trong việc công cấp thông tin về diễn biến thời tiết khí hậu vì đây là cơ quan cung cấp thông tin quan trọng nhất về nguyên nhân dẫn đến thiên tai, biến đổi khí hậu. Đồng thời, nên tổ chức Ban chỉ đạo PCTT thay cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn hiện nay.

Bên cạnh đó, bổ sung, tăng cường năng lực để đáp ứng việc chỉ đạo, chỉ huy khi phạm vi điều chỉnh về thiên tai được mở rộng, tăng cường trách nhiệm của người dân trong công tác phối hợp để PCTT, đơn giản nhất là tuân thủ các hiệu lệnh, yêu cầu của cơ quan chức năng khi có thiên tai xảy ra… Nên thành lập một đội tìm kiếm cứu nạn chuyên nghiệp, được huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ và trang bị thiết bị, xe cộ cần thiết cho việc PCTT là kiến nghị của đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang nhằm đảm bảo lực lượng thường trực và chuyên nghiệp để PCTT và giảm nhẹ, ứng cứu, khắc phục kịp thời khi có thiên tai…

Huy Anh