Những năm gần đây, được sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thanh tra Bộ đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, có chất lượng. Công tác thanh tra theo kế hoạch được thực hiện đúng quy định của pháp luật; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện có hiệu quả. Các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài hầu hết đã được giải quyết dứt điểm. Các vụ khiếu nại, tố cáo mới phát sinh cũng được nghiên cứu, đề xuất, tiến hành xác minh kịp thời.
Với mục tiêu phát hiện, ngăn ngừa và xử lý kịp thời những biểu hiện tiêu cực có liên quan đến tệ tham nhũng, lãng phí, từ đó, hạn chế hiện tượng tham nhũng, lãng phí (nếu có) trong công tác cũng như trong các hoạt động của cán bộ, công chức ngành Tư pháp; Giúp Bộ trưởng nắm rõ tình hình và thực trạng của ngành Tư pháp trong một số lĩnh vực hiện nay còn nhiều vướng mắc và bức xúc, từ đó đưa ra những kiến nghị cần thiết góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của Bộ Tư pháp trong những lĩnh vực này.
Mới tập trung thanh tra được một số lĩnh vực "nổi cộm".
- Thi hành án(THA), Luật sư, công chứng, kết hôn có yếu tố nước ngoài… là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của dân nhưng qua dư luận và thực tế cũng cho thấy đây cũng là những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu. Việc thanh tra trong các lĩnh vực này được triển khai ra sao, thưa ông?
Trong 3 năm (2009-2011), Thanh tra Bộ đã tiến hành 10 cuộc thanh tra theo kế hoạch về nghiệp vụ THADS (trong đó có 03 địa phương với 05 đơn vị được thanh tra có số lượng án lớn là TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai); đã phát hiện thu hồi trả lại cho công dân gần 46 triệu đồng do cơ quan THA thu phí sai quy định. Các sai phạm của Chấp hành viên đều được kiến nghị tổ chức họp kiểm điểm xác định rõ trách nhiệm cá nhân để có hình thức xử lý kỷ luật.
Thanh tra Bộ cũng đã thành lập 12 đoàn thanh tra việc đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý sử dụng kinh phí hành chính sự nghiệp tại 7 Cục THADS và 7 Chi cục THADS.
Thanh tra Bộ Tư pháp đã tiến hành 19 cuộc thanh tra chuyên ngành về các lĩnh vực do Bộ Tư pháp quản lý trong các lĩnh vực Luật sư; công chứng; bán đấu giá tài sản, công tác hộ tịch trong nước và đặc biệt nhiều nhất là thanh tra về lĩnh vực kết hôn có yếu tố nước ngoài; Đây là những lĩnh vực bức xúc, nổi cộm, dễ phát sinh tiêu cực và được dư luận đặc biệt quan tâm. Qua thanh tra đã ban hành 27 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền phạt là 59 triệu đồng, kiến nghị với các Vụ, Cục chức năng của Bộ nghiên cứu, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ hoặc kiến nghị với Lãnh đạo Bộ trong việc xem xét, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật qua áp dụng thực tiễn còn chồng chéo, bất cập, chấn chỉnh công tác quản lý.
- Là những lĩnh vực được coi là “nóng”, nhạy cảm, dễ tiêu cực, trước đòi hỏi từ thực tiễn, việc thanh tra nói trên dường như chưa thấm vào đâu?
Ngành Tư pháp quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tuy nhiên, cũng phải thừa nhận Thanh tra Bộ cũng như Thanh tra các Sở Tư pháp trên toàn quốc mới tập trung thanh tra được một số lĩnh vực "nổi cộm". Còn lại nhiều lĩnh vực vẫn đang "bỏ trắng" ...
- Không chỉ công tác thanh tra chuyên ngành, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp theo Nghị định 60/CP cũng còn quá khiêm tốn và bề nổi. Vì sao vậy, thưa ông?
Công tác thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành mặc dù đã được tăng cường, chú trọng. Tuy nhiên, với số lượng biên chế có hạn, hoạt động quản lý của ngành lại bao gồm quá nhiều lĩnh vực nên qua công tác thanh tra đúng là mới chỉ phát hiện chủ yếu là những vi phạm có tính chất "bề nổi" và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính với một số hành vi vi phạm bị phát hiện. Ngay cả khi có rất nhiều trường hợp bị xử phạt, các vi phạm dạng này vẫn diễn ra phổ biến, thể hiện tính răn đe của các biện pháp xử lý chưa cao. Bên cạnh đó, nhiều hành vi vi phạm được coi là tiềm ẩn rất lớn nguy cơ dẫn đến tiêu cực gần như không được phát hiện, xử lý. Điều này không chỉ cho thấy những bất ổn trong các quy định về xử lý vi phạm mà còn cho thấy cơ chế thực thi giám sát chưa có hiệu quả cao.
Lực lượng Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở đều mỏng
- Như ông vừa nói, số lượng biên chế trong ngành còn có hạn, đây có phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc thanh tra và xử phạt đều còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn?
Được sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ, Vụ tổ chức cán bộ, những năm gần đây Thanh tra Bộ Tư pháp đã được kiện toàn một bước đáng kể, cả về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ. Chế độ, chính sách cán bộ được quan tâm và đảm bảo hơn, từ đó công chức Thanh tra Bộ an tâm công tác. Cụ thể, ở Thanh tra Bộ Tư pháp, đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay tương đối đáp ứng yêu cầu công tác được giao, đa số được đào tạo một cách cơ bản, nhiệt tình và có trách nhiệm trong công tác, yêu ngành, yêu nghề.
Không chỉ Thanh tra Bộ Tư pháp mà Thanh tra các Sở Tư pháp đã và đang được kiện toàn, giúp cho lực lượng thanh tra toàn ngành mạnh lên.
Mặc dù đã được kiện toàn như vậy song so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra lực lượng thanh tra ở Thanh tra Bộ và đặc biệt thanh tra các Sở Tư pháp đều còn quá mỏng. Thậm chí, Thanh tra một số Sở hầu như chỉ thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư giải quyết khiếu nại, tố cáo mà không triển khai thực hiện được các cuộc thanh tra chuyên ngành. Một số Sở khác, Thanh tra Sở thường phải phối hợp với các phòng, ban chuyên môn khác thuộc Sở để tiến hành các cuộc kiểm tra mà chưa thực hiện được chức năng thanh tra của mình.
- Như vậy, giải quyết vấn đề then chốt là ở khâu tổ chức cán bộ?
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, Thanh tra Bộ đang xây dựng đề án "Kiện toàn tổ chức và hoạt động của Thanh tra Bộ", trong đó đề nghị tăng thêm biên chế, tiếp tục quan tâm công tác quy hoạch cán bộ, tuyển dụng mới những người có trình độ…
Tương tự, thanh tra các Sở Tư pháp cũng cần được lãnh đạo các cấp quan tâm bổ sung biên chế, trong đó mỗi tổ chức thanh tra Sở phải có tối thiểu 3 biên chế theo quy định.
Sẽ mạnh tay hơn trong công tác xử phạt vi phạm hành chính
-Tiếp tục chấn chỉnh các vi phạm trong hoạt động tư pháp, tới đây, Thanh tra Bộ sẽ “ưu tiên” những nhiệm vụ nào, thưa ông?
Thời gian tới, Thanh tra Bộ Tư pháp tiếp tục tăng cường thanh tra vào những lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực như: THADS, công chứng, bán đấu giá tài sản, xây dựng cơ bản; Thanh tra Bộ sẽ mạnh tay hơn trong công tác xử phạt vi phạm hành chính, đặc biệt là những hành vi vi phạm của công chứng viên, các trường hợp thực hiện công chứng trong trường hợp mục đích và nội dung của hợp đồng, giao dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội sẽ bị tước Thẻ công chứng viên không thời hạn theo quy định của Điều 20 Nghị định 60/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp; Công tác bán đấu giá tài sản theo Nghị định số 17/CP năm tới cũng sẽ tập trung hơn, quyết liệt hơn, có thể thanh tra theo chuyên đề; Siết chặt kỷ cương công vụ, tăng cường hơn nữa về thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt là trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo trong THADS, nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở, hạn chế tối đa khiếu nại vượt cấp, kéo dài.
- Xin cảm ơn ông!
PV Thu Hằng (thực hiện)
Từ năm 2009 đến nay, Thanh tra Bộ đã tham mưu phục vụ cho việc giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp 36 vụ khiếu nại, tố cáo (đã thành lập 20 Đoàn thanh tra xác minh). Trong đó có những vụ việc phức tạp, đương sự khiếu nại kéo dài. Qua công tác thanh tra xác minh đã phát hiện và kiến nghị thu hồi gần 16 tỷ đồng chi trả tiền THA không đúng thứ tự ưu tiên để trả cho những người được THA theo đúng quy định của pháp luật.
Nhờ sự quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Bộ Tư pháp và nỗ lực của cán bộ, công chức Thanh tra Bộ, từ 155 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài trên toàn quốc (quý II/2009) đến nay chỉ còn 54 vụ việc (Quý I/2012).
Công tác thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng mặc dù mới được tổ chức thực hiện từ năm 2010, nhưng cũng được Thanh tra Bộ Tư pháp rất coi trọng |