Trong thời gian từ ngày 25-28/6/2012, đại diện Bộ Tư pháp[1] đã tham dự Hội thảo quốc tế lần thứ tư của IAACA được tổ chức tại Thành phố Đại Liên, Trung Quốc với chủ đề “Thu hồi tài sản” theo khuôn khổ Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng. Tham dự Hội thảo lần này có các quan chức, cán bộ nhà nước, các học giả làm việc trong lĩnh vực liên quan đến phòng chống tham nhũng, thu hồi tài sản do phạm tội mà có từ 80 quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc các châu lục trên thế giới và các cơ quan có liên quan của Trung Quốc, đại diện của Cơ quan của Liên hợp quốc về tội phạm và ma túy (UNODC).
Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng đã chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 18/9/2009. Theo phân công của Chính phủ và theo chức năng nhiệm vụ, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm về một số nội dung thực thi các cam kết của Việt Nam theo khuôn khổ Công ước trong đó phải kể đến nội dung về rà soát hệ thống pháp luật trong nước, phổ biến tuyên truyền về Công ước, hoàn thiện các quy định pháp luật trong nước nhằm thực thi Công ước… Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối quốc gia về thu hồi tài sản tham nhũng theo khuôn khổ Công ước chống tham nhũng. Đây là một nhiệm vụ mới, phức tạp đối với các cơ quan Việt Nam nói chung và đối với Bộ Tư pháp nói riêng nên việc tham dự Hội thảo quốc tế với chủ đề tập trung về thu hồi tài sản lần này là một cơ hội quý báu cho các đại biểu Việt Nam được gặp gỡ, trao đổi với các đồng nghiệp và các chuyên gia, học giả, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn của các nước trong hoạt động thu hồi tài sản do phạm tội mà có nói chung và thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng. Những nội dung này có liên quan trực tiếp với việc thực thi các quy định về thu hồi tài sản theo khuôn khổ của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Tại Hội thảo, diễn giả từ các cơ quan có liên quan trực tiếp đến hoạt động thu hồi tài sản do phạm tội mà có đã trình bày về các quy định pháp lý, thiết chế, cách thức tổ chức thực hiện trong nước cũng như hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản; thảo luận về những phương hướng, cách thức nhằm tăng cường hợp tác để nâng cao hiệu quả của hoạt động này trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Hội thảo về Thu hồi tài sản lần này là hội thảo quốc tế lần thứ 4 do IAACA tổ chức nhưng là lần đầu tiên Bộ Tư pháp có đại diện tham dự.
IAACA là tổ chức quốc tế được thành lập ngày 22/10/2006 tại Bắc Kinh Trung quốc. Đây là một tổ chức quốc tế về chống tham nhũng độc lập với mục tiêu thúc đẩy việc thực thi có hiệu quả Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và hỗ trợ các cơ quan phòng chống tham nhũng trên toàn thế giới trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Hiện nay IAACA có trên 300 thành viên là tổ chức gồm các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến phòng chống tham nhũng và hơn 2000 thành viên là cá nhân gồm các kiểm sát viên, điều tra viên, chuyên gia, các nhà khoa học trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng từ các quốc gia khác nhau thuộc đủ châu lục trên thế giới. Với cơ chế tham gia mở và đơn giản, mục tiêu hoạt động rõ ràng hỗ trợ trực tiếp cho việc thực thi có hiệu quả Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, IAACA ngày càng thu hút được sự quan tâm và tham gia của nhiều đối tượng từ nhiều thành phần khác nhau từ các nước trên thế giới.
Với những chức năng, nhiệm vụ cụ thể và rõ ràng trong hoạt động thực thi Công ước Liên Hợp quốc của Việt Nam, IAACA là một kênh hợp tác quốc tế hữu hiệu và thiết thực mà Bộ Tư pháp cần lưu ý khai thác.
Phạm Hồ Hương - Phòng Tương trợ tư pháp,Vụ Hợp tác quốc tế
Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2010 phê duyệt kế hoạch thực hiện Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng.
Công văn số 4802/VPCP-KNTN ngày 14/7/2011 của Văn phòng Chính phủ về việc chỉ định đầu mối quốc gia thu hồi tài sản tham nhũng trong khuôn khổ thực thi Công ước LHQ về chống tham nhũng.