Ngày truyền thống ngành Tư pháp: Nghĩ về công tác cán bộ

27/08/2012

Vậy là đã 67 năm kể từ ngày Chính phủ lâm thời Việt Nam ra đời trong không khí sục sôi của cuộc cách mạng của một dân tộc đang chìm trong ách nô lệ thực dân đứng lên đòi lại những quyền cơ bản của một con người, như quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Ngay sau cuộc khởi nghĩa thành công, ngày 28/8/1945, tại Hà Nội, Uỷ ban dân tộc giải phóng đã được cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam. Những bộ được thành lập trong ngày đầu của Nhà nước cách mạng nhân dân bao gồm Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin Tuyên truyền, Bộ Quốc phòng, Bộ Thanh niên, Bộ Kinh tế quốc gia, Bộ Cứu tế xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ giao thông công chính, Bộ Lao động, Bộ Tài chính, Bộ Quốc gia giáo dục với tên tuổi của các nhân sỹ trí thức như Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Tố, Vũ Trọng Khánh, Phạm Ngọc Thạch, Phạm Văn Đồng, Vũ Đình Hoè.  

Từ khi thành lập cho đến nay, ngành Tư pháp đã trải qua bao nhiêu thăng trầm theo dòng chảy của lịch sử dân tộc. Nhưng vượt lên hết thảy mọi khó khăn, thử thách, ngành Tư pháp đã và đang hoàn thành sứ mệnh của mình, xây dựng một xã hội luôn chất chứa, khát khao công lý, đầy ắp tinh thần thượng tôn pháp luật, và đưa pháp luật thành “phương tiện hùng mạnh” để người dân thực hiện quyền làm chủ, là công cụ đấu tranh chống tiêu cực và bảo vệ nền dân chủ XHCN. Truyền thống đó đã được các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp bồi đắp, hun đúc, truyền tải từ thế hệ nay đến thế hệ khác. Mỗi cán bộ tư pháp đều luôn tự hào về truyền thống cách mạng của ngành và luôn cố gắng học tập, rèn luyện, công tác tốt để tiếp tục phát huy truyền thống đó.     

Tháng 12 năm 1999, sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi được tuyển dụng về Bộ Tư pháp sau một kỳ thi tuyển nghiêm túc nhưng ròng rã và mệt mỏi đến kiệt sức. Được nhận về công tác tại Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo (nay là Vụ Tổ chức cán bộ), đối với tôi, đó như một duyên số, một định mệnh. Quả thật, học luật, nhưng về làm công tác cán bộ mang lại cho tôi bao điều mới mẻ, bao thách thức và khó khăn. Cán bộ luôn được xác định là yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại của mỗi công cuộc và sự nghiệp. Công tác xây dựng, phát triển đội ngũ công chức luôn là nhiệm vụ trọng tâm của mỗi cơ quan, đơn vị. Công tác cán bộ là công tác về con người, về mối quan hệ thương yêu và đầy tính nhân văn giữa con người với con người. Công tác cán bộ là công tác trải dài kể từ khi tuyển dụng, tiếp nhận cho đến tận những việc hiếu khi người đó “đi xa”. Công tác cán bộ đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức làm công tác cán bộ phải nắm vững pháp luật, nguyên tắc, phương châm, quan điểm, hiểu rõ đội ngũ công chức của cơ quan, đơn vị, đồng thời phải có tư duy nhạy bén và một trái tim rộng mở, có sự bao dung, độ lượng, có đức nhân ái, vị tha và lòng trắc ẩn. Công tác cán bộ không có chỗ cho sự vô cảm, thói tắc trách trong quá trình xử lý công việc.

Cái đức của người làm công tác cán bộ quả thật phải đủ rộng lớn để vượt qua mọi thói đời kèn cựa xưa nay. Bác Hồ đã nói: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, là vấn đề ở đời và làm người”. Ở đời và làm người không phải điều gì đó xa lạ, mà phải cần có một tình thương. Công tác cán bộ càng cần phải có một tình thương và sự bao dung, độ lượng. Trong Ngày Truyền thống Ngành Tư pháp, mỗi thế hệ cán bộ, công chức tư pháp lại nghĩ về Ngành, nghĩ về những đóng góp cho ngành từ những công việc nhỏ nhất, những công việc giản đơn, thầm lặng nhất. Truyền thống, không chỉ là những gì từ hôm qua, truyền thống còn chính là những điều mà ngày hôm nay mỗi cán bộ, công chức đang đóng góp cho tương lai.

Ths. Nguyễn Xuân Tùng - Trưởng phòng Công tác cán bộ Vụ TCCB