Luật Phòng chống rửa tiền: Không để có Luật vẫn không xử lý được hành vi rửa tiền

23/05/2012
Chiều qua - 22/5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền (PCRT), đặc biệt là mối quan hệ giữa PCRT và tội phạm khủng bố...

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) kiến nghị phải làm rõ vai trò của Ngân hàng trong hoạt động chống rửa tiền và của Công an trong chống khủng bố, tội phạm. Đồng thời có cơ chế quy định về hoạt động phối hợp của 2 ngành cụ thể hơn chứ chỉ quy định như dự thảo thì khi ban hành Luật khó thực hiện.

Không tán thành quy định Chính phủ hướng dẫn thi hành “các vấn đề khác” trong dự thảo Luật mà ông cho là “mẫu chung của các dự thảo”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, chỉ để Chính phủ hướng dẫn những quy định trong Luật là đủ, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của dân do yêu cầu quản lý Nhà nước khi người dân chưa có quyền khởi kiện đối với các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật như hiện nay.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) tỏ ra “tiếc” khi không thể “nhận dạng được hành vi “rửa tiền” trong dự thảo Luật, bên cạnh những quy định về khủng bố khiến “người dân thắc mắc sao luật nào cũng có khủng bố”. Bên cạnh đó, rửa tiền được thực hiện qua nhiều “kênh” như đầu tư vào nhà hàng, khách sạn, chứng khoán..., nhưng dự luật mới chỉ “quét” được các giao dịch qua ngân hàng. Như vậy là “bỏ lọt” tội phạm, cũng như việc đã có Cục PCRT ở Ngân hàng Nhà nước “nhưng có phát hiện ra vụ rửa tiền nào đâu?”. Từ đó, đại biểu Đương cũng nhấn mạnh đến vai trò “không ai khác làm được” của Bộ Công an trong đấu tranh PCRT...

H.Giang