Ghi chép từ Trường Sa

18/05/2012
Ghi chép từ Trường Sa
Quần đảo Trường Sa gồm trên 100 hòn đảo nhỏ và bãi san hô với diện tích vùng biển rộng khoảng 160.000 km2 - 180.000 km2. Khí hậu thời tiết rất khắc nghiệt, nước ngọt hiếm, một năm có tới 131 ngày bão, gió từ cấp 6 trở lên; mỗi tháng có từ 13 - 20 ngày gió mạnh.

Việt Nam đang thực hiện chủ quyền và đóng giữ 21 đảo gồm 9 đảo nổi và 12 đảo đá chìm với 33 điểm đóng quân - những lá chắn quan trọng phía trước vùng biển và dải bờ biến Nam Trung Bộ và Nam Bộ, bảo vệ sườn phía Đông của Tổ quốc.

Với tình cảm và trách nhiệm "Cả nước vì Trường Sa", từ ngày 19/4/2012 đến ngày 29/4/2012, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương phối hợp Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức Đoàn Công tác do đồng chí Nguyễn Hải Đường, Phó Bí thư Đảng ủy Khối làm Trưởng đoàn đi thăm, động viên, tặng quà và kiểm tra tình hình sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các đảo: Trường Sa, Đá Lát, Đá Tây, Trường Sa Đông, Phan Vinh, Tốc Tan, Núi Le, Thuyền Chài, An Bang và Nhà giàn Tư Chính.

Được tham gia Đoàn Công tác thực sự là niềm vinh dự, tự hào và có thể nói là may mắn của mỗi thành viên trong Đoàn. Biết bao cảm xúc, bao ghi nhận về cuộc sống, ý chí, bản lĩnh, sự hy sinh thầm lặng của mỗi cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đang ngày đêm làm nhiệm vụ phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

1. Từ Cảng Cát Lái (Tp Hồ Chí Minh) đến Đảo Trường Sa

Hai ngày, hai đêm lênh đênh trên biển, chỉ có nắng, gió, mây trời và biển xanh thăm thẳm, con tàu HQ 996 thuộc Hải đội 411, Vùng 4 Hải quân đã đưa chúng tôi đến với điểm đầu tiên của cuộc hành trình - Đảo Trường Sa.

Những thành viên trong Đoàn Công tác số 07 lần này phần lớn đều lần đầu tiên được đến với biển đảo Trường Sa. Biết bao háo hức, bao hồi hộp, bao điều mong chờ phía trước. Bởi thế mà Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó bí thư thường trực Đài Tiếng nói Việt Nam, một thành viên đặc biệt của Đoàn Công tác lại càng trở nên đặc biệt hơn. Ngay từ hôm họp Đoàn tại Hà Nội, Nhà thơ đã được Trưởng đoàn đề nghị chia sẻ kinh nghiệm về Trường Sa với các thành viên của Đoàn. Rồi những ngày trên tàu ra đảo, vẫn với dáng vẻ cũ kỹ, thô ráp mà rất hóm hỉnh, rất có duyên, Trần Đăng Khoa cứ nhẩn nha kể về những ngày còn là lính đảo Trường Sa, những ký ức về đồng đội của anh ở "Đảo chìm", những con người rất thật đã sống giữa muôn trùng gian nan, hiểm họa mà chẳng hề so đo, tính toán, sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng hy sinh vì từng tấc đất "hương hỏa của ông cha", cứ nhẹ nhàng, bình thản như một Lẽ sống ở đời.

Đêm trước ngày đến đảo, chắc hẳn là nhiều người thao thức. Từ rất sớm, Đoàn Công tác đã tập trung trên boong tàu đợi cử hành Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, những người đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trên vùng biển Trường Sa ngày 14/3/1988. Giữa mênh mông trời, biển, mùi khói nhang tỏa bay, những bông cúc vàng rưng rưng trong nắng sớm, vòng hoa tưởng niệm được thả xuống biển xanh, nơi các Anh hùng liệt sỹ đang an nghỉ vĩnh hằng. Chao ôi, có nơi đâu như Đất Mẹ Việt Nam, nơi không chỉ có hàng ngàn Nghĩa trang liệt sỹ trên đất liền, mà còn cả Nghĩa trang liệt sỹ trên biển. Có thể vì thế mà biển còn mặn đến bây giờ.

2. Đảo Trường Sa (Thị trấn Trường Sa)

Đảo Trường Sa là trung tâm hành chính của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Huyện đảo có 02 xã (xã đảo Song Tử, xã đảo Sinh Tồn) và 01 Thị trấn Trường Sa. Lính đảo gọi Trường Sa là "Thủ đô Trường Sa". Diện tích toàn đảo khoảng 0,15 km2 (chiều dài khoảng 600m, chiều rộng khoảng 300m).

Từ biển khơi nhìn vào, Đảo Trường Sa hiện ra như một tấm thảm xanh giữa đại dương, thấp thoáng những mái ngói đỏ tươi soi bóng trên nền trời. Thật ngỡ ngàng khi bước chân xuống đảo. Đâu còn là "một vũng cát lờ phờ, to chừng một cái nong phơi thóc, vừa đủ chỗ để dựng một cái lều bạt dã chiến" như Trần Đăng Khoa viết trong "Đảo chìm". Đảo Trường Sa giờ đã thành "đô thị". Nhiều công trình được xây dựng trên đảo: Tượng đài liệt sỹ, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà Khách Thủ đô, Chùa Trường Sa lớn. Hệ thống điện sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời bảo đảm cung cấp 100% nhu cầu điện của đảo. Trạm thu phát sóng vệ tinh Vinasat của Đài Truyền hình Việt Nam hàng ngày cung cấp thông tin trong nước và thế giới, mạng điện thoại di dộng Viettel đã đưa đảo gần hơn với đất liền.

Với các chiến sỹ và người dân trên đảo thì lần nào đón đoàn công tác từ đất liền ra cũng thực sự là ngày hội. Những người lính đảo xếp hàng ngang thẳng tắp, những người dân trong những bộ quần áo đẹp nhất và đặc biệt là những công dân tí hon của đảo hân hoan đón chúng tôi như đón những người thân đi xa trở về. Lễ chào cờ Tổ quốc được cử hành, tiếng hát Quốc ca vang lên hùng tráng giữa bao la gió biển, mây trời. Nỗi xúc động, tự hào trào dâng trong lòng chúng tôi khi được ngắm cờ Tổ quốc tung bay trên mảnh đất cực đông, "tiền đồn" của Tổ quốc.

Cũng giống như các đảo nổi khác, đảo Trường Sa bao phủ một màu xanh ngăn ngắt của cây phong ba, cây bàng quả vuông, những loại cây đặc trưng của đảo, làm cái nắng như thiêu, như đốt trên đảo cũng dịu mát hơn. Trường Sa hôm nay còn có cả những hàng cau, khóm chuối, bóng dừa êm ả, bình yên như một làng quê trên đất liền. Đảo cũng mềm mại hơn, dịu dàng hơn với những sắc hoa mướp vàng, hoa muống trắng, hoa chuối đỏ tươi và những vườn rau xanh mướt. Từ những khoảng trống hiếm hoi trên đảo, với từng nắm đất màu từ đất liền gửi ra, lính đảo Trường Sa đã chắt chiu từng giọt nước ngọt vun trồng những vườn rau đủ loại. Lính đảo Trường Sa đã tự túc được rau xanh và phần lớn thực phẩm tươi từ chăn nuôi gà, lợn trên đảo.

Một ngày với đảo Trường Sa qua đi thật là nhanh. Đoàn Công tác đã đến thăm Ủy ban nhân dân thị trấn Trường Sa, các đơn vị đang làm nhiệm vụ trên đảo và 07 hộ gia đình. Những giây phút gặp mặt đất liền - đảo xa thật ấm áp nghĩa tình, biết bao điều muốn tâm tình, sẻ chia mà chưa nói được thành lời. Những người lính thường rất ít khi thổ lộ về những gian khổ của chính mình, nhưng qua những câu chuyện kể lại, chúng tôi được biết hoàn cảnh gia đình ở đất liền của nhiều cán bộ, chiến sỹ trên đảo còn nhiều khó khăn. Có những chiến sỹ vợ chưa có việc làm, còn đi thuê nhà ở, con nhỏ, bố, mẹ già mắc bệnh hiểm nghèo; khi người thân qua đời cũng không thể về tiễn biệt. Có lẽ vì thế mà chỉ ở Trường Sa mới có những bàn thờ vọng về đất liền để đồng đội thắp nén tâm nhang viếng hương hồn những người thân qua đời ở quê nhà. Có lẽ cũng vì thế mà cán bộ, chiến sỹ trên đảo sống yêu thương, đùm bọc với nhau như những người thân thiết trong cùng một gia đình. Gian khổ là thế, thiếu thốn tình cảm là thế, nhưng những ánh mắt vẫn ngời lên nghị lực, những tấm lòng vẫn sắt son niềm tin, những cánh tay vẫn vững vàng cây súng, hiên ngang ngày đêm giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đêm giao lưu văn nghệ trên đảo Trường Sa mới thật là ấn tượng. Không còn ranh giới giữa ca sỹ và khán giả, tất cả đều hết mình thả hồn vào những bài ca về Trường Sa, về quê hương, đất nước.

Đại đức Thích Ngộ Thành, nhà sư tình nguyện ra đảo trụ trì Chùa Trường Sa lớn cũng trở thành ca sỹ, góp tiếng hát phật pháp "hộ quốc, an dân" làm cho đêm giao lưu văn nghệ thêm nhiều sắc màu Trường Sa.

Giờ phút chia tay với đảo Trường Sa thật xúc động, lưu luyến. Tàu nhổ neo, rời đảo đã xa mà những bài hát tiễn đưa vẫn còn vang vọng, những cánh tay vẫn còn vẫy mãi. Người ra đi lòng bâng khuâng không biết đến bao giờ được trở lại với Trường Sa, người ở lại bồi hồi, mong mỏi những chuyến tàu tiếp theo từ đất liền ra đảo.   

    

3. Đảo đá chìm

Ra Trường Sa mà chưa đến đảo chìm thì có thể nói là chưa biết, chưa cảm nhận hết những gian lao, vất vả của lính đảo Trường Sa. Gọi là đảo đá chìm vì đảo chỉ là những nền đá san hô chìm trong nước biển, chỉ đôi chỗ nổi lên những cồn cát san hô, rặng đá san hô hoặc đá mồ côi khi thủy triều xuống. Giữa mênh mông màu xanh thẫm của đại dương, có một vùng nước xanh lơ hiện ra - đó chính là ranh giới của đảo chìm. Không nước ngọt, không bóng cây xanh, nước sinh hoạt trên đảo hoàn toàn là nước mưa. Để có những điểm đóng quân trên đảo, những con tàu của lực lượng công binh hải quân ngày đêm vượt sóng gió chở từng viên đá, sắt thép, xi măng và cả nước ngọt ra đảo xa xây nhà trên những cồn cát nổi. Những công trình kiên cố đã mọc lên trên các đảo chìm, lặng lẽ mà kiêu hùng giữa bao la trời biển.

Đoàn Công tác chúng tôi đến vào lúc Đảo Đá Tây đang gấp rút hoàn thành công trình "Góp đá xây đảo Trường Sa" do Báo Tuổi trẻ phát động. Vào mùa mưa tới, lính đảo Đá Tây sẽ được sống trong ngôi nhà 4 tầng rộng rãi hơn, kiên cố hơn. Đảo Đá Tây có khu dịch vụ hậu cần nghề cá do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, là nơi cung cấp nước ngọt, dầu máy, sửa chữa tàu thuyền, hỗ trợ ngư dân ta bám biểm dài ngày, góp phần tăng hiệu quả nghề cá. Dự kiến nơi đây sẽ được phát triển thành khu nuôi trồng và xuất khẩu hải sản. Hải sản được đánh bắt và nuôi trồng ở đây sẽ được xuất khẩu trực tiếp mà không phải qua đất liền. Các điểm đảo đang trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân ta đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Đảo Thuyền Chài là nơi chàng lính hải quân "không biết bơi" Trần Đăng Khoa đã sống và viết tác phẩm văn xuôi "Đảo chìm". Có lẽ Nhà thơ là người ngỡ ngàng nhất khi nhìn thấy chính nơi ngày xưa là cái "lều hoang sơ, ngơ ngẩn như lều vịt, mái trũng xuống vì phân chim" giờ đã sững sững mọc lên 2 tòa nhà kiên cố, nối với nhau bằng chiếc cầu cong cong. Suốt buổi thăm đảo Thuyền Chài, Trần đăng Khoa cứ thơ thẩn vào ra, mắt nhìn xa xăm nơi biển xanh vời vợi. Chắc anh đang rất xúc động nhớ về đồng đội, những anh "Hai ùm" anh Thiêm đã vĩnh viễn nằm xuống nơi biển cả mênh mông.

Khí hậu thời tiết ở Trường Sa rất khắc nghiệt, một năm có 2 mùa: Mùa khô và Mùa mưa. Biển chỉ bình yên vào tháng 4 tháng 5. Hành trình của Đoàn Công tác vào tháng ít sóng, gió nhất, vì thế, biển cứ lặng yên như một "cái ao nhà". Nhưng vào mùa biển động, biển gào thét, gầm gào ngày đêm. Những đợt sóng lớn liên tiếp ập vào bờ đảo, nước biển trùm kín khắp đảo nổi, đảo chìm. Bầu trời lúc nào cũng như chực đổ sụp xuống. Những ngày giông bão đó, tàu từ đất liền không ra đảo được, thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh, lính đảo phải chia nhau từng ca nước ngọt, từng cọng rau tự trồng. Mà cái việc trồng rau xanh trên đảo chìm mới thật là gian nan. Các đảo nổi còn có những khoảng đất, có đảo còn có cả nước lợ để tưới rau, ở các đảo chìm bốn bề là biển khơi, chỉ có nắng chói chang, gió lồng lộng suốt đêm ngày. Thế mà lính đảo chìm vẫn chắt chiu từng nắm đất, từng giọt nước ngọt để trồng những "vườn rau" nhỏ xíu với rau muống, rau mùng tơi, rau cải xanh mơn mởn. Những ngày biển động hoặc áp thấp nhiệt đới, biển tung bọt mặn tận nóc nhà, lính đảo chìm phải mình trần đánh vật với sóng to, gió lớn để bảo vệ vườn rau, có những lúc phải nhường cả giường ngủ cho rau, phải mang cả thân mình che chắn cho rau. Không chỉ tăng gia trồng rau, lính đảo chìm còn chăn nuôi được cả gà, vịt trên đảo. Một cọng rau xanh trên đảo chìm cũng thấm đẫm mồ hôi, công sức của những người lính đảo.

Cuộc sống vật chất và tinh thần của những người lính đảo hôm nay đã được cải thiện hơn rất nhiều. Cũng như các đảo nổi, các đảo chìm đã được trang bị hệ thống điện sử dụng năng lượng gió, pin mặt trời, mạng điện thoại Viettel, trạm thu phát sóng truyền hình vệ tinh. Những tủ sách với hàng 1000 đầu sách, hàng trăm tờ báo làm cho đời sống tinh thần của lính đảo càng thêm phong phú. Mỗi đảo còn có một Tủ sách pháp luật. Những chuyến tàu từ đất liền hàng năm thường xuyên ra thăm đảo, trong đó có chuyến dành riêng cho gia đình, người thân của những cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ trên đảo.

"Mang ra tình cảm, mang về niềm tin"

Chuyến hành trình 10 ngày trên vùng biển, đảo Trường Sa của Đoàn Công tác đã thành công tốt đẹp. Chia tay với Trường Sa, chúng tôi trở về đất liền với bộn bề lo toan của cuộc sống và công việc hàng ngày. Nhưng trong mỗi chúng tôi giờ đã thêm một NỖI NHỚ. Nhớ nụ cười tươi roi rói trên khuôn mặt sạm đen, những ánh mắt chan chứa nghĩa tình, những hy sinh thầm lặng của những người lính đảo đang ngày đêm vững vàng như cây phong ba trước bão tố. Những lời gửi gắm đất liền của những người lính đảo vẫn mãi vang vọng trong tâm trí chúng tôi: "Xin đất liền luôn vững tin ở chúng tôi. Dù phải vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, chúng tôi vẫn chắc tay súng, ngày đêm giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc"./.

Hồng Sơn

Cuộc sống, con người và các công trình trên đảo

           

       
       

Làng quê yên bình trong nắng gió Trường Sa