Nâng cao chất lượng hoạt động Quốc hội (QH) là một trong những mục tiêu mà QH khóa XIII hướng đến. Thẩm tra Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH” tại phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Pháp luật của QH (ngày 19/5), đa số các ý kiến cho rằng, “nên đổi mới nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật”.
Tăng tính thực chất cho hiệu quả cao
Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Đề án đề cập tới các nội dung quan trọng của hoạt động QH như lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng, tổ chức kỳ họp QH, phiên họp Ủy ban thường vụ QH; tiếp xúc cử tri, đề cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH, đồng thời tăng cường hoạt động chất vấn tại phiên họp Ủy ban thường vụ QH, hoạt động giải trình của Bộ, ngành hữu quan trước Hội đồng và các Ủy ban giữa hai kỳ họp.
Đề án nêu rõ, một trong những giải pháp để nâng cao hoạt động lập pháp là không đưa vào dự kiến Chương trình các dự án Luật, pháp lệnh không đủ điều kiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL. Phải sớm nâng cao chất lượng chất vấn Chính phủ (các Bộ trưởng, trưởng ngành) theo nhóm vấn đề, theo hướng đối thoại, chất vấn đến cùng để làm rõ bản chất các vấn đề được cử tri cả nước quan tâm. Tăng cường hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp QH với sự tham dự rộng rãi, công khai của mọi người dân, bảo đảm để đại biểu QH có điều kiện nắm bắt tâm tư, nguyện vọng mọi tầng lớp dân cư….
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Việt Trường tán thành và đánh giá cao những nội dung đổi mới hoạt động tiếp xúc được xây dựng trong Đề án với việc hạn chế thủ tục hành chính, tiếp xúc “đại cử tri”, tạo không khí cởi mở, dân chủ, trao đổi thắng thắn giữa cử tri với đại biểu QH và dành thời gian thích đáng để cử tri nêu ý kiến, kiến nghị.
Hầu hết các thành viên Ủy ban Pháp luật (UBPL) đều cho rằng, việc xây dựng Đề án đã đáp ứng yêu cầu xây dựng NNPQ XHCN, bảo đảm QH thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề trong hoạt động của QH chưa được đề án đề cập.
ĐB Phùng Văn Hùng (Ủy viên UB Kinh tế) chỉ ra rằng, Đề án chưa đề cập đến việc đổi mới trong công tác dân nguyện trong khi các cơ quan chức năng của QH nhận được hàng nghìn đơn thư khiếu nại mà chưa giải quyết được. “QH là cơ quan dân cử không thể thoái thác trách nhiệm giải quyết các vấn đề người dân khiếu nại” - ĐB Hùng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Đề án vẫn thiếu cơ chế lấp “lỗ hổng” trong việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, chưa đầu tư đầy đủ cho công tác xây dựng pháp luật, hướng dẫn thi hành luật chưa đầy đủ, cụ thể... Do đó, Phó Chủ nhiệm UBPL Đặng Đình Luyến đề nghị, Đề án nên đề cao trách nhiệm của các cơ quan có tổ chức liên quan trong việc “thực hiện các trách nhiệm hiện hành” chứ chưa cần đề ra việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành.
ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) nhận thấy, tại các phiên họp tổ chức tại Hội trường, rất nhiều ĐBQH, nhất là ĐBQH kiêm nhiệm vắng mặt. Do đó, trong việc đổi mới hoạt động của QH, không nên tiếp tục tổ chức thảo luận, lấy ý kiến về các dự án luật, báo cáo, dự án, đề án quan trọng tại các Hội nghị trực tuyến. Thay vào đó là “việc tổ chức Hội nghị các ĐBQH chuyên trách theo khu vực, theo cụm để các ĐBQH trao đổi kinh nghiệm sẽ khả thi hơn” - ĐB Hà đề xuất.
Giảm họp, tăng hiệu quả
Muốn đổi mới hoạt động của QH một cách căn bản phải chờ đến khi Hiến pháp 1992 (sửa đổi) được QH thông qua. Tuy nhiên, theo ĐB Đinh Xuân Thảo, “nếu chỉ vướng một số quy định của pháp luật mà không trái với Hiến pháp thì vẫn nên mạnh dạn sửa đổi, có thể bằng phương pháp “dùng một luật sửa nhiều luật hoặc ban hành Nghị quyết để điều chỉnh””.
Thực tế đã chứng minh nhiều nội dung đổi mới hoạt động của QH (đề cập trong Đề án) được triển khai đã đem lại hiệu quả cao như hoạt động tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội thời gian qua. Với việc thông báo rộng rãi, tiến hành tiếp xúc cử tri theo địa bàn, nơi cư trú và theo từng đối tượng cử tri, thành phần đa dạng, nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của đoàn ĐBQH TP.Hà Nội đã thu hút hơn 200 cử tri tham dự (trước chỉ khoảng 80-100 cử tri)
Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý lưu ý, “các nội dung đổi mới phải xuất phát từ thực tiễn vướng mắc trong hoạt động của QH hiện nay, thiết thực và làm được ngay, không nên né tránh những vấn đề hiện còn vướng mắc”.
Tổng hợp các ý kiến đóng góp cho Đề án, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo chắt lọc những vấn đề có thể triển khai ngay trong kỳ họp QH tới. Đồng thời, Đề án phải tiếp tục đổi mới về phương thức, cách thức làm việc để vừa giảm bớt thời gian họp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả làm việc của QH.
Theo kế hoạch Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH sẽ trình kỳ họp thứ 3 QH khóa XIII./.
Huy Anh