Thực trạng tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp: 69% doanh nghiệp tự nhận là nạn nhân của tham nhũng

05/04/2012
Kết quả nghiên cứu thực trạng tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp được Thanh tra Chính phủ - Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hôm qua (4/4) cho thấy, “nạn đưa phong bì để “nhờ vả” là hình thức phổ biến nhất trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan công quyền khi có tới 69% doanh nghiệp tự nhận là nạn nhân của tham nhũng”.

Doanh nghiệp dành 1-5% chi phí để… hối lộ

Tham nhũng đang xảy ra ở nhiều ngành, lĩnh vực có liên quan đến thủ tục đăng ký kinh doanh, xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất đến thuế, hải quan, quản lý thị trường, xây dựng, bảo hiểm xã hội… Hình thức phổ biến là hối lộ dưới dạng đưa phong bì để trả giá cho việc giải quyết các thủ tục. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều hình thức cảm ơn trá hình như tặng quà bằng thẻ hội viên các câu lạc bộ, sử dụng dịch vụ đắt tiền hay mời đi du lịch, chiêu đãi, nhận người thân quen của cán bộ nhà nước vào làm việc, lại quả” theo giá trị hợp đồng...

Kết quả điều tra cũng cho thấy, 69% doanh nghiệp tự nhận là nạn nhân của tham nhũng, hơn 10% doanh nghiệp cho biết chi phí không chính thức gửi các cơ quan thuế, hải quan, quản lý thị trường là nhiều hoặc rất nhiều. Các khoản chi “không chính thức này có thể lên đến 1-5% chi phí của doanh nghiệp.

Ngược lại, tổng chi phí hàng năm doanh nghiệp biếu các cơ quan vệ sinh an toàn thực phẩm, tài nguyên môi trường, bảo hiểm xã hội, tiêu chuẩn, chất lượng đo lường là không đáng kể so với kết quả thu được. Có gần 50% doanh nghiệp khẳng định, “phải có mối quan hệ với ngân hàng và xuất tiền bôi trơn cho cán bộ tín dụng mới vay được vốn hỗ trợ của Nhà nước.

Mặc dù ít nhiều bức xúc với nạn tham nhũng nhưng lý do chính mà 50% doanh nghiệp không tố cáo vì cho rằng "đó không phải là việc của tôi" "có tố cáo cũng chẳng giải quyết được gì" hay đây là thông lệ chung, gần như mặc định trong quan hệ giao dịch. Đặc biệt, văn hóa hối lộ trong lĩnh vực đất đai trở nên bình thường đến nỗi không ai thấy có gì bất thường khi phải đưa phong bì mới xong thủ tục (!?).

Xóa bỏ tâm lý “phong bì” của doanh nghiệp

Chính thực trạng đó khiến “doanh nghiệp luôn mang sẵn tâm lý “phong bì”, cứ gặp khó khăn khi làm việc với cơ quan công quyền là đã sẵn sàng cho việc này, thậm chí có khi họ đưa tiền mà không biết mình đưa vì lý do gì” như nhận định của PCục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Ngô Mạnh Hùng.

Phân tích nguyên nhân của nạn “phong bì đi trước, việc nước đi sau”, ông Hùng cũng chỉ ra một phần là do năng lực của chính doanh nghiệp còn hạn chế, nhất là vì muốn nhanh được việc mà chấp nhận tiếp tay cho tham nhũng, trong khi nếu họ chủ động trong việc nắm chắc các quy định, văn bản pháp quy, các yêu cầu về thủ tục cần có mà mình phải tuân thủ khi “xin” cấp phép hay thực hiện một thủ tục nào đó thì cơ quan công quyền sẽ phải làm theo đúng quy trình và doanh nghiệp không phải mất thêm chi phí.

Nhưng cách quản lý, giải quyết công việc từ phía các cơ quan công quyền cũng đang làm nạn đưa hối lộ, tham nhũng có nhiều “đất” để phát triển. Không ít trường hợp lợi dụng thẩm quyền để lập phương án, điều chỉnh phương án quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư, tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất và giao đất ở nhiều nơi còn chưa nghiêm

Có tới 63% doanh nghiệp được khảo sát nhận định “hệ thống giấy phép chuyên ngành phức tạp, không minh bạch, là một trong những nguyên nhân gây ra nạn tham nhũng ở Việt Nam hiện nay”. Do đó, theo đề xuất của ông Conrad Fzellmann, (Phó Giám đốc Tổ chức hướng tới Minh Bạch), một trong những vấn đề đi đầu để “doanh nghiệp không còn tiếp tay cho tham nhũng bằng các khoản thanh toán không chính thức, “hoa hồng”, phong bì”, phòng chống tham nhũng là tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, công bằng và nâng cao nhận thức và năng lực, xây dựng và phổ biến những bộ công cụ, tài liệu, đưa ra các hướng dẫn hỗ trợ cho doanh nghiệp. Thúc đẩy hơn nữa tính liêm chính trong doanh nghiệp và khuyến khích hành động tập thể, đối thoại giữa Chính phủ với doanh nghiệp trong một số ngành, trong đu thầu mua sắm…

Quan trọng không kém là cần xây dựng hệ thống hiệu quả để bảo vệ người tố cáo tham nhũng, chứ còn ở mức sơ khai, mới hình thành như hiện nay, hệ thống này chưa thể hiện được vai trò là nơi tin tưởng cho người chống tham nhũng nên thông tin tố cáo tham nhũng sẽ không thể đến được với các cơ quan chức năng, hạn chế rất nhiều đến hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng./.

Huy Anh

Hoạt động nghiên cứu này nằm trong dự án Sáng kiến Xây dựng tính nhất quán và minh bạch trong kinh doanh tại Việt Nam (ITBI), dựa trên “bối cảnh” là mối quan hệ giữa doanh nghiệp - bên “cung” (đưa hối lộ) và cơ quan công quyền - bên “cầu” (bên có điều kiện để nhận hối lộ).

Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và phát triển đã tiến hành khảo sát tại 6 tỉnh, TP lớn: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Nai và Cần Thơ, lấy ý kiến của 270 doanh nghiệp, 7 cuộc thảo luận nhóm và 12 cuộc phỏng vấn sâu các hiệp hội, cán bộ Nhà nước để có bức tranh tổng thể về hiện trạng tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp hiện nay ở Việt Nam.