Bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền: “Thực tiễn” hóa các chính sách

30/03/2012
“Diễn đàn tham vấn tình hình thực hiện Công ước CEDAW (hiệp ước quốc tế về quyền con người, quyền phụ nữ) tại Việt Nam: Thành tựu và định hướng trong tương lai” do Liên hợp quốc tại Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội tổ chức sáng nay (30/3) tại Hà Nội khẳng định, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đáng kể bảo đảm quyền con người nói chung và quyền của phụ nữ nói riêng.

Thúc đẩy nhân quyền từ hoàn thiện pháp luật

Những thành tựu đạt được trong việc đảm bảo quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, cũng như quyền của các nhóm dễ bị tổn thương (như phụ nữ, trẻ em, người tàn tật) thể hiện cam kết mạnh mẽ và nỗ lực không ngừng của Việt Nam làm tiền đề quan trọng để Việt Nam tiếp tục phấn đấu, đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của công dân” - ThS. Nguyễn Thanh Sơn (Chánh Văn phòng thường trực BCĐ về Nhân quyền của Chính phủ) khẳng định.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hệ thống pháp luật nói chung và trong lĩnh vực quyền con người nói riêng còn chưa đồng bộ, có chỗ còn chồng chéo, mâu thuẫn dẫn đến khó khăn cho quá trình thực thi, đời sống nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng thường bị thiên tai còn thiếu thốn, vấn nạn xã hội do ảnh hưởng tiêu cực của quá trình phát triển làm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng các quyền, đặc biệt là quyền sống và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, là thách thức đối với các cơ quan chính quyền trong việc xây dựng và triển khai chính sách nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân…

Trong số những định hướng để vượt qua các thách thức trong bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, Việt Nam xác định, pháp luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nên công cuộc cải cách pháp luật và hành chính sẽ tiếp tục được thực hiện nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí, phát huy dân chủ, nâng cao hiệu lực của NNPQ. Cùng với đó là xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch.

Bình đẳng tuổi hưu ở Việt Nam

Tuổi nghỉ hưu liên quan chặt chẽ đến hệ thống bảo hiểm xã hội và quỹ lương quốc gia, thị trường lao động, phúc lợi xã hội… và bình đẳng giới. Một trong những lĩnh vực luật pháp then chốt mà phân biệt đối xử về giới vẫn còn tồn tại một cách rõ ràng là sự khác biệt tuổi nghỉ hưu giữa phụ nữ (55 tuổi) và nam giới (60 tuổi). Sự khác biệt tuổi hưu luôn bị coi là nguyên nhân tạo rào cản trong việc phát triển nghề nghiệp và phấn đấu của phụ nữ, nhất những phụ nữ trẻ tốt nghiệp đại học, bỏ lỡ nhiều cơ hội việc làm. Thậm chí nhìn từ quan điểm CEDAW và kinh nghiệm quốc tế, sự khác biệt tuổi hưu còn là hình thức phân biệt đối xử trực tiếp đối với phụ nữ và không phù hợp chuẩn mực của CEDAW.

Trong bối cảnh xu hướng toàn cầu cho thấy, sẽ có xu hướng tăng tuổi nghỉ hưu cho cả phụ nữ và nam giới, đảm bảo sự bình đẳng tuổi hưu. Bởi “nếu tiếp tục duy trì sự khác biệt về tuổi hưu như hiện nay sẽ là một trong những yếu tố dẫn đến “sự mất cân bằng” trong việc xây dựng và ban hành các chính sách, pháp luật vì bỏ qua những nhu cầu, ưu tiên và lợi ích của phụ nữ” - đại diện UN Women nhận định. 

UN Women khuyến nghị, để chấm dứt sự phân biệt đối xử trong tuổi hưu, Chính phủ Việt Nam cần xây dựng lộ trình cho việc bình đẳng hóa tuổi hưu, có chính sách đặc biệt cho người lao động có thể bị bất lợi do ảnh hưởng của quá trình cải cách tuổi hưu, có nhiều giải pháp mở rộng hệ thống lương hưu cho người lao động như một cách đảm bảo mọi phụ nữ đang làm việc đều sẽ được hưởng lương trong hệ thống lương hưu….

H.Giang

Bà Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam: 5 năm qua, Việt Nam là một trong 7 nước trong khu vực tham gia Chương trình CEDAW Đông Nam, hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức về quyền con người của phụ nữ và tăng cường sự hiểu biết về CEDAW, năng lực của Chính phủ và các tổ chức để thúc đẩy quyền con người của phụ cấp quốc gia và khu vực, các cam kết quốc gia đối với việc thực hiện CEDAW, hỗ trợ tăng cường năng lực và kiến thức của phụ nữ để đòi hỏi quyền lợi được công bằng.

Tuy nhiên, tình trạng bạo lực gia đình, sự phân biệt trên cơ sở giới tính vẫn tồn tại, một nhóm phụ nữ vẫn đang phải đối mặt với tình trạng bất bình đẳng. Do đó cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy bình đẳng giới, triển khai hiệu quả và hiệu lực các chính sách pháp luật hiện tại ở Việt Nam”.