Vai trò của truyền thông trong bảo vệ nguồn lực đất đai: Cần đấu tranh không khoan nhượng

15/03/2012
Hôm qua (14/3), Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) đã phối hợp với Đại sứ quán Anh tổ chức Hội thảo “Nguồn lực đất đai và vai trò truyền thông”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Nghiên cứu - truyền thông các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp” do RED thực hiện.

Cản trở báo chí tác nghiệp: ít bị xử lý

“Vụ việc xảy ra tại Tiên Lãng, Hải Phòng là ví dụ tiêu biểu cho nhiều vấn đề cần nghiên cứu, đề xuất để vai trò báo chí phát huy cao nhất trong giám sát việc phân chia tài nguyên đất đai nhằm đảm bảo sự công bằng”. Đó là nhận định của ông Trần Nhật Minh Giám đốc RED tại Hội thảo nói trên.  Theo ông Minh báo chí, truyền thông có vai trò rất lớn trong giám sát việc phân chia các nguồn lực, trong đó có tài nguyên khoáng sản quốc gia, điển hình là đất đai.

Trở lại vụ Tiên Lãng, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng nhà báo đã phải tác nghiệp một cách rất khó khăn, thông tin nhiều khi không được cung cấp một cách chính thống. Thậm chí có được tin tức nhà báo phải chấp nhận nguy hiểm. Trong các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về vụ Tiên Lãng, có yêu cầu rà soát việc thực hiện Luật Báo chí tại Hải Phòng, tuy nhiên, đến nay chưa có kết quả rà soát nào được công bố, chưa có cá nhân vi phạm Luật Báo chí nào bị xử lý. Dù đã có các chế tài về đe dọa, hành hung nhà báo nhưng suốt 10 năm qua, không đối tượng nào bị xử phạt cho đến đầu tháng 3 vừa rồi, bằng sự vào cuộc của cơ quan điều tra Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, mới có một đối tượng cản trở báo chí mới bị phạt 5 triệu đồng. Còn quy định xử phạt tại Nghị định 02/2011/NĐ-CP thì sau hơn 1 năm có hiệu lực, vẫn chưa xử lý được ai!

Cần bổ sung cơ chế về trách nhiệm cung cấp thông tin

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến chuyên gia đồng tình và thừa nhận có tình trạng cản trở tác nghiệp báo chí trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường và chống tham nhũng. Đây là các lĩnh vực được coi là nhạy cảm trong đời sống xã hội. Ý kiến chuyên gia cũng cho rằng việc thực thi các quy định của pháp luật hiện nay còn nhiều vấn đề. Một khảo sát của RED đối với 384 nhà báo cho thấy: cản trở trong lĩnh vực chống tiêu cực về tài chính chiếm gần 46%, quản lý đất đai gần 41%, chống xâm hại môi trường 37,5%....

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, để thực thi pháp luật tốt phải có hệ thống giám sát và trợ giúp pháp lý cho người dân nhưng hệ thống giám sát của Việt Nam hiện không đồng bộ. Quốc hội giám sát, HĐND giám sát, MTTQ giám sát… nhưng kết quả giải quyết những nội dung giám sát đấy như thế nào thì lại thiếu rõ ràng. “Phải có một hệ thống giám sát, đánh giá thống nhất, ai giám sát đều lưu vào đó, để có thể kiểm tra được hiệu quả giải quyết cuối cùng”, ông Võ nói.

Ông Lưu Đình Phúc, Trưởng phòng Quản lý báo chí trung ương, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng để nâng cao trách nhiệm xã hội của nhà báo, phát huy tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, nhà báo cần đấu tranh không khoan nhượng, đeo bám vụ việc đến cùng. Đồng thời, Luật Báo chí khi sửa đổi sắp tới cần bổ sung các qui định cụ thể về quyền tiếp cận thông tin của báo chí và trách nhiệm của cơ quan hành chính trong cung cấp thông tin cho báo chí, cũng như có quy chế phối hợp giữa cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí và Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng để việc truyền thông chặt chẽ, có trách nhiệm và đạt hiệu quả hơn….

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu nhận định: mỗi bài báo được đăng tải sẽ có những tác động nhất định đến dư luận xã hội, đặc biệt liên quan đến vấn đề tài nguyên, đất đai. Bản thân nhà báo và cơ quan báo chí cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ để thẩm định vấn đề góp phần định hướng dư luận. Các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp phải được xử lý nghiêm.

Bình An