Hội thảo Quan hệ báo chí trong hoạt động của Quốc hội

13/03/2012
Hội thảo Quan hệ báo chí trong hoạt động của Quốc hội
Sáng nay - 13/3, tại Quảng Ninh, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Văn phòng Nghị viện Đan Mạch tổ chức Hội thảo “Quan hệ báo chí trong hoạt động của Quốc hội” với sự tham gia của nhiều đại biểu Quốc hội, biên tập viên, phóng viên các cơ quan truyền thông.

TS.Nguyễn Sỹ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho rằng, Quốc hội (QH) là thiết chế đặc biệt, vừa của nhân dân, vừa của Nhà nước, nên QH là “cầu nối giữa chính quyền và nhân dân”. Do đó, QH cần làm tốt công tác quan hệ với giới truyền thông (báo chí) và có được sự trợ giúp của báo chí để đưa các đại biểu QH (chính khách) đến với nhân dân và truyền tải những nguyện vọng, phản hồi của nhân dân đến chính khách đó vì “một chính khách tốt mà không nhận được lòng tin và sự hỗ trợ của người dân thì chính khách đó cũng thất bại”. Như vậy, báo chí đóng vai trò quan trọng đối với QH và đại biểu QH.

Phân tích tầm quan trọng của truyền thông đối với hoạt động của QH và đại biểu QH trong xây dựng hình ảnh công chúng, dẫn dắt đại biểu QH đến các vấn đề đang đặt ra của cuộc sống, cung cấp thông tin, là công cụ tác động lên xã hội của đại biểu QH, tác động lên việc soạn thảo chính sách của Chính phủ, TS.Nguyễn Sỹ Dũng khẳng định, hoạt động báo chí và quan hệ với báo chí là thách thức lớn với QH. Quan hệ như thế nào để có sự tin cậy, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc là rất quan trọng. Bên cạnh những ĐB sẵn sàng phối hợp với báo chí thì vẫn có ĐB “rất ngại báo chí” vì còn thiếu kỹ năng quan hệ với báo chí. Bản thân báo chí cũng có nhiều “tâm tư” như khó tiếp cận ĐB.

Từ thực tiễn của Đan Mạch với hoạt động báo chí phát triển đem đến cho Đan Mạch nhiều lợi thế: quản trị quốc gia minh bạch, phát triển xã hội, an sinh xã hội tốt, bà Lis Gronnegaard Rasmussen - Vụ trưởng thuộc Văn phòng Nghị viện Đan Mạch (từng làm trong ban thư ký chuyên trách về báo chí trong Nghị viện Đan Mạch) cho rằng, hợp tác giữa chính khách và báo chí phải dựa trên sự tin cậy, minh bạch, tương tác và cùng hoạt động “dưới một mái nhà chung”. Đây là một mối quan hệ mang tính chất phụ thuộc lẫn nhau theo 4 nguyên tắc: công bằng, cởi mở, trung thực và dễ tiếp cận, dù không dễ dàng.

Mặc dù các đại biểu đều nhất trí tầm quan trọng của báo chí đối với việc tuyên truyền và tạo sự hiểu biết lẫn nhau giữa người dân và QH, nhưng thực tiễn ở Việt Nam, “QH phát huy vai trò truyền thông còn hạn chế, nhất là ở địa phương. Có đến 2/3 đại biểu QH lúng túng trước yêu cầu để tiếp xúc báo chí, vẫn ngại ngùng, “sợ sơ sểnh” như nhận xét của ông Nguyễn Sơn - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định.

Là một người có nhiều kinh nghiệm trong tiếp xúc với báo chí,  GS.Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của QH) nhận định, quan hệ QH và báo chí là quan hệ “có đi có lại” nên ĐBQH phải sẵn sàng cung cấp thông tin cho báo chí và báo chí phải tạo điều kiện cho ĐB có những câu trả lời hay bằng những câu hỏi sắc sảo, trúng vấn đề. Hiện Việt Nam có 814 cơ quan báo chí, cung cấp nguồn thông tin quan trọng, giúp đại biểu QH bày tỏ chính kiến, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình, qua đó xây dựng hình ảnh của mình trước công chúng….

Với những đặc điểm của báo chí là “một kênh thông tin dễ tiếp cận, nhanh, nhạy và kịp thời; khả năng bao phủ hết sức rộng lớn; sức lan tỏa của báo chí cũng rất mạnh”, TS.Phùng Văn Hùng - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH - cho rằng, báo chí đã trở thành một kênh thông tin không thể thiếu được của QH, các cơ quan của QH và mỗi đại biểu QH và là cầu nối quan trọng giữa QH với người dân” như nhận định của nhiều đại biểu tại Hội thảo./.

H.Giang