Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống pháp luật
Giai đoạn II nói riêng và nhìn lại sau 7 năm thực hiện sáng kiến hợp tác cấp Bộ trưởng trong phòng chống buôn bán người Tiểu vùng sông Mê Kông (COM-MIT) nói chung đến nay theo Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ đã thúc đẩy tất cả các quốc gia thành viên xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai chương trình quốc gia về phòng chống mua bán người; phê duyệt Luật Phòng, chống mua bán người; hỗ trợ tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên xây dựng, ký kết nhiều Hiệp định, thỏa thuận, biên bản ghi nhớ về hợp tác song phương; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chiến dịch truyền thông, phối hợp giải cứu, điều tra, bắt giữ tội phạm, hồi hương, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng… qua đó đã mang lại hiệu quả thiết thực cho mỗi quốc gia và khu vực.
Thứ trưởng Ngọ cũng cho biết: với quan điểm lồng ghép thực hiện kế hoạch COM-MIT với Chương trình quốc gia phòng, chống mua bán người trong hơn 7 năm qua, Việt Nam đã phối hợp với Ban Thư ký UNIAP, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ tổ chức triển khai trên 200 hoạt động phối hợp về phòng chống mua bán người, trong đó nổi bật là Quốc hội phê quyệt Luật Phòng, chống mua bán người (có hiệu lực từ ngày 01/01/2012), Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia giai đoạn 2004-2010 và 2011-2015, ký kết Hiệp định hợp tác với Campuchia, Trung Quốc, Lào, Thái Lan và dự định sắp tới là Malaysia…
Đặc biệt, hiện nay Việt Nam đã hoàn thiện việc rà soát hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến phòng chống tội phạm mua bán người, qua đó kiến nghị sửa đổi 16 văn bản, xây dựng mới 11 văn bản; Quốc hội Việt Nam cũng đã ban hành Luật sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự, trong đó sửa điều 119 từ tội mua bán phụ nữ thành tội mua bán người.
Đồng tâm và hiệp lực bền vững
Với tiêu chí “đồng tâm và hiệp lực bền vững”, Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 8 tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch hành động tiểu vùng sông Mê Kông về phòng chống mua bán người giai đoạn II; thảo luận hoàn thiện kế hoạch giai đoạn III (2012-2013) và lựa chọn những hoạt động ưu tiên năm 2012; thảo luận về tính bền vững của tiến trình COM-MIT đến năm 2013 và sau năm 2013; Thảo luận hoàn thiện thống nhất và đề xuất Chính phủ 6 nước ký tuyên bố chung nhằm tái khẳng định một lần nữa về hợp tác phòng chống mua bán người các nước tiểu vùng sông Mê Kông.
Với vai trò thành viên, một đối tác tin cậy trong sự phối hợp các nước tiểu vùng sông Mê Kông và các nước khác có liên quan, Việt Nam cam kết và hy vọng sẽ góp phần làm giảm và đẩy lùi tội phạm buôn bán người trong khu vực.
Thu Hằng
Ngày 29/10/2004 tại Y-ang-gun, My-an-ma, Chính phủ 6 nước đã thông qua và ký biên bản ghi nhớ hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông về phòng, chồng mua bán người. Tháng 3/2005 tại Hà Nội, Chính phủ 6 nước đã thống nhất triển khai kế hoạch hành động tiểu vùng giai đoạn 2004-2006. Tháng 12/2007, tại Bắc Kinh Chính phủ 6 nước đã ký Tuyên bố chung nhằm khẳng định thêm một lần nữa và thông qua kế hoạch hành động tiểu vùng sông Mê Kông giai đoạn II (2008-2010). |