Đề xuất mức phạt tiền cao ở thành phố lớn: Hội đồng nhân dân quy định, Chính phủ hậu kiểm?

12/01/2012
Một số nội dung lớn của dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) như về phạm vi điều chỉnh, mức phạt tiền tối đa, phạt cao hơn ở các thành phố lớn, bỏ quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh… được nhiều ý kiến tán thành cao. Cũng trong ngày hôm qua 10/01, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào 3 dự án luật khác là dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); Luật Giám định tư pháp (GĐTP), Luật Quảng cáo.

Phạt tối đa: 1 tỷ với cá nhân, 2 tỷ với pháp nhân vi phạm

Cho ý kiến dự án Luật XLVPHC, Ủy ban Pháp luật cho biết các vấn đề Ủy ban và cơ quan soạn thảo đã thống nhất được đó là về phạm vi điều chỉnh, thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính và mức phạt tiền tối đa trong XPVPHC…

Ba vấn đề mà hai cơ quan này còn có ý kiến khác nhau đó là về phạt tiền cao hơn ở khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc TW, việc bỏ quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh và quy định hình thức phạt bổ sung đối với người bán dâm và xử lý tang vật, phương tiện được sử dụng để VPHC bị áp dụng hình thức xử phạt tịch thu.

Tại phiên họp, các ý kiến thảo luận tập trung nhiều về quy định nâng mức phạt tiền. Theo đề xuất của Ủy ban Pháp luật, với cá nhân mức phạt tối đa là 1 tỷ đồng, với pháp nhân là 2 tỷ đồng (thay vì 2 tỷ như dự thảo). Tuy nhiên Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho rằng: mức phạt tối đa với cá nhân là chưa phù hợp, điển hình trong lĩnh vực chứng khoán “Chủ tịch Ủy ban chứng khoán có thể phạt tối đa tới 2 tỷ đồng”, bà Minh đề xuất.

Riêng vấn đề phạt cao ở các TP trực thuộc TW, đa số các ý kiến nhất trí cao tuy nhiên còn phân vân nên giao Chính phủ quy định trên cơ sở đề nghị của HĐND hay giao thẳng HĐND. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Chính phủ đề nghị giao HĐND quy định mức phạt, Chính phủ chỉ làm công tác hậu kiểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chưa đồng ý bỏ quy định căn cứ vào tỷ lệ % biến động về giá cả theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh tương ứng mức xử phạt tiền tối đa… vì cho rằng, giá cả ở nước ta thay đổi thường xuyên, nếu không quy định linh hoạt thì khi giá cả lên xuống lại phải tiến hành sửa đổi Luật. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân lại đồng tình với Ủy ban Pháp luật: mỗi lần giá cả thay đổi mà phải ban hành một Nghị định thì cũng không nên.

Ủng hộ chủ trương xã hội hóa

Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII vừa qua, thảo luận về đề xuất xã hội hóa hoạt động GĐTP, nhiều Đại biểu Quốc hội bày tỏ sự nhất trí cao về chủ trương này. Báo cáo UBTVQH về dự án Luật, Ủy ban Tư pháp cũng chỉ rõ: xã hội hóa là cần thiết, nhằm cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Trước mắt, Ủy ban Tư pháp đề nghị UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý dự thảo theo hướng, cho phép thành lập các tổ chức GĐTP ngoài công lập để giám định trong một số lĩnh vực như tài chính - kế toán, ngân hàng, xây dựng và văn hóa… nhiều ủy viên UBTVQH đồng tình với đề xuất này.

Về đề nghị bỏ Pháp y Công an tỉnh, theo Tờ trình Chính phủ thì cho đến nay có 13/63 Công an tỉnh không có giám định viên pháp y, 04 cơ quan Công an cấp tỉnh có giám định viên pháp y nhưng không làm giám định pháp y, việc thực hiện giám định pháp y ở 17 tỉnh, thành phố này hoàn toàn do tổ chức giám định pháp y Y tế đảm nhiệm. Do đó, việc tập trung hoạt động giám định pháp y ở cấp tỉnh vào Trung tâm giám định pháp y thuộc ngành Y tế sẽ đáp ứng một bước yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp theo hướng thu gọn đầu mối, bảo đảm phù hợp với tính chất quản lý về chuyên môn, vì giám định pháp y là lĩnh vực y học thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Điều này cũng tạo điều kiện để Chính phủ tập trung đầu tư chuyên sâu về nhân lực, cơ sở vật chất cho hệ thống các tổ chức giám định pháp y, khắc phục được tình trạng bất cập hiện nay.

Tuy nhiên, tại cuộc họp vẫn có ý kiến không đồng tình. Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ đề nghị giữ pháp y Công an tỉnh để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. Ông cho biết đã đi một số địa phương, Giám đốc Sở Y tế đều từ chối nhiệm vụ này.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đề xuất, Ủy ban Tư pháp nên chủ trì về địa phương, làm việc thêm với một số bộ ngành để có thêm thông tin về vấn đề nêu trên. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng tình cao với đề nghị này.

Thu Hằng

Phát biểu kết luận về dự án Luật PBGDPL, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng việc xã hội hóa công tác PBGDPL là cần thiết, tán thành cao việc lập Hội đồng PBGDPL nhưng lưu ý cơ quan thẩm tra cần phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát từng điều luật để quy định cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo. Riêng việc lấy ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật, Phó chủ tịch nhấn mạnh: đa số ý kiến thảo luận tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII đều đồng tình, nhiều ý kiến của ủy viên UBTVQH cũng đồng tình. Do đó, nên giữ lại quy định này, lấy đó là ngày tôn vinh, đề cao, học tập pháp luật.