Để thực hiện tốt vai trò của mình trong việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp – Sở Tư pháp cần có đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp có trình độ và được đào tào chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất được trang bị đảm bảo cho việc tiếp nhận, cập nhật, xử lý, khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và cơ chế phối hợp của các cơ quan có liên quan. Bên cạnh đó, nguồn thu từ lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp được xem là một trong những nguồn góp phần quan trọng để trang trải cho công tác xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Do đó, ngày 02 tháng 12 năm 2011, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 174/2011/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp.Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/01/2012.
Theo quy định của Thông tư thì mức thu lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp 200.000 đồng/lần/người; đối với học sinh, sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ 100.000 đồng/lần/người. Trong đó, cơ quan thu lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp được để lại 80% số tiền lệ phí thu được trước khi nộp ngân sách nhà nước để trang trải cho việc thu lệ phí. Đối với 20% còn lại cơ quan thu lệ phí nộp vào ngân sách nhà nước theo chương, loại, khoản, mục, tiểu mục tương ứng của mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
Số tiền trích để lại cho cơ quan thu lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp được xác định là 100%, trong đó, phân bổ 60% cho cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát phối hợp trong công tác xác minh, tương ứng với số lượng hồ sơ yêu cầu xác minh đã được hoàn thành. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp tiếp tục trích chuyển 4% số tiền lệ phí được để lại cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia để hỗ trợ cho việc xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
Quy định như trên là chưa phù hợp đối với Sở Tư pháp, cụ thể với mức thu 200.000 đồng/lần/người, sau khi trích lại tỉ lệ 20% vào ngân sách nhà nước, thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp- Sở Tư pháp còn lại 80%, tức còn lại 160.000 đồng/lần/người. không dừng lại ở đó. Trong 160.000 đồng (tương ứng 100%) Sở Tư pháp tiếp tục trích chuyển cho cơ quan hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát với tỉ lệ 60% số tiền lệ phí được để lại là 96.000 đồng/lần/người và tiếp tục hỗ trợ cho việc xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia với tỉ lệ 4%. Vậy số tiền còn lại Sở Tư pháp giữ là 57.600 đồng/lần/người. Vấn đề không chỉ dừng lại đây, mà cơ quan thu lệ phí còn phải chi trả 25.000 đồng/yêu cầu trong trường hợp có xác minh thông tin ở nhiều cơ quan khác. Với số tiền còn lại Sở tư pháp tiếp tục chi 2.000 đồng/phiếu, với số phiếu cấp cho mỗi lần là 03 phiếu là 6.000 đồng. Bên cạnh đó, chưa kể đến văn phòng phẩm phục vụ cho việc cấp phiếu cũng như hàng quý Sở Tư pháp phải tiến hành việc đối chiếu với các cơ quan cung cấp thông tin lý lịch tư pháp ở địa phương như Tòa án, cơ quan Thi hành án…, và cung cấp thông tin cho các Sở Tư pháp bạn, lập thông tin lý lịch tư pháp để gửi cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia cũng như việc lưu hồ sơ dữ liệu tại Sở Tư pháp.
Việc quy định mức thu và tỉ lệ trích để lại theo Thông tư 174/2011/TT-BTC, với tư cách là một công chức làm công tác lý lịch tư pháp, bản thân tự nhận thấy Thông tư quy định trích lại tỉ lệ phần trăm như trên sẽ không đảm bảo cho Sở Tư pháp phục vụ công tác: xây dựng, khai thác, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; Lập Lý lịch tư pháp, cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Trong khi việc xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp mới được bắt đầu hình thành và đang từng bước gom nhặt các thông tin LLTP để tạo một cở sở dữ liệu lý lịch tư pháp dùng cho việc tra cứu sau này. Với quy định như thông tư các Sở Tư pháp sẽ không đủ kinh phí từ nguồn thu lệ phí để trang trải cho công tác xây dựng, khai thác, quản lý và cung cấp thông tin lý lịch tư pháp theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp
Nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn và hiệu quả hơn trong thời gian tới, bản thân cảm thấy Bộ Tư pháp nên phối hợp với Bộ Tài chính quy định phù hợp việc trích tỉ lệ phần trăm để lại đối với cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp nhằm tạo nguồn kinh phí cho các Sở Tư pháp đảm bảo các khoản chi để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ theo quy định.
Lê Minh Hiền- Sở Tư pháp Cà Mau