Giám sát việc thực hiện pháp luật về ban hành văn bản: Văn bản trái luật, phải xử lý kịp thời

14/12/2011
Đánh giá tình hình thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của HĐND và UBND theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Trưởng đoàn giám sát “đã từng bước đi vào nề nếp, tạo sự chuyển biến về chất…” tuy nhiên, khó khăn nằm trong chính các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó là vấn đề về con người, kinh phí.

Chiều qua 13/12, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến vào giám sát chuyên đề việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành VBQPPL của HĐND, UBND.

Còn tình trạng văn bản vượt quyền

Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện pháp luật về ban hành VBQPPL của HĐND, UBND được gửi đến UBTVQH cho biết “nội dung VB HĐND, UBND ban hành phù hợp với Hiến pháp, cơ bản không trái VB cơ quan nhà nước cấp trên, đảm bảo tính thống nhất đồng bộ” tuy nhiên, chất lượng VB của cấp huyện, đặc biệt là cấp xã chưa cao. Tại một số địa phương, có tình trạng ban hành VB vượt thẩm quyền trong các lĩnh vực như đầu tư, đất đai, xử phạt vi phạm hành chính. Nhiều VB không bảo đảm tính khả thi…

Báo cáo giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành VBQPPL của HĐND, UBND đánh giá “công tác xây dựng VB đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội ở địa phương”. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất theo Đoàn giám sát là các quy định trong lĩnh vực này chưa đầy đủ, chưa toàn diện. Kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng VB chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trong khi đội ngũ cán bộ mỏng, năng lực trình độ chưa tương xứng. “Đoàn giám sát đi đến đâu người ta cũng kiến nghị hai vấn đề này” - Chủ nhiệm Phan Trung Lý nhấn mạnh thêm.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng không hẳn vì hai lý do trên mà công tác VB còn những yếu kém “Phải xem lại cơ chế phối hợp nhất là giữa khối các sở ngành, chuyên môn thuộc UBND”, ông Khoa đề nghị làm rõ các nguyên nhân để có biện pháp khắc phục.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đánh giá cao việc Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra những vấn đề tồn tại trong chất lượng VB. Tuy nhiên, bà cho rằng cần phải tiến thêm một bước là làm rõ những tồn tại này ảnh hưởng như thế nào tới việc điều hành của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chưa đồng tình với một số điểm của báo cáo giám sát: báo cáo nhận định tất cả các VB đều được Sở Tư pháp thẩm định trước khi ban hành nhưng khi chất lượng VB có vấn đề thì lại “quy” cho cơ quan soạn thảo, hay đổ lỗi kinh phí ít, con người có hạn. “Phải chăng khâu thẩm định của Tư pháp cũng có vấn đề, hay chưa làm hết trách nhiệm?” - ông Phúc đặt câu hỏi.

Phải làm rõ địa phương nào sai

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặc biệt quan tâm đến vấn đề hậu giám sát: Giám sát thì phải biết địa phương nào làm sai, sai ở đâu, bao nhiêu văn bản, VB đó có gây phiền hà sách nhiễu gì với doanh nghiệp, với người dân hay không. Quan trọng hơn, theo Chủ tịch là phát hiện sai rồi, anh có bắt sửa không, có “xử” ai không. Đặc biệt, Chủ tịch nhấn mạnh “Phải tìm cho ra nguyên nhân vì sao anh sai để còn quy trách nhiệm. Tại sao cùng trên một mặt bằng có anh làm tốt, anh không”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nêu thực tế, VB ở địa phương hiện đang rất “tầng, nấc” và nhiều thể loại nhưng lại chưa rõ loại nào là VBQPPL. “Ta phải chấn chỉnh tình trạng này” Phó Chủ tịch nói và cho rằng, “đã đến lúc phải hợp nhất VB, để tiện cho việc tra cứu, áp dụng”

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đồng tình với nhiều đánh giá của Đoàn giám sát, khẳng định kết quả vượt bậc sau thời gian thi hành Luật. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận điểm “yếu” nhất trong luật là phân biệt thế nào là VB QPPL, thế nào là VB điều hành. Vì chưa rõ, nên nếu máy móc có khả năng làm mất những cơ hội quý giá ở địa phương. Ngược lại, dễ dãi quá thì rất dễ sai, “tới đây cố gắng phân biệt cho rõ”. Bộ trưởng cũng nói thêm những khó khăn trong việc “gác cửa” VB của Tư pháp các cấp, của pháp chế Sở ngành và thông tin một số vấn đề liên quan.

Thu Hằng

“Đối với cấp tỉnh, hầu hết dự thảo VB trước khi trình UBND đều được Sở Tư pháp thẩm định. Đối với cấp huyện, chủ yếu là thẩm định VB QPPL của UBND. Đối với cấp xã, do luật không quy định nên dự thảo VB hầu như chưa được thực hiện”.

(Nguồn: Báo cáo của Đoàn giám sát)