Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TƯ họp phiên thứ 2

05/12/2011
Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TƯ họp phiên thứ 2
Sáng 4/12, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (BCĐ CCTP) TƯ đã họp phiên thứ 2, công bố các Quyết định của BCĐ và tập trung vào việc thảo luận về Quy chế làm việc của BCĐ, Chương trình trọng tâm công tác CCTP giai đoạn 2011-2016 và chương trình làm việc của BCĐ năm 2012, ý kiến của thường trực BCĐ về định hướng phân công trách nhiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cán bộ có chức danh tư pháp.

Chương trình trọng tâm công tác CCTP giai đoạn 2011-2016 xác định, công tác tư pháp trong giai đoạn này sẽ tập trung vào 8 nhiệm vụ trọng tâm: hoàn thiện chính sách PL về HS, DS và tố tụng tư pháp; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp; tổ chức, hoạt động các cơ quan và tổ chức bổ trợ tư pháp; xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp; việc giám sát của các cơ quan dân cử; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp; bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động tư pháp; việc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp.

Các thành viên BCĐ đều thống nhất, chương trình của BCĐ cần bám sát lộ trình xây dựng Luật, pháp lệnh của QH, đặc biệt phải bám sát lộ trình sửa đổi Hiến pháp 1992 vì mọi chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp đều thể hiện trong Hiến pháp.

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, hầu hết các ý tưởng về CCTP trong Nghị quyết 49 đều nằm trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh QH khóa 13. Đây là cơ hội tốt để rà soát chương trình hoạt động trọng tâm hàng năm của BCĐ, xác định chương trình trọng tâm và chương trình bổ sung hàng năm.

Còn theo Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình, BCĐ cần tập trung hoàn thiện báo cáo sơ kết 5 năm Nghị quyết 49. Các đề án để thực hiện Nghị quyết 49 giao cho các ngành phải xong trước khi sửa đổi Hiến pháp. Vấn đề quan trọng thứ 2 là tập trung phát triển nguồn nhân lực để thực hiện CCTP vì hiện nay, nguồn cán bộ cho ngành kiểm sát nói riêng và các cơ quan tư pháp nói chung là rất thiếu.

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cũng lưu ý, nếu không sơ kết được Nghị quyết 49 thì việc sửa Hiến pháp xong sẽ vẫn còn hổng lớn, phải sửa tiếp. Các vấn đề THAHS (giao BTP quản lý trại giam), kiểm sát chỉ đạo điều tra, chuyển kiểm sát thành công tố, phân biệt tư pháp và hành chính tư pháp… đều là vấn đề lớn, trọng đại của đất nước nên cần có sự thống nhất cao, bàn bạc dân chủ, thấu đáo, đồng thuận cao. Đồng thời, cần bảo đảm cơ sở vật chất của các cơ quan tư pháp, “chính sách đặc thù cứ nói mãi nhưng cần xác định rõ chứ không khó thu hút nhân lực” – ông Trương Hòa Bình kiến nghị.

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh góp ý, chương trình trọng tâm của BCĐ nên lưu ý đến giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao trình độ cho đội ngũ luật sư, tạo điều kiện thông thoáng cho luật sư hành nghề, tăng cường vai trò tự quản của tổ chức nghề nghiệp của luật sư. Vì xây dựng NNPQ XHCN không thể thiếu luật sư và luật sư cũng có thể là một nguồn để tuyển chọn thẩm phán, kiểm sát viên, “chứ hiện nay toàn cán bộ tư pháp về hưu chuyển sang làm luật sư” nên cần quan tâm đến công tác đào tạo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Kết luận, Chủ tịch nước – Trưởng BCĐ CCTP TƯ Trương Tấn Sang cho rằng, chương trình hoạt động của BCĐ 2011-2016 có vẻ hơi nhiều, nhưng vẫn cần làm. Những gì liên quan đến sửa đổi Hiến pháp 1992 cần đi trước một bước bước, bàn bạc kỹ lưỡng và trình cấp có thẩm quyền quyết định. Các hoạt động của BCĐ trong năm 2012 quan trọng là bám tiến độ sửa đổi Hiến pháp 1992, tổng kết 5 năm Nghị quyết 49 và kiến nghị,… Và trong tháng 12 phải ban hành chương trình 5 năm và năm 2012 của BCĐ đúng trọng tâm, trọng điểm.

H.Giang