Điều chỉnh lương tối thiểu để giảm tranh chấp
Nhiều ĐBQH nhận định, vấn đề tiền lương và lương tối thiểu là một vấn đề rất quan trọng, là nguyên nhân của tất cả những nguyên nhân xảy ra tranh chấp và đình công trong suốt thời gian vừa qua, nên việc xác định mức lương tối thiểu là rất quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động (NLĐ).
Nhưng vấn đề là tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định lại không bám sát với thực tế của xã hội, không bám sát với giá cả của thị trường nên NLĐ sẽ bị thiệt hại rất lớn khi doanh nghiệp xây dựng thang lương, bảng lương, nộp bảo hiểm xã hội trên cơ sở lương tối thiểu chứ không nộp theo lương thực tế.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh, mức lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế. Thực tế có bảng lương mà doanh nghiệp không thực hiện, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài nên việc xây dựng mức lương tối thiểu là cần thiết. Vì thế Chính phủ sẽ chuẩn bị một dự luật về lương tối thiểu trong nhiệm kỳ này.
Với nhận định, quan điểm của Bộ luật Lao động và Chính phủ đưa ra là tiền lương phải căn cứ vào giá cả, sức lao động trên cơ sở thị trường lao động có sự định hướng từ Nhà nước, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhận thấy, hiện nay tiền lương tối thiểu của chúng ta quy định theo 4 vùng thì không đạt được yêu cầu đó. Bên cạnh đó, nhìn từ hơn 3.000 cuộc đình công xảy ra thời gian qua thì 90% xuất phát từ tiền lương.
Một điều rất đáng lưu ý dù các cuộc đình công đó diễn ra không đúng pháp luật, nhưng đều để giải quyết mục đích của người lao động, đặc biệt là về tiền lương tối thiểu. Nên ĐB Lợi nghĩ rằng “vấn đề là xác định làm sao tiền lương thực chất với tiền lương và nhà nước phải có vai trò quyết định trong việc xác định mức tiền lương tối thiểu phải gắn với mức sống tối thiểu thì mới có thể giải quyết được”.
Tán thành nhận định của ĐB Lợi là “xác định tiền lương tối thiểu trong vùng chưa hợp lý”, ĐB Cù Thị Hậu (Hưng Yên) thấy rằng, nên có thỏa ước lao động ngành để quy định cho toàn hệ thống trong ngành về xây dựng thang bảng lương làm cơ sở bảo vệ tốt hơn quyền lợi của NLĐ. Còn ĐB Nguyễn Minh Phương (TP.Cần Thơ) đề nghị, Chính phủ tăng tiền lương tối thiểu định kỳ để đảm bảo cuộc sống cho NLĐ.
Ngược lại, ĐB Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) nhận thấy, không nên điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm vì “Chính phủ vừa mới nói thôi thì ở ngoài các chợ đã lên hết rồi”, nên khi NLĐ lĩnh được tiền lương tăng lên thì tiền lương đó không sát với thực tế và không bù đắp với cái tăng ngoài thị trường. Nên cách “tăng lương tối thiểu hợp lý để thu nhập của người lao động thực tế mới lên theo được” theo ĐB Tùng là khi đã thống nhất được với lương tối thiểu rồi, thì hàng năm với trượt giá như thế nào thì cuối năm áp dụng trượt giá đó nhân lên. “Đó là điều cần thiết phải kiến nghị trong cuộc cách mạng tiền lương thì mới hạn chế việc tranh chấp” - ĐB Tùng nhấn mạnh.
Công đoàn không được “thiên vị”
Một vấn đề cũng đáng lưu ý khi sửa đổi Luật Công đoàn theo các ĐBQH là làm thế nào để không hành chính hóa hoạt động tổ chức công đoàn, để công đoàn “có mặt” trong những hoạt động bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ, không còn tình trạng “công đoàn nọ đùn đẩy công đoàn kia” khiến công đoàn trở thành một bộ phận thừa trong nhận thức của cả NLĐ và người sử dụng lao động….
Nên theo như ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình), dự thảo cần có những qui định cụ thể trách nhiệm của công đoàn đối với cả người sử dụng lao động, nhất là các DN nhằm tạo sự hài hòa mọi mặt, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và NLĐ để người sử dụng lao động thấy được sự cần thiết phải có tổ chức công đoàn, loại bỏ quan niệm công đoàn là tổ chức đối lập với Nhà nước, khiến nhiều DN tìm mọi cách không cho tổ chức công đoàn được thành lập hay có điều kiện thuận lợi để hoạt động
ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) quan tâm đến khía cạnh cán bộ công đoàn nên kiến nghị, để cán bộ công đoàn yên tâm công tác thì cần có cơ chế bảo vệ vì họ là bán chuyên trách, là NLĐ nên có thể phải chịu rủi ro khi thực hiện nhiệm vụ “cán bộ công đoàn”.
Hương Giang