Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính: Phạt cao có gây “tồn án”?

21/11/2011
Dù đã thảo luận ở tổ nhưng chiều ngày 18/11, khi thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), các đại biểu quốc hội (ĐBQH) vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho dự thảo Luật được coi là “có nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dân” này.

Mức phạt phải “cao hợp lý”

Một nội dung được các ĐBQH đặc biệt quan tâm trong dự thảo Luật XLVPHC là qui định về mức phạt. Theo dự thảo, mức phạt đối với các hành vi VPHC tối thiểu là 50.000 đồng (tăng 5 lần so với qui định hiện hành), tối đa lên đến 2 tỷ đồng (áp dụng cho pháp nhân, tăng 4 lần so với qui định hiện hành). ĐB Triệu Là Pham (Hà Giang) đánh giá, qui định này chưa hợp lý do mức phạt tiền tối thiểu quá thấp, trong khi mức tối đa lại quá cao, dẫn đến việc khó thực thi. Tuy đa số các ĐB đều tán thành với việc phải tăng mức phạt tiền đối với các VPHC nhưng cũng lưu ý, “tăng mức phạt tiền là cần thiết nhưng cần cân  nhắc tăng đến mức nào là hợp lý”.

Dẫn chứng rằng, không nước nào qui định mức xử phạt cao hơn mức thu nhập hàng tháng của người dân, ĐB Trần Văn Độ (An Giang) nhận xét, qui định về mức phạt trong dự thảo là “quá cao, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và mức sống của đại đa số người dân hiện nay. Trong khi pháp luật hình sự ngày càng “mềm hóa” qui định về mức phạt tiền (tối đa là 55 triệu đồng thì dự thảo Luật XLVPHC lại qui định cao đến 2 tỷ đồng là rất khó thực hiện”.

Theo một số ĐBQH, cần qui định một mức phạt hợp lý hơn và có các biện pháp tổng lực, minh bạch, công khai. “Quan trọng là thực hiện bằng được các biệp pháp xử phạt. Thực hiện được phạt nhẹ cả trăm người còn hơn xử phạt nặng 10 người mà không thực hiện được” - ĐB Độ nhấn mạnh với quan điểm “không phải chế tài nghiêm là hạn chế được vi phạm”. Cùng quan điểm này, ĐB Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) phản ánh, nhiều người chấp nhận phạt để “được việc” nên ngoài phạt tiền cần bổ sung nhiều biện pháp phạt bổ sung như lao động công ích, các biện pháp xã hội, phổ biến giáo dục pháp luật và thực thi pháp luật.

ĐB Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) cũng nhận thấy, xử phạt nghiêm không đồng nghĩa với tăng phạt tiền, mà còn nhiều biện pháp răn đe hiệu quả hơn. Không hoàn toàn phản đối việc tăng mức tiền phạt nhưng ĐB Tùng cho rằng “nên tăng mức phạt tiền hợp lý, tăng mức phạt tiền phải đồng bộ với mức độ phát triển và đời sống của người dân. Mức phạt tối đa chỉ nên là 1 tỷ đồng (tăng gấp 2) nếu không sẽ có nhiều vụ tồn đọng do không có điều kiện thi hành (nhất là ở vùng nông thôn, miền núi)”.

Xử lý người bán dâm có hạn chế được tệ nạn?

Trong số các biện pháp hành chính khác, nhiều ĐBQH quan tâm đến qui định về “đưa đối tượng là người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh”. Một số ĐBQH không tán thành với việc bỏ quy định này vì cho rằng đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh là cần thiết để quản lý tốt được họ, đồng thời tránh gây ra các hậu quả chung cho xã hội.

Có ĐB cho rằng, không đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh là bảo đảm mục đích nhân đạo, nhưng đánh đồng người có bệnh và không có bệnh sẽ gây ra nhận thức không hay. Nhưng ĐB Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) nhận thấy, hiện qui định đưa người bán dâm vào các trung tâm phục hồi nhân phẩm hầu như không có tác dụng “triệt để” vì tỷ lệ tái phạm sau khi ra khỏi trung tâm vẫn cao. Do đó, chỉ cần đưa những đối tượng này vào cơ sở chữa bệnh (nếu phát hiện họ có bệnh) để tránh lây lan cho cộng đồng và tạo điều kiện để họ có thể tái hòa nhập cộng đồng nhanh chóng.

Nhiều ý kiến lưu ý, cần xem xét thêm về tính khả thi của các quy định về XLVP đối với người bán dâm. ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) phản ánh, hiện đã có nhiều biện pháp phòng chống, xử lý quyết liệt nhưng nạn mại dâm vẫn không thuyên giảm. Nên ĐB Giàng Thị Bình (Lào Cai) đặt vấn đề, có nên qui định cả hình thức xử lý người mua dâm hay không vì “nếu không có cầu sẽ không có cung”./.

Hương Giang

Cùng ngày, thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Quản lý giá, các ĐBQH nhận thấy, chính sách bình ổn giá chứa đựng nhiều điểm bất cập, chưa bảo đảm tính công bằng do cơ bản chỉ áp dụng ở một số TP lớn, tại các siêu thị, cửa hàng lớn - nơi những người nghèo khó có thể tiếp cận. Đặc biệt, việc áp dụng chính sách không đi đôi với biện pháp kiểm soát thực hiện dẫn đến lợi dụng chính sách để đầu cơ trục lợi, người dân không được hưởng ưu đãi, sử dụng ngân sách nhà nước lãng phí, kém hiệu quả, tạo dư luận không tốt trong một bộ phận người tiêu dùng.

Do đó, các ĐBQH đề nghị dự thảo nên quy định về chính sách bình ổn giá theo hướng phải bảo đảm tính công bằng khi triển khai thực hiện; bổ sung biện pháp kiểm soát, cơ chế xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong tổ chức thực hiện; có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm quy định về bình ổn giá.