Dự thảo Luật Giám định tư pháp: Chưa đồng ý bỏ pháp y Công an tỉnh

16/11/2011
Chiều qua 15/11, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Giám định tư pháp (GĐTP), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chưa đồng ý bỏ pháp y Công an tỉnh và tán thành chủ trương xã hội hóa GĐTP.

Làm tốt sao phải bỏ?

Theo phương án Chính phủ trình Quốc hội, thì đương sự trong vụ án dân sự, việc dân sự, vụ án hành chính cũng có quyền được trực tiếp yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện việc GĐTP.

ĐB Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) đồng tình với quy định nêu trên nhưng đề nghị để đảm bảo sự công bằng, cần cho phép đương sự trong vụ án hình sự cũng được quyền yêu cầu GĐTP, nếu yêu cầu đó không liên quan đến việc xác định tội danh hay hình phạt.

ĐB Lan cũng đề xuất cân nhắc thêm việc bỏ pháp y công an tỉnh bởi bà cho rằng bỏ sẽ tạo ra sự thiếu hụt những chuyên gia trong giám định pháp y. “Nếu chưa cho phép xã hội hóa trong lĩnh vực này thì trước mắt vẫn nên giữ pháp y công an tỉnh”.

ĐB Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cũng ủng hộ cần tiếp tục duy trì pháp y công an “về nguyên tắc, tập trung một đầu mối là đúng nhưng bỏ pháp y kéo theo việc phải giải quyết nhiều vấn đề khác, nhất là yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm”.

ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) cùng nhận định: Pháp y công an đang làm rất tốt, có bề dày kinh nghiệm, chưa thấy có chuyện tiêu cực thì hà cớ gì phải bỏ. Trong khi đó, cũng theo ông Thanh, ngành Y tế hiện nay đã phải cáng đáng quá nhiều việc, “để công an làm chỉ có lợi, trong điều kiện hiện nay, cái gì hiệu quả hơn thì ta làm, đừng có máy móc”.

Tuy nhiên, một số ĐBQH khác lại ủng hộ bỏ pháp y công an tỉnh, giao một đầu mối cho y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: nếu được giao, y tế có thể làm tốt công việc này.

Phải gỡ những điểm nghẽn trong GĐTP

Được nâng lên từ Pháp lệnh, các ĐBQH đều cho rằng, phục vụ công cuộc cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 thì rất cần thiết phải xây dựng Luật GĐTP.

“Quan trọng là Luật này tạo ra cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng trưng cầu, chất lượng giám định để giảm thiểu xung đột giám định. Trong trường hợp có xung đột thì cần lấy kết luận của tổ chức GĐ cấp trên làm căn cứ giải quyết vụ án. Phải coi đó là điểm dừng chứ không thể giám định đi, giám định lại gây mất thời gian, tốn kém” - ĐB Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu.

ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) thì đề nghị luật quy định rõ trong trường hợp kết quả giám định như thế nào thì được tiến hành giám định lại, nếu giám định sai gây thiệt hại thì bồi thường như thế nào?

Liên quan đến chủ trương xã hội hóa hoạt động GĐTP (cho phép mở các Văn phòng Giám định tư pháp), nhiều ĐB đồng tình cao. Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) thì “có những việc thuộc trách nhiệm nhà nước, nhà nước buộc phải làm chứ không thể giao cho tư nhân, chúng ta đang xã hội hóa theo kiểu việc của nhà nước giao cho tư nhân làm và việc đáng giao cho tư nhân thì nhà nước lại làm”.

ĐB Nguyễn Sơn (Hà Nội) ủng hộ: “xã hội hóa phải hết sức thận trọng, vì một kết luận giám định có thể làm thay đổi, đảo ngược lại vụ việc”.

Nhiều ĐB đề nghị dự luật cần quy định theo hướng liệt kê rõ các lĩnh vực mà tổ chức GĐ ngoài công lập được thực hiện, và làm rõ vì sao chỉ là các lĩnh vực đó mà không phải các lĩnh vực khác. Việc xã hội hóa cần phải có lộ trình, và không nên quá “ưu ái” các Văn phòng giám định (như đặc cách về thuế, đất đai) để đảm bảo sự công bằng với các tổ chức công lập.

Thu Hằng