Dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi): Phạm vi không “chuẩn”, sẽ thiệt hại cho đất nước

19/12/2011
Sau 4 ngày làm việc, ngày 16/12, phiên họp thứ tư của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã kết thúc. Trước đó UBTVQH đã thông qua chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế năm 2012 của các cơ quan của Quốc hội; thông qua chương trình công tác năm 2012 của UBTVQH và xem xét đề nghị của Viện trưởng VKSNDTC về việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn kiểm sát viên VKSNDTC, Kiểm sát viên VKS quân sự TW và cho ý kiến vào Dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi).

Mở rộng phạm vi điều chỉnh là cần thiết

Báo cáo một số vấn đề lớn dự kiến tiếp thu, chỉnh lý và giải trình dự án Luật Tài nguyên nước, Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết: có 3 vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa các cơ quan hữu quan là phạm vi điều chỉnh; quy hoạch tài nguyên nước và thẩm quyền lập, phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước.

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật đối với nước biển bao gồm cả nội thủy, lãnh hải là hợp lý. Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành quy định phạm vi nước biển ven bờ là nước biển ở vùng vịnh, cảng và những nơi cách bờ trong vòng 5,55 km (03 hải lý). Theo Ủy ban này, việc quy định nước biển thuộc nội thủy, lãnh hải có ý nghĩa về mặt chủ quyền nhưng vấn đề này sẽ được điều chỉnh bởi Luật biển Việt Nam, phù hợp với Công ước quốc tế về Luật biển. Hơn nữa, nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế cũng thuộc quyền quản lý của Việt Nam, nếu chỉ quy định nội thủy, lãnh hải là chưa đồng bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị cần xác định lại phạm vi điều chỉnh trong luật vì e ngại có sự mâu thuẫn với Hiến pháp. “Nước ta  3/4 là biển, nếu chỉ nói tài nguyên nước trên đất liền là không phù hợp, mâu thuẫn với Hiến pháp, gây thiệt hại rất lớn cho đất nước sau này. Vì tài nguyên nước bao gồm cả tài nguyên nước trên biển”. Theo ông Lý, phạm vi điều chỉnh cần xác định cả nước biển, sẽ  phù hợp với  chiến lược phát triển biển theo Nghị quyết của Trung ương. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng góp ý: nên có thêm 1 điều về hợp tác quốc tế trong luật này và dự án luật này nên thông qua ở 3 kỳ họp.

Thẩm quyền phê duyệt: giao cho ai?

Về thẩm quyền lập, phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho biết hiện còn hai loại ý kiến: thứ nhất đề nghị quy định giao Bộ Tài nguyên và Môi trường lập quy hoạch tài nguyên nước chung của cả nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông nội tỉnh, nguồn nước nội tỉnh sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội về loại quy hoạch và thẩm quyền lập, phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước, cụ thể là: Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc phê duyệt theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh, vùng liên tỉnh; UBND cấp tỉnh tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông nội tỉnh, quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nhiều ủy viên thường vụ Quốc hội đồng tình với loại ý kiến thứ hai nêu trên. Dự án Luật sẽ được tiếp thu, chỉnh lý đưa ra kỳ họp Quốc hội tới.

Bình An