Hôm qua 21/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bàn và cho ý kiến về Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Bảo hiểm tiền gửi và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc tham gia Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân.
Chưa thống nhất mô hình cơ quan phòng, chống rửa tiền
Mô hình cơ quan phòng chống rửa tiền là một trong 5 vấn đề lớn mà Chính phủ xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí với phương án, cơ quan thông tin phòng, chống rửa tiền trực thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là Trung tâm quốc gia có chức năng thu thập, xử lý và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc thành lập cơ quan phòng chống rửa tiền nên để ở NHNN, vì vừa có kinh nghiệm vừa có điều kiện để triển khai dễ dàng.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ, vấn đề phòng, chống rửa tiền là cực kỳ phức tạp và khó khăn bởi loại tội phạm này ngày càng tinh vi, xảo quyệt, không chỉ nghiệp vụ ngân hàng có thể làm được. Cho nên với chức năng của Bộ Công an thì được giao quản lý là phù hợp. Bộ Công an sẽ điều phối, phối hợp chặt chẽ với NHNN để đấu tranh chống lại loại tội phạm này.
Hiện, vẫn còn 2 luồng ý kiến khác nhau về mô hình cơ quan phòng chống rửa tiền, bởi nếu cơ quan này thuộc phạm vi quản lý của NHNN thì với vai trò là một Trung tâm thông tin quốc gia trên lĩnh vực này sẽ là “quá tầm”, bởi không thể một cơ quan “quốc gia” có tài khoản, con dấu riêng lại trực thuộc NHNN. Còn nếu trực thuộc Bộ Công an, có ý kiến cho rằng, trong điều kiện giao dịch tiền mặt ở nước ta còn lớn, nên thực tế mới phát hiện và xử lý hành vi rửa tiền thông qua kiểm soát các giao dịch qua hệ thống ngân hàng. Do vậy, cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng là phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Ban soạn thảo cần quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn đặc biệt là về mô hình cơ quan phòng, chống rửa tiền. “Trung tâm thông tin không thể có chức năng phòng, chống rửa tiền. Phần việc nào thuộc Ngân hàng thì để Ngân hàng thực hiện, phần việc nào thuộc ngành Công an thì quy định để Bộ Công an thực hiện” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Có cần thiết thay đổi mô hình bảo hiểm tiền gửi?
Cho ý kiến về một số vấn đề lớn của Dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi, Ủy ban Kinh tế cho biết, hiện còn hai loại ý kiến khác nhau về mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Về vấn đề này, có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất: nhất trí với dự thảo Luật theo đó Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) do Thủ tướng Chính phủ thành lập và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý nhà nước (ý kiến ở 24 Đoàn, 8 đại biểu, 1 Bộ). Loại ý kiến thứ hai: đề nghị Tổ chức bảo hiểm tiền gửi do NHNN Việt Nam thành lập và quản lý nhà nước, trực thuộc cơ cấu, tổ chức của NHNN Việt Nam (ý kiến ở 6 Đoàn Đại biểu QH).
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế nhất trí loại ý kiến thứ nhất, theo đó giữ nguyên mô hình Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập và giao NHNN Việt Nam thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
Riêng vấn đề phí bảo hiểm tiền gửi hiện có 2 luồng ý kiến khác nhau là không quy định cứng nhắc mà giao Thủ tướng Chính phủ quy định theo đề nghị của NHNN trong từng thời kỳ; và quy định nguyên tắc, tiêu chí tính phí bảo hiểm tiền gửi hoặc quy định lộ trình tính phí bảo hiểm tiền gửi, mức phí được quy định cụ thể ngay trong Luật.
Ủy ban Kinh tế đề nghị UBTVQH sửa dự thảo theo hướng giao Thủ tướng Chính phủ quy định một khung phí. Trên cơ sở khung phí này, NHNN quy định mức phí cụ thể cho các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trên cơ sở đánh giá, phân loại các tổ chức tín dụng.
Thu Hằng
Cho ý kiến vào dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhiều Ủy viên Thường vụ Quốc hội ủng hộ việc thành lập quỹ. Việc thành lập Quỹ sẽ tạo điều kiện để huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá theo hướng xã hội hóa; thể hiện cam kết chính trị của nhà nước về phòng chống tác hại thuốc lá cũng như cụ thể hóa chủ trương xã hội hóa hoạt động phòng bệnh và là cơ sở pháp lý để huy động nguồn lực cho hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá. Như vậy, nguồn Qũy sẽ không lấy từ ngân sách và cũng không bớt chi ngân sách của các ngành khác. |