Quản lý dân cư, mức phí, mức phạt hành chính, xác định vùng Thủ đô là những nội dung chính được Ban soạn thảo Luật Thủ đô (LTĐ) thảo luận, cho ý kiến trong phiên thứ 2 diễn ra ngày 30/3 với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo.
Dự thảo mới vẫn gồm 4 Chương, 32 Điều (bỏ 2 Điều và bổ sung 2 Điều), giữ nguyên 18/32 Điều của dự thảo cũ. Các điều khoản bị lược bỏ là quy định về chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, quy định về quy hoạch Thủ đô, phát triển khoa học và công nghệ…
Là một trong những vấn đề nhạy cảm, lý do dẫn đến việc dự thảo LTĐ chưa được thông qua, vấn đề quản lý dân cư vẫn tiếp tục được tranh luận với hướng “phải có đặc thù về cư trú như thế nào để Hà Nội “chịu” được”. Đại diện Bộ Công thương khẳng định, điều kiện nhập cư vào Thủ đô rất chặt chẽ, thậm chí là phải nộp một khoản tiền mới được nhập cư vì “sẽ được hưởng những ưu đãi, đặc thù khi đến sống ở Thủ đô”.
Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp) Lê Hồng Sơn đề nghị: “Không nên băn khoăn quản lý dân cư mà cứ đưa ra đưa vào dự thảo, nếu không đưa vào thì mất cơ hội, nhiều địa phương đang chờ những quy định về quản lý dân cư của Đà Nẵng đưa ra nếu được chấp thuận là sẽ học theo. Phải có cơ chế, không thể tùy tiện, nhập khẩu, cư trú được”.
Còn Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh đề nghị quy định, nhập cư thì ít nhất phải có nhà ở hợp pháp, diện tích mỗi người 6m2 để đảm bảo điều kiện cần và đủ cho 1 người có thể sống ở Thủ đô, đáp ứng yêu cầu quản lý dân cư. Nhấn mạnh đến tính đặc thù của Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, Hà Nội không thể quản lý dân cư như các địa phương khác, mà cần một cơ chế riêng. Còn để đảm bảo quy mô dân cư hợp lý phải “có chế tài cụ thể để điều tiết, nếu không sẽ trở lại câu chuyện “đất lành chim đậu” - Bí thư lưu ý.
Một số thành viên Ban soạn thảo tỏ ra “khắt khe” với phạm vi phát triển và áp dụng các chính sách ưu tiên trong dự thảo LTĐ. Theo đó, ưu tiên cho Hà Nội trong vùng nội thành có thể là hợp lý, nhưng còn vùng nông thôn thì có lý do gì mà đòi hỏi vì Hà Nội không thể phát triển hết địa bàn rộng này, mà chỉ khu vực nội đô thôi.
Phạt cao gấp đôi chưa chắc đã hiệu quả
Nhận định này đã từng được đưa ra đối với dự thảo LTĐ cũ nhưng Dự thảo mới vẫn tiếp tục đưa ra mức phí trong nội thành cao hơn không quá 2 lần so với quy định của cả nước trong lĩnh vực môi trường, giao thông vận tải. Tổ biên tập cũng đề nghị quy định nội thành Hà Nội được phạt tiền cao hơn mức chung của cả nước với một số vi phạm.
Đại diện Bộ VH-TT&DL dẫn chứng, tại Paris (Pháp), việc xử phạt hành chính cao gấp nhiều lần để bày tỏ quan điểm đồng tình về việc Hà Nội được xử phạt cao hơn là rất bình thường. Thực tế cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến những vi phạm hiện nay trong lĩnh vực môi trường, giao thông quá nhẹ nên nhờn, không thể cải thiện tình hình…
Bí thư Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, “luật đặc thù, áp dụng riêng cho địa bàn đặc biệt, nên rất khó, những cơ chế, chính sách đặc thù chính là sự bổ sung, hoàn thiện cho hệ thống pháp luật hiện hành. Phải làm sao để mọi người hiểu rằng, Thủ đô là của cả nước, chứ không phải cho riêng những công dân có hộ khẩu Hà Nội, mà bất kỳ ai, ở bất kỳ vùng miền nào về sinh sống, công tác tại Hà Nội đều được hưởng những đặc thù này”.
H.Giang
Ngày 20/3, tại phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật, Chính phủ đã cho ý kiến về những định hướng lớn liên quan đến chỉnh lý, hoàn thiện dự án LTĐ trên cơ sở báo cáo Bộ Tư pháp trình. Chính phủ đã nhất trí về cơ bản kế thừa các quy định của dự thảo LTĐ đã trình Quốc hội, chỉ hoàn thiện, chỉnh lý, sửa đổi hoặc loại bỏ những điều khoản cần thiết, đặc biệt là những điều khoản không nhận được sự đồng tình của đại biểu Quốc hội. Về phạm vi và mức độ quy định cơ chế, chính sách đặc thủ, cần gom lại trong một số lĩnh vực thực sự cần thiết để quy định trong dự thảo với nguyên tắc là cơ chế, chính sách chưa được quy định trong pháp luật hiện hành hoặc khác với pháp luật hiện hành. Dự thảo sẽ phải trình Chính phủ xem xét, thông qua tại phiên họp tháng 6/2012. |