Không nên “trốn tránh”
Đưa ra nhiều tiêu chí trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Mão đặc biệt lưu ý đến tính thực tiễn của những nội dung trong Hiến pháp đối với những đòi hỏi của cuộc sống. “Cần phải xem tính dân chủ, công khai được thể hiện trong Hiến pháp đã đủ mức mang tính chỉ đạo để xây dựng các văn bản pháp luật hay chưa? Ta nói dân biết, dân bàn, dân kiểm tra nhưng đã làm được chưa?”. Một trong những phương pháp thực hiện, theo ông Mão là nên trưng cầu ý dân trong lần sửa Hiến pháp lần này. “Ta hãy lắng nghe dân kể cả những ý kiến trái chiều, không nên “trốn tránh” những vấn đề đặt ra từ cuộc sống dù nó “nhạy cảm”. Nên huy động cả sự đóng góp của bà con người Việt ở nước ngoài, tham khảo ý kiến của các chuyên gia quốc tế, người nước ngoài có tâm huyết với Việt Nam”, ông Mão đề nghị.
Đồng tình với ông Mão, ông Đặng Minh Tuấn, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh đến tính thực thi của các quy định Hiến pháp. “Một bản Hiến pháp thành công là một bản hiến pháp mà các quy định của nó được thực thi trên thực tiễn. Hiện nay còn nhiều quy định của Hiến pháp còn mang tính hình thức”. Ông Tuấn nói và cho rằng, cần tạo những diễn đàn tranh luận đa dạng để tham gia vào quá trình tổng kết, đánh giá và soạn thảo Hiến pháp.
Quan tâm đến vấn đề phải trưng cầu ý dân trong sửa đổi Hiến pháp, ông Nick Booth, cố vấn chính sách pháp luật của UNDP chia sẻ: Nhiều người cho rằng, Hiến pháp là văn bản mang tính kỹ thuật cao, chỉ các chuyên gia, các chính trị gia… mới hiểu và quan tâm đến nó, nhưng theo tôi, Hiến pháp là những vấn đề hết sức cơ bản của cuộc sống, do đó, việc sửa đổi rất cần sự tham gia của công chúng. Kinh nghiệm trong vấn đề này, ông Nick Booth nêu ý kiến: trước hết cần tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, sau đó thực hiện tham vấn và tham vấn đến tận nông dân.
Phải phù hợp với đường lối của Đảng
Bàn về sự lãnh đạo của Đảng với việc xác định tiêu trí và phương pháp đánh giá Hiến pháp, theo ông Đinh Ngọc Vượng, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam thì tiêu chí quan trọng để sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 thể hiện trong các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI và Hội nghị Trung ương 2 (Khóa XI) chính là sự phù hợp của Hiến pháp với tình hình mới của đất nước. “Xét về tiêu chí này, có thể thấy việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 chính là đảo đảm quyền tự do dân chủ của nhân dân, cải cách tư pháp và đặc biệt là cải cách bộ máy nhà nước trên cơ sở việc thực hiện quyền lực tập trung, có sự phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp”.
Dẫn điều 4 của Hiến pháp, bà Trương Thị Hồng Hà, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh quan niệm: việc tổ chức thực thi Hiến pháp, nói cho cùng, đó là sự tổ chức thực thi quyền lực chính trị của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy mà nó không tồn tại ngoài ý chí của Đảng mà phải đồng nhất với đường lối, chính sách phát triển đất nước của Đảng qua từng thời kỳ. Do đó, bà Hà cho rằng một trong những tiêu chí sửa đổi Hiến pháp là “phù hợp với quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng”.
Đề cập đến tiêu chí về kỹ thuật thể hiện các quy định của Hiến pháp, Ông Vũ Hồng Anh, Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng Hiến pháp cần bảo đảm yêu cầu về tính cô đọng, tính khái quát cao. Tuy nhiên một số quy định cũng đòi hỏi tính cụ thể, tính chính xác. “Vấn đề là phải xác định nội dung nào cần khái quát, nội dung nào cần cụ thể. Và đó không thuần túy là kỹ thuật văn bản.” Ông Anh nói. Một trong nhiều vấn đề khác được ông Hồng Anh đề cập đó là tính định hướng, dự báo, ổn định của Hiến pháp để “đảm bảo sự phù hợp của hiến pháp với những điểm mới của sự vận động xã hội”.
Hà Anh