Khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XII: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định

22/03/2011
Hôm qua 21/3, sau phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng trình bày báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và những giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch năm 2011. Cũng trong ngày, Quốc hội đã nghe báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá

Đánh giá về những kết quả nổi bật của tình hình KTXH năm 2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: Kinh tế nước ta tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2010 đạt 6,78%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội thông qua (6,5%). Các ngành, lĩnh vực kinh tế chủ yếu đều tăng cao hơn năm 2009. Các cân đối lớn của nền kinh tế về cơ bản được bảo đảm. Kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 72,2 tỷ USD, tăng hơn 4 lần so với chỉ tiêu Quốc hội thông qua (trên 6%).Thu ngân sách nhà nước năm 2010 vượt 21,2% so với dự toán được Quốc hội thông qua; giảm bội chi ngân sách còn 5,6% GDP, giảm 0,6% GDP so với dự toán đã được Quốc hội thông qua. Dư nợ Chính phủ đến ngày 31/12/2010 bằng 44,1% GDP, dư nợ quốc gia bằng 42,2% GDP, được kiểm soát trong giới hạn.

Năm 2010 là năm nhiều khó khăn đối với nền kinh tế tuy nhiên với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân tiêp tục được cải thiện. “Kết quả giải quyết việc làm năm 2010 và một số năm gần đây đều đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội thông qua…. Các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, hỗ trợ nhà ở sinh viên, người thu nhập thấp, xây dựng nông thôn mới chính sách tiền lương, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp cho đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội… đều được xem xét điều chỉnh theo mức phù hợp. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 giảm còn 9,45% (giảm 1,85% so với năm 2009)”, Phó Thủ tướng cho biết thêm.

Đánh giá những ưu điểm của nền kinh tế năm qua, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra ba yếu kém lớn còn tồn tại, trong đó nhấn mạnh tình trạng lạm phát tăng cao, chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 tăng 11,75% so với tháng 12 năm 2009, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội thông qua (7%); nhập siêu còn lớn; bội chi ngân sách cao, nợ công có xu hướng tăng; mặt bằng lãi suất cao, tỷ giá chưa ổn định đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Cạnh đó là cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, chất lượng tăng trưởng thấp, ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Cắt giảm đầu tư công, tăng cường bảo đảm an sinh xã hội

Chính phủ đề ra 6 nhóm giải pháp, đó là thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng; điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ người nghèo; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và đẩy mạnh công tác tư tưởng, thông tin, tuyên truyền.

Đánh giá các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010 về cơ bản đúng với những nhận định đã được các cơ quan hữu quan trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, kết quả 2 tháng đầu năm cũng đạt tích cực. Tuy nhiên theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì tình hình lạm phát, lãi suất, tỷ giá những tháng đầu năm 2011 vẫn tiếp tục có biến động mạnh và diễn biến phức tạp, làm tăng nguy cơ mất ổn định kinh tế. Trong đó có các vấn đề về chỉ số giá tiêu dùng; về lãi suất trên thị trường tiền tệ tiếp tục tăng cao; tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do biến động mạnh và nhiều vấn đề bức xúc khác.

Trong bối cảnh hiện nay, đánh giá cao Nghị quyết 11 của Chính phủ, nhưng Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng trong điều hành chính sách tài khóa, kiên quyết không chi ngân sách nhà nước vượt dự toán chi đã được phê duyệt, đưa mức bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 5% GDP; quản lý chặt chẽ các khoản chi có nguồn gốc ngân sách và việc ứng chi ngân sách nhà nước; tiến hành khẩn trương và cương quyết việc cắt giảm các dự án đầu tư chưa cần thiết.

Cũng theo Ủy ban Kinh tế, cần kiên quyết thực hiện các biện pháp quản lý thị trường vàng và ngoại tệ bảo đảm hoạt động theo đúng khuôn khổ pháp luật hiện hành. Cần sớm khắc phục tình trạng sử dụng vàng và ngoại tệ làm phương tiện thanh toán bất hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng phải có lộ trình thích hợp, phù hợp với đặc điểm thị trường Việt Nam, bảo đảm hiệu quả, không phát sinh phức tạp mới. Trước mắt, cần triển khai ngay các biện pháp cần thiết để tổ chức, cá nhân có nhu cầu hợp lý được mua ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại.

Thu Hằng - Hồng Thúy

Báo cáo về việc tái cơ cấu ở tập đoàn Vinashin trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Bộ Chính trị đã thảo luận, cân nhắc kỹ trên nhiều mặt và bỏ phiếu việc thi hành kỷ luật đối với tập thể và cá nhân các đồng chí có liên quan. Căn cứ kết quả kiểm phiếu và theo quy định của Điều lệ Đảng, Bộ Chính trị đã quyết định không xử lý kỷ luật đối với các tập thể và cá nhân, đồng thời yêu cầu các tập thể và cá nhân liên quan phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, tiếp tục chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị và không để xảy ra sai phạm tương tự.