Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII: “Quyết” cơ chế đặc thù cho thủ đô

19/03/2011
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII: “Quyết” cơ chế đặc thù cho thủ đô
Chiều qua 17/3, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố về chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII. Đây là kỳ họp cuối cùng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa này, sẽ khai mạc ngày 21/3 và kết thúc dự kiến vào 29/3/2011.

17 chỉ tiêu đạt kế hoạch trong 2010

Theo ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thì tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về các báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010; việc triển khai thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2011.

Báo cáo công bố chương trình kỳ họp cũng cho biết: trong tổng số 21 chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch năm 2010, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đó là: tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng; tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch; tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom; tuyển mới đại học, cao đẳng và chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng.

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2010 theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới năm 2010 theo quy định của Luật Bình đẳng giới; Quốc hội cũng xem xét các báo cáo về phương án sử dụng 3500 tỷ đồng đầu tư trở lại cho Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam và xem xét một số vấn đề quan trọng khác.

Đặc biệt, cũng theo ông Nguyễn Sỹ Dũng, vì đây là kỳ họp cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, do đó bên cạnh các nội dung nêu trên, thì trọng tâm của kỳ họp này còn tập trung xem xét báo cáo đánh giá, tổng kết nhiệm kỳ của các cơ quan: Quốc hội; Chủ tịch nước; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC.

“Các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ sẽ được gửi tới Đại biểu Quốc hội và được đưa ra thảo luận tại Hội trường”, ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết thêm.

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến động đất, sóng thần ở Nhật Bản làm nổ lò phản ứng hạt nhân, Việt Nam có xem lại quyết định xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, ông Đàn khẳng định: chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân do Quốc hội quyết trên cơ sở đã tính toán, xem xét rất kỹ càng, thận trọng trên tất cả các mặt. Đến nay chủ trương này chưa có gì thay đổi, nhưng trước thảm họa ở Nhật Bản, nếu đại biểu đưa ra ý kiến khi xem xét các vấn đề về kinh tế xã hội thì chắc chắn lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ có phản hồi - ông Đàn nói.

Sẽ ngã ngũ cơ chế đặc thù

Về công tác xây dựng pháp luật, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án Luật: Luật Kiểm toán độc lập; Luật Phòng chống buôn bán người; Bộ luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS và Luật Thủ đô.

Trong đó, đáng lưu ý các cơ chế đặc thù trong dự án Luật Thủ đô lần này sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định. Theo dự án Luật được đưa ra tại kỳ họp này thì Quốc hội sẽ cho ý kiến về quy hoạch chung của Hà Nội và quyết định vị trí khu vực Trung tâm, chính trị hành chính quốc gia. So với dự luật đưa ra tại kỳ họp thứ Tám, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã bổ sung quy định định kỳ 2 năm, UBND TP. Hà Nội tổ chức đánh giá tình hình quy hoạch chung thủ đô và báo cáo Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp cần thiết kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thủ đô.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Thủ đô còn nhiều quy định khác về quản lý dân cư, tạo quỹ đất sạch cho thủ đô, về bảo đảm an ninh trật tự, về cơ chế tài chính….

Thu Hằng