Công bố 2 Pháp lệnh liên quan đến ngành Tòa án và Kiểm sát: Ngạch thẩm phán, kiểm sát viên không còn theo cấp hành chính

19/03/2011
Mới đây, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Giang Sơn, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 2 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND, của Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND và 2 Nghị quyết của UBTVQH về việc thi hành 2 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung này.

Phó Chánh án TANDTC Tưởng Duy Lượng cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong thời gian tới, hệ thống TAND được tổ chức theo thẩm quyền xét xử. Như vậy, việc quy định ngạch, bậc Thẩm phán TAND theo 3 cấp hành chính như hiện nay sẽ không còn phù hợp, cần có lộ trình sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật và từng bước thể chế hóa chủ trương, đường lối cải cách tư pháp của Đảng. Mặt khác, một số văn bản pháp luật mới được ban hành vừa qua đã quy định các chức danh tư pháp như điều tra viên của cơ quan điều tra, chấp hành viên của cơ quan thi hành án dân sự theo ngạch, bậc không phụ thuộc vào cấp hành chính. Cho nên, những quy định về chức danh Thẩm phán hiện hành cũng cần sửa lại cho đồng bộ.

Vì vậy, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm sửa đổi, bổ sung lần này tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung quy định về ngạch, bậc Thẩm phán và việc điều động, biệt phái Thẩm phán giữa các cấp Tòa án. Cụ thể, vẫn giữ nguyên ngạch Thẩm phán TANDTC nhưng không còn Thẩm phán cấp tỉnh và Thẩm phán cấp huyện mà chuyển sang Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp. TANDTC và Tòa án Quân sự TƯ có Thẩm phán TANDTC. TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện có Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp. Ngoài ra, Pháp lệnh sửa đổi đã quy định thẩm quyền điều động, biệt phái của Chánh án TANDTC và phân cấp thẩm quyền điều động, biệt phái cho Chánh án TAND cấp huyện.

“Đây là 2 vấn đề vướng mắc, bức xúc nhất nhằm tháo gỡ những khó khăn cho ngành TAND trong tình hình hiện nay. Các vấn đề khác có liên quan đến Thẩm phán sẽ được sửa đổi trong lần sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Tổ chức TAND”, ông Lượng khẳng định.

Tương tự, theo Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn, trong khi chờ sửa đổi cơ bản và toàn diện Luật Tổ chức VKSND và các văn bản pháp luật liên quan khác, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, việc ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên để kịp thời “chữa bệnh” cho những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động hiện nay của ngành Kiểm sát.

Cụ thể, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung đã chuyển ngạch Kiểm sát viên VKS cấp huyện, Kiểm sát viên VKS cấp tỉnh sang ngạch Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp và giữ nguyên ngạch Kiểm sát viên VKSNDTC; đồng thời, cho phép điều động Kiểm sát viên giữa các cấp VKSND. Ông Phàn nhấn mạnh, những sửa đổi này sẽ tạo ra sự linh hoạt trong bố trí, sử dụng đội ngũ Kiểm sát viên, góp phần bảo đảm cho VKSND các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Các Nghị quyết của UBTVQH về việc thi hành 2 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung trên cho biết 2 Pháp lệnh sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Lương, phụ cấp trách nhiệm của Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp TAND, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp tương ứng với lương, phụ cấp trách nhiệm của Thẩm phán TAND cấp tỉnh, Thẩm phán TAND cấp huyện, Kiểm sát viên VKSND cấp tỉnh, Kiểm sát viên VKSND cấp huyện được quy định tại Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát ban hành kèm theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH, Quyết định số 171/2005/QĐ-TTg và theo quy định của pháp luật hiện hành.

Cẩm Vân