Đào tạo các chức danh tư pháp: Nỗ lực tìm tiếng nói chung

11/03/2011
Ủy ban Tư pháp Quốc hội mới đây đã tổ chức phiên họp điều trần về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chức danh Tư pháp nhằm thống nhất cách hiểu giữa các cơ quan chức năng về vấn đề này.

Phối hợp chưa tốt

Báo cáo thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn của các chức danh tư pháp, cán bộ có chức danh tư pháp và định hướng tới năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, những năm qua, Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp đã đào tạo trên 7500 người, trong đó nhiều nhất là đào tạo thẩm phán, sau đó đến chấp hành viên và các chức danh tư pháp khác, các khóa đào tạo cơ bản đảm bảo chất lượng.

Bộ trưởng cũng cho biết, nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất… của Học viện Tư pháp có nhiều đổi mới, đáp ứng tốt hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân của những tồn tại hạn chế được Bộ trưởng chỉ rõ là chưa có sự thống nhất của các ngành về ý nghĩa, tầm quan trọng và hiệu quả của việc tập trung đầu mối đào tạo nhằm tăng cường năng lực cho cơ sở đào tạo, đảm bảo thống nhất mặt bằng trình độ giữa các chức danh tư pháp như yêu cầu của Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị.

Chính vì vậy, giữa các ngành (Bộ Tư pháp, VKSNDTC, TANDTC) chưa có có chế phối hợp chính thức trong đào tạo thẩm phán và kiểm sát viên.

Đây cũng là vấn đề nổi cộm nhất trong phiên họp điều trần hôm qua (10/3). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga sau khi dẫn chứng các quy định của Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị (Nghị quyết 08 chủ trương thành lập Học viện Tư pháp với mục đích thống nhất đầu mối đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư…; Nghị quyết 49 còn chủ trương xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp - PV) đã yêu cầu Viện trưởng VKSNDTC giải trình vì sao không gửi cán bộ đào tạo tại Học viện trong khi hai Nghị quyết nói trên vẫn còn hiệu lực? “phải chăng có gì vướng mắc”, bà Nga gợi mở.

Ủng hộ chủ trương xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn để đào tạo các chức danh tư pháp, nhưng Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng lại cho rằng “vì chưa có Đề án nên chưa rõ quy mô đào tạo của Học viện ra sao.” Ông Vượng nói rõ quan điểm “ngành nào ngành ấy đào tạo”.

Chánh án Trương Hòa Bình cũng chung ý kiến khi nói về những khó khăn vì bản thân là Chánh án mà không được giao chức năng đào tạo thẩm phán và các chức danh tư pháp khác của ngành Tòa án

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba nói rõ: “Học viện Tư pháp ra đời với chức năng nhiệm vụ rõ ràng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tư pháp cũng đã có Đề án về vấn đề này, có sự tham gia của những người tiền nhiệm (Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC), Nghị quyết 49 tiếp tục khẳng định tinh thần Nghị quyết 08. “Xây dựng, nâng cấp Học viện ta phải làm lâu dài và thường xuyên chứ không thể nói không có Đề án thì không gửi cán bộ đào tạo”, bà Ba nói rõ.

Cần tập trung đầu mối

Tại phiên điều trần, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường phân tích: Điểm đột phá của Nghị quyết 49 là lấy tranh tụng làm tâm điểm của hoạt động xét xử, kết quả tranh tụng là cơ sở để ra bản án, mà muốn tranh tụng tốt ta phải đào tạo nghề. “Nếu đào tạo chung cả kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư thì sẽ tạo tính chuyên nghiệp, đỡ tốn kém, hoạt động tố tụng vì thế khách quan, minh bạch hơn, ít khiếu nại, kháng nghị hơn”, Bộ trưởng nói và cho rằng chính vì những lý do này phải đặt ra vấn đề tập trung trong một cơ sở đào tạo, và sớm đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư trong một chương trình chung - Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho biết: Sau Nghị quyết 49, Bộ Tư pháp đã xây dựng Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành một “trung tâm lớn” từ năm 2008 nhưng vì có nhiều ý kiến khác nhau nên giờ vẫn… chưa thể ban hành.

Trước nhiều ý kiến trái chiều về việc giao ai đào tạo kiểm sát viên, thẩm phán, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba ghi nhận và sẽ báo cáo Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp TW trong một phiên họp gần nhất, để Ban báo cáo với Bộ Chính trị xem xét, kết luận.

Kết luận phiên điều trần, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, thời gian qua, đội ngũ cán bộ tư pháp của ta đã có bước trưởng thành lớn cả về số và chất lượng, khắc phục tương đối tình trạng thiếu và yếu; Phó Chủ tịch ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan Tư pháp trong vấn đề này. Khẳng định tinh thần Nghị quyết 08 và 49 của Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch đồng tình, giao Ủy ban Tư pháp phối hợp các ngành báo cáo Ban chỉ đạo cải cách tư pháp, để Ban báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

Trong khi chờ quyết định của Bộ Chính trị, các ngành cần phối hợp tốt với nhau thực hiện nghiêm Nghị quyết của Bộ chính trị và quyết định của Thủ tướng Chính phủ” - Phó Chủ tịch nói rõ.

Thu Hằng