Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Hướng đến “Ngôi nhà chung”!

28/02/2011
Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Hướng đến “Ngôi nhà chung”!
Hôm qua (27/02/2011), tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLS) đã tổ chức họp Ban Thường vụ, Hội thảo và thông qua Bộ Quy tắc, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư (LS); đồng thời họp Hội đồng LS toàn quốc, phiên họp lần thứ VI. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, đại diện lãnh đạo TANDTC, VKSNDTC, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng... đã đến dự và phát biểu ý kiến.

LS Đỗ Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch LĐLS Việt Nam cho biết, sau gần 3 năm thực hiện Luật LS (2006-2009), LĐLS được thành lập - là mốc son đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ LS cả nước, góp phần nâng cao vị thế của giới LS và nghề LS trong xã hội; đồng thời tạo điều kiện để tập hợp, đoàn kết LS cả nước, góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế....

Từ khi LĐLS thành lập đến hết năm 2010, có 57 Đoàn LS tổ chức Đại hội thông qua Điều lệ và được LĐLS cho ý kiến trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt. Hiện còn 5 Đoàn LS chưa tiến hành Đại hội thông qua điều lệ gồm: Đắk Nông, Hậu Giang, Quảng Trị, Tiền Giang và Yên Bái. LĐLS đã tiến hành đổi, cấp thẻ cho 5.821 LS (số LS đổi là 5.376) và đang xây dựng quy định về quản lý và sử dụng Thẻ LS nhằm tạo thống nhất cho các LS, Đoàn LS và LĐLS trong quá trình hành nghề và quản lý thành viên. Sự kiện có tính chất quan trọng ghi nhận vị thế của LĐLS đối với các nước là việc LĐLS Việt Nam được công nhận là thành viên chính thức của tổ chức Law ASIA (Hiệp hội Luật Châu Á Thái Bình Dương). Tháng 7/2010, Chủ tịch Hiệp hội đã đến Việt Nam trao Giấy chứng nhận thành viên cho LĐLS Việt Nam.

Số liệu thống kê của 58 Đoàn LS còn cho biết, năm 2010 các LS Việt Nam đã tham gia gần 15 nghìn vụ án hình sự, hơn 13 nghìn vụ án dân sự, 908 vụ án kinh tế; 1.088 vụ án hành chính và gần 37 nghìn vụ tư vấn trong các lĩnh vực khác. Đặc biệt, ở các địa phương như Đoàn LS Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và một số LS thuộc Đoàn LS TP.HCM đã bảo vệ quyền lợi hợp pháp và tư vấn miễn phí cho bà con nông dân của 03 tỉnh, thành phố bị thiệt hại do Công ty Vedan xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Đồng Nai.

Bên cạnh hàng loạt các thành tựu gặt hái được, LĐLS cũng gặp không ít khó khăn như công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS chưa trở thành phong trào sâu rộng; sự phối hợp với các cơ quan Nhà nước trong việc giải quyết các vụ việc liên quan tới LS còn hạn chế. Một số Đoàn LS chưa triển khai kịp thời, đầy đủ các Nghị quyết, hướng dẫn của LĐLS... Chính vì vậy, LĐLS mong muốn được Đảng, Nhà nước và các cơ quan ban, ngành ở Trung ương, địa phương quan tâm, giúp đỡ... Ngoài ra, LĐLS cũng cần sự phối hợp giữa LĐLS với Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các cơ quan tiến hành tố tụng trong các quan hệ pháp lý có liên quan tới LS.

Với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về LS, hành nghề LS, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: “Bộ luôn ở cạnh và theo dõi sát hoạt động của LĐLS, từ sự chuyển biến về tổ chức và hoạt động. Bộ trưởng vui mừng khi thấy LĐLS có những bước đi ban đầu đúng đắn, đang dần khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Đây là điều mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ quan tâm quyết định thành lập LĐLS – một việc mà không phải bất kỳ một tổ chức xã hội nghề nghiệp nào khi mới thành lập cũng có cơ hội này”. Qua báo cáo, Bộ trưởng thấy được nhiều thành tựu mà LĐLS đã làm được nhằm giúp nhân dân, giúp Chính phủ. “Tôi hoan nghênh LĐLS đã sớm có chủ trương, kế hoạch về phát huy vai trò của LĐLS trong việc tham gia xây dựng các chính sách, pháp luật Nhà nước; cùng Bộ Tư pháp xây dựng chiến lược phát triển nghề LS, bước đầu mở rộng hợp tác quốc tế, có tiếng nói trong các hội thảo quốc tế... Có được kết quả trên là nhờ vào lãnh đạo của LĐLS, trong đó có sự đồng tình, chung tay giúp sức của tất cả các LS trên cả nước. LĐLS nghiên cứu, đề xuất xây dựng “Điều lệ LS” chung cho toàn thể giới LS, làm sao để LĐLS thật sự trỏ thành “Ngôi nhà chung của giới LS” - Bộ trưởng phát biểu.

Phong Trần