Đề xuất thành lập các cơ sở hỗ trợ nạn nhân: Không sử dụng ngân sách nhà nước

18/02/2011
Đồng tình cao với nhiều nội dung của Dự thảo Luật Phòng chống mua bán người (PCMBN) nhưng nhiều thường vụ Quốc hội vẫn đề nghị làm rõ hơn khái niệm mua bán người và các hành vi có liên quan để tránh sự “nhập nhằng”.

Lợi dụng ở mức độ nào bị coi là mua bán?

Dự thảo Luật PCMBN trình ra UBTV Quốc hội hôm qua (17/02) đã để hai phương án quy định về hành vi MBN và các hành vi liên quan đến MBN. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thì “phương án 1 ổn hơn nhưng chưa rõ “trái với quy định của pháp luật” là thế nào”. Bà Mai dẫn chứng: trong thực tế nhiều hành vi tuyển dụng, chuyển giao lao động diễn ra rất phổ biến và lo ngại, “có những hành vi chưa đến mức độ mua bán mà bị đẩy lên thành mua bán”, đồng thời đề nghị phải làm rõ khái niệm này

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng “chưa yên tâm về quy định này trong dự thảo” và đề nghị rà soát, đối chiếu lại với các văn bản pháp luật hiện hành (như BLHS, Công ước phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của liên Liên hợp quốc…) để tránh trùng lặp.

Một số thường vụ khác đề nghị “hành vi MBN và có liên quan đến MBN càng cụ thể càng tốt”.

Nhằm phân biệt giữa hành vi MBN được quy định trong dự thảo Luật với các hành vi khác như băn khoăn của một số thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba nói rõ thêm: “Đối với những hành vi chuyển giao, tiếp nhận người có nhận tiền, tài sản với tính chất là một khoản thù lao mà pháp luật cho phép thì không phải là hành vi mua bán người, hành vi có liên quan đến MBN”.

Nạn nhân được hỗ trợ chi phí để trở về địa phương

So với Dự thảo được đưa ra tại kỳ họp thứ 8, dự thảo mới có nhiều chỉnh lý, đặc biệt liên quan đến vấn đề hỗ trợ nạn nhân.

Thay vì UBND cấp xã, dự thảo mới giao cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét để thực hiện việc hỗ trợ chi phí đi lại; trường hợp nạn nhân cần được chăm sóc về sức khỏe, tâm lý và có nguyện vọng được lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nạn nhân là trẻ em không nơi nương tựa thì làm thủ tục chuyển giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng: quy định “có nguyện vọng cho ở lại là vô lý”, bà Mai đề nghị trường hợp này chỉ áp dụng với trẻ em.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển đồng tình việc hỗ trợ ban đầu về vật chất để nạn nhân có tiền tàu xe, ăn ở trở về địa phương. Tuy nhiên ông còn băn khoăn về chế độ trợ giúp pháp lý, học văn hóa, học nghề…"Cứ hỗ trợ như vậy sợ quá khả năng chịu đựng của ngân sách”, và "có đến mức phải thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân hay không?”

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: hành vi MBN trong BLHS đã quy định. Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập như hiện nay thì khái niệm MBN phải được mở rộng hơn so với BLHS, cụ thể là những gì mà Công ước của LHQ quy định thì cũng phải được coi là mua bán.

Liên quan đến chế độ trợ giúp pháp lý, văn hóa, học nghề, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu nói rõ: đây là những đối tượng đặc biệt cần trợ giúp, việc hỗ trợ văn hóa, học nghề không phải là đào tạo lâu dài, mà do người ta khó khăn, ta hỗ trợ ban đầu để họ không rơi vào tình trạng quẫn bách, để họ có nhận thức, hoặc việc làm đơn giản để không tiếp tục rơi vào cái “bẫy” buôn người. Do đó, Phó chủ tịch kết luận “xin cho giữ lại như dự thảo”.

Thu Hằng

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Chính phủ sẽ có hướng dẫn thế nào là “trái với quy định của pháp luật” trong quy định về hành vi MBN và các hành vi có liên quan đến MBN.

Riêng về việc thành lập các cơ sở hỗ trợ nạn nhân, Bộ trưởng nói rõ: việc thành lập và hoạt động các cơ sở này không sử dụng ngân sách ngân sách của Nhà nước mà khuyến khích cá nhân, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp đứng ra thành lập và việc này “đáp ứng chủ trương xã hội hóa”. Chính phủ sẽ quy định cụ thể điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân.