Hạn chế nhập cư vào nội thành: Không chỉ dùng biện pháp hành chính

17/02/2011
“Quy định về cơ chế đặc thù cái gì trái với Hiến pháp mới phải loại bỏ, còn nếu trái với các luật hiện hành là bình thường vì đã là đặc thù thì phải khác. Vấn đề cơ bản là cơ chế đặc thù phải hợp lý, khả thi” - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận sáng ngày 15/2 sau khi các Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Thủ đô.

Quy hoạch cho Hà Nội: cần “bàn tay” của Trung ương.

Theo UBTV Quốc hội, vấn đề quy hoạch Thủ đô Hà Nội là rất quan trọng, đặc biệt còn phải xác định khu vực trung tâm hành chính - chính trị quốc gia. Việc phát triển hạ tầng kỹ thuật Thủ đô Hà Nội ngoài việc bảo đảm cho nhu cầu riêng của Hà Nội còn phải nhằm đáp ứng cho các nhu cầu của Trung ương - đây chính là những đặc thù so với các tỉnh, thành phố khác.

 UBTV Quốc hội cho rằng: cần quy định trong Luật cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý và thực hiện quy hoạch Thủ đô Hà Nội nhằm tạo cơ sở pháp lý để xây dựng Hà Nội trở thành một Thủ đô giàu đẹp, văn minh.

Về thẩm quyền xây dựng, phê duyệt quy hoạch chung thủ đô Hà Nội, UBTV Quốc hội chỉnh lý theo hướng: giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND thành phố Hà Nội lập quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi trình Quốc hội cho ý kiến.

“Trong quy hoạch phải khắc phục cho được tư duy nhiệm kỳ, kiểu theo thế hệ lãnh đạo”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Thuận có ý kiến. Ông Thuận cũng đặc biệt lưu ý vấn đề xác định khu Trung tâm hành chính – chính trị quốc gia: “lúc đề nghị ở Hương Canh, lúc lên Ba Vì. Nên để một cơ quan Trung ương quyết Trung tâm hành chính quốc gia nằm ở đâu để hàng trăm năm sau vẫn thế. Không có gì khó, chỉ có điều chúng ta có làm hay không”.

Nói rõ hơn quan điểm của ban soạn thảo Luật, cũng là xuất phát từ thực tế của Thủ đô, Phó chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho rằng “Thủ đô không tự quy hoạch được cho mình mà còn phải có “bàn tay” của Bộ chủ quản”; “Chúng tôi đã cố gắng ở mức cao nhất, mọi quy trình lấy ý kiến vào dự án Luật đã chuẩn bị rất chu đáo, bài bản, có sự thống nhất cao giữa các ngành. Do đó, đề nghị được giữ như Dự thảo Luật”.

Việc làm, nhà ở, điều kiện nhập cư vào nội thành

Vấn đề quản lý dân cư: Qua thảo luận tại kỳ họp thứ 8, một số ý kiến đại biểu Quốc hội không tán thành với quy định bổ sung các điều kiện chặt chẽ hơn để được đăng ký cư trú trong nội thành thành phố Hà Nội, vì cho rằng những quy định này không thể giải quyết thực chất vấn đề quá tải hiện nay. Sau khi phân tích, UBTV Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép chỉnh lý lại nội dung này theo hướng: giữ nguyên các điều kiện đăng ký thường trú tại nội thành thành phố Hà Nội đối với trường hợp được điều động, tuyển dụng, làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn tại cơ quan, tổ chức thuộc khu vực nhà nước; trường hợp về ở cùng với người thân hoặc trường hợp người trước đây đã từng có hộ khẩu trong nội thành thực hiện như quy định hiện hành của Luật cư trú. Chỉ quy định các điều kiện đăng ký thường trú trong nội thành thành phố Hà Nội chặt chẽ hơn đối với nhóm đối tượng không thuộc các trường hợp nêu trên nhằm giảm bớt số lượng người nhập cư vào nội thành.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba và Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đưa ra những ví dụ cụ thể về những trường hợp người lao động ngoại tỉnh (người bán hàng rong, người thu gom phế liệu, công nhân vệ sinh...) về lao động ở Hà Nội nhưng không hề đăng ký tạm trú và cho rằng quy định như dự thảo là “phân biệt đối xử” và “tưởng chặt mà không chặt”.

Tuy nhiên, vấn đề này, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì “hạn chế nhập cư vào nội thành không chỉ dùng biện pháp hành chính như trong Dự thảo mà còn phải áp dụng đồng bộ các biện pháp khác”.

Trước băn khoăn của một số Thường vụ về quy định cơ chế đặc thù sẽ “vênh” so với nhiều luật khác, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đề nghị Ủy ban Pháp luật phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng bản so sánh giữa các cơ chế đặc thù của Dự thảo Luật với các luật hiện hành để Đại biểu Quốc hội tiện theo dõi, đối chiếu. Đề nghị này được Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng tình cao. Phó Chủ tịch cũng lưu ý Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, cố gắng trình kịp kỳ họp Quốc hội thứ 9.

Thu Hằng

So với dự thảo Luật được đưa ra tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, Dự án Luật thủ đô lần này có nhiều điểm đã được tiếp thu, chỉnh lý. Theo đó, có 5 vấn đề lớn được trình ra UBTV Quốc hội cho ý kiến, đó là: về cơ chế, chính sách trong quản lý và thực hiện quy hoạch Thủ đô; vấn đề quản lý dân cư; về cơ chế, chính sách để bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; về cơ chế, chính sách khai thác, phát huy, sử dụng có hiệu quả nguồn lực về tài chính và một số cơ chế khác.