Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua 02 Pháp lệnh

21/02/2011
Cuối tuần qua, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, phiên họp thứ 38 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã kết thúc. Trước đó, UBNVQH đã biểu quyết thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân (HTTAND).

Quy định ngạch kiểm sát viên và thẩm phán

Tại phiên họp thứ 32 của UBTVQH, hai dự án Pháp lệnh nói trên đã được đưa ra lấy ý kiến, sau đó đã được tiếp thu, chỉnh lý. Hai vấn đề quan trọng nhất của các Pháp lệnh này là quy định về ngạch kiểm sát viên và thẩm phán.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho biết: để đảm bảo tính chủ động và hiệu quả trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND các cấp, thì mỗi cấp Viện Kiểm sát nên được bố trí các ngạch kiểm sát viên khác nhau và “Số lượng Kiểm sát viên VKSNDTC, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện Kiểm sát nhân dân do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Viện trưởng VKSNDTC”.

Theo tinh thần của Pháp lệnh sửa đổi, sẽ chuyển đổi các chức danh Kiểm sát viên cấp tỉnh thành Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cấp huyện thành Kiểm sát viên sơ cấp.

Đối với Dự thảo Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh Thẩm phán và HTND quy định thẩm phán TAND gồm có: Thẩm phán TANDTC; Thẩm phán trung cấp; Thẩm phán sơ cấp và Thẩm phán Toà án quân sự. TANDTC, Tòa án quân sự trung ương có Thẩm phán TANDTC. Tòa án cấp tỉnh, Tòa án cấp huyện, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực có Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp.Số lượng Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp do UBTVQH quyết định theo đề nghị của Chánh án TANDTC.

Cơ bản các thường vụ Quốc hội tán thành với việc quy định phân ngạch các chức danh tư pháp nêu trên. Ngoài quy định về phân ngạch kiểm sát viên, thẩm phán, hai Dự thảo Pháp lệnh còn có những sửa đổi về tiêu chuẩn cho phù hợp với thực tế và quy định mới.

Chánh án cấp tỉnh được điều động, biệt phái thẩm phán trung, sơ cấp

Vấn đề điều động, biệt phái Thẩm phán, tiếp thu ý kiến của thành viên UBTVQH, Dự thảo Pháp lệnh đã được chỉnh lý theo hướng quy định phân cấp cho Chánh án TAND cấp tỉnh điều động, biệt phái Thẩm phán Trung cấp, Thẩm phán sơ cấp , nhằm đáp ứng yêu cầu công tác và thực hiện nhiệm vụ của Tòa án các cấp.

Đối với việc phân cấp cho Tư lệnh quân khu quyết định việc điều động, biệt phái Thẩm phán Tòa án quân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết: việc sửa đổi theo ý kiến của thành viên UBTVQH sẽ tạo sự chủ động, linh hoạt trong việc quản lý, sử dụng đội ngũ Thẩm phán Tòa án quân sự; tuy nhiên lại chưa đảm bảo sự đồng bộ với quy định của Luật sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam và các quy định hiện hành khác về thẩm quyền điều động, biệt phái các chức danh tư pháp (như Điều tra viên, Thẩm phán, Chấp hành viên), đồng thời cũng là sỹ quan trong quân đội. Vì vậy, xin được giữ như quy định hiện hành.

Tương tự, Dự thảo Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND quy định: Viện trưởng VKSNDTC quyết định: Điều động Kiểm sát viên từ VKSND này đến VKSND khác ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Biệt phái Kiểm sát viên từ VKSND này đến làm nhiệm vụ có thời hạn tại VKSND khác ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Riêng Viện trưởng VKSND cấp tỉnh có quyền quyết định điều động Kiểm sát viên từ VKSND này đến VKSND khác trong phạm vi địa phương mình; Biệt phái Kiểm sát viên từ VKSND này đến làm nhiệm vụ có thời hạn tại VKSND khác trong phạm vi địa phương mình.

Với những nội dung sửa đổi cơ bản nêu trên, UBTVQH đã thông qua hai dự thảo sửa đổi Pháp lệnh. Hai Pháp lệnh đều có hiệu lực thi hành từ 1/7/2011.

Thu Hằng