Phát triển kinh tế - xã hội năm 2011: Tăng cường quản lý giá

19/02/2011
Tình hình giá cả, lạm phát, chi tiêu công… nhất là những diễn biến phức tạp của thị trường vàng, ngoại tệ… là những vấn đề “nóng” nhất trong phiên họp thứ 38 của Ủy ban thường vụ Quốc hội hôm qua (18/02).

Chỉ số giá tiêu dùng: Vượt ra ngoài mọi dự báo

Theo báo cáo bổ sung tình hình kinh tế xã hội năm 2010 và triển khai thực hiện kế hoạch năm 2011: Trong tổng số 21 chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch năm 2010, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế cả năm tăng 6,78%, cao hơn số báo cáo ra Quốc hội (6,7%) và cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra (6,5%). Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 72,2 tỉ USD, gấp hơn 4 lần chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Thu ngân sách nhà nước đạt 559.170 tỉ đồng, vượt 21,2% so với dự toán năm và tăng hơn 31 ngàn tỉ đồng so với báo cáo Quốc hội. Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm còn 9,45%, tạo việc làm cho trên 1,6 triệu người. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, khoa học công nghệ, môi trường tiếp tục có bước phát triển tích cực. Quốc phòng an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại được tăng cường.

Đáng chú ý, chỉ số giá tiêu dùng của tháng 12/2010 đã tăng 11,7%, cao hơn số đã báo cáo Quốc hội (khoảng 7-8%), so với cùng kỳ năm trước chỉ số giá tiêu dùng lần đầu tiên vượt trên mức 2 con số. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân.

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội , Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nhấn mạnh “chỉ số giá tiêu dùng cả năm đã tăng vượt ra ngoài mọi dự báo trước đó, với mức tăng cao nhất thuộc nhóm giáo dục (19,38%), hàng ăn và dịch vụ ăn uống (16,18%), nhà ở và vật liệu xây dựng (15,74%)…. Theo Ủy ban Kinh tế, diễn biến phức tạp của chỉ số giá tiêu dùng có nguyên nhân khách quan là do giá hàng hoá trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao; do thiên tai, dịch bệnh; do tác động của việc tăng lương cơ bản, điều chỉnh giá một số nhóm hàng. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự yếu kém của nội tại nền kinh tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng “không nên thỏa mãn với những con số tăng trưởng cao mà vấn đề là chất lượng tăng trưởng thế nào”. Ông Thuận bày tỏ sự lo lắng về tình trạng tăng giá, đồng tiền mất giá và “phải phân tích kỹ vấn đề này”.

Riêng về thị trường ngoại tệ, dẫn chứng một năm mấy lần phải điều chỉnh tỷ giá, trong khi thị trường bên ngoài vẫn tiếp tục tăng, “dường như chúng ta không quản lý được” - Ông Thuận nói.

Thừa nhận “thị trường ngoại hối có nhiều biến động”, mặc dù đã điều chỉnh tỷ giá nhiều lần nhưng trước biến động của thị trường, nhất là một số mặt hàng cốt yếu đang rục rịch chuẩn bị tăng giá, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Giàu cam kết “Ngân hàng nhà nước sẽ có những giải pháp mạnh”.

Phải tăng cường quản lý giá

Báo cáo thẩm tra sơ bộ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2010; triển khai NSNN năm 2011, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết “qua số liệu báo cáo sơ bộ cho thấy xu hướng tăng chi lớn, lên tới 87.430 tỷ đồng, vượt 15% dự toán, chủ yếu là tăng chi đầu tư xây dựng cơ bản”.

Về tình hình thực hiện thu chi tháng 01/2011, Ủy ban Tài chính ngân sách cơ bản đồng tình với Chính phủ về các nhận định, kết quả đạt được và cho rằng, diễn biến của lạm phát 2 tháng dự kiến đạt trên 3,4% và có xu thế đạt trên 4% trong quý I, cùng với sự điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng, sự lên giá của đồng đô la… đã có tác động bất lợi cho sản xuất và đời sống, ảnh hưởng tới thu, chi NSNN. Cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã “nhìn thẳng vào sự thật” tuy nhiên Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Kso Phước cũng lưu ý tình trạng lạm phát tăng cao, đối tượng bị tác động nhiều nhất là người nghèo và đối tượng hưởng lương từ ngân sách. Ông Kso Phước đề nghị: Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt hơn.

Một trong 5 kiến nghị của Ủy ban Tài chính ngân sách là tiếp tục các hoạt động bình ổn giá và tăng cường quản lý giá; kiểm soát đối với một số hàng hóa, dịch vụ độc quyền, phát hiện sớm và xử lý nghiêm đối với các hành vi cấu kết và lạm dụng cơ chế thị trường để tăng giá bất hợp lý, nhất là các nguyên liệu đầu vào quan trọng của sản xuất và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Thu Hằng

Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế:

- Kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định thị trường, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng

- Kiểm soát nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán

- Duy trì bảo đảm ổn định hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng

- Tăng cường kỷ luật tài chính, phấn đấu giảm bội chi ngân sách, bảo đảm dư nợ Chính phủ, nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn

(Một trong 7 giải pháp cần triển khai thực hiện trong thời gian tới. Nguồn: Chính phủ)