Tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế xã hội: Lo lắng lạm phát quay trở lại

28/05/2009
Làm sao sử dụng nguồn vốn kích cầu hiệu quả, tháo gỡ rào cản thủ tục hành chính trong đầu tư, vay vốn; đưa mức tăng trưởng lên cao và ngăn chặn lạm phát quay trở lại… đó là những lo lắng, băn khoăn của các đại biểu QH trong ngày thảo luận tiếp theo về tình hình kinh tế xã hội, hôm qua 27/5.

Hỗ trợ lao động mất việc làm

Cho rằng việc triển khai gói kích cầu của Chính phủ là một chủ trương đúng trong tình hình kinh tế suy thoái như hiện nay, tuy nhiên theo đại biểu Đỗ Thị Lan - Quảng Ninh thì việc hỗ trợ lao động mất việc, giải quyết việc làm cho người lao động chưa mang lại hiệu quả cao. “Từ tháng 02/2009 đến nay mới chỉ có 30 doanh nghiệp giải quyết hoàn chỉnh hồ sơ vay vốn, còn việc doanh nghiệp bỏ chạy không thanh toán chế độ cho người lao động thì chưa có thống kê trong khi theo báo cáo của Chính phủ quý I/2009 có đến 64.900 lao động mất việc”. Đại biểu Lan nhấn mạnh “Thực tế, cả doanh nghiệp và người lao động chưa nắm được thông tin về các chính sách hỗ trợ”. Bà Lan đề nghị Chính phủ cần tập trung chỉ đạo công tác hướng dẫn doanh nghiệp và người lao động để họ được hưởng các chính sách hỗ trợ, đồng thời cần chú trọng công tác đào tạo và đào tạo lại nghề để lao động thích nghi được trong điều kiện mới.

Một trong những mục tiêu của gói kích cầu của Chính phủ là kích cầu tiêu dùng thông qua cho doanh nghiệp vay để trả lương cho công nhân. Tuy nhiên, theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết - An Giang thì thực tế rất ít doanh nghiệp làm việc này. “Phải có đánh giá để uốn nắn kịp thời”, đại biểu Tuyết đề nghị. Ngoài ra, cũng theo bà Tuyết, đến nay số hộ nông dân vay vốn theo chương trình kích cầu vào nông thôn của Chính phủ thông qua hỗ trợ lãi suất chỉ chiếm khoảng 3% tổng số giải ngân. Thực tế hiện số nông dân có nhu cầu vay vốn rất lớn nhưng mạng lưới tín dụng của ngân hàng nông nghiệp phát triển nông thôn lại đang quá tải. “Công tác giải ngân của Chính phủ cần phải cải tiến”, bà Tuyết nói.

“Cần sớm minh bạch toàn bộ gói kích cầu, tổ chức đánh giá hiệu quả của nó trên các phương diện tạo việc làm bao nhiêu, hỗ trợ doanh nghiệp cỡ nào, nông dân được cái gì”. Phó trưởng Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh Trần Du Lịch kiến nghị. Đây cũng là kiến nghị chung của nhiều đại biểu QH trong ngày thảo luận hôm qua.

Cần ưu đãi hơn cho nông dân

Với trên 70% dân số nước ta làm nông nghiệp, cho nên đối tượng này cần phải được quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, do suy thoái kinh tế, người dân nông thôn cũng phải chịu những hậu quả nặng nề. “Người dân luôn trong tình trạng thụ động, sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ, khiến họ điêu đứng”. Đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn - Đồng Tháp nhấn mạnh “chỉ đơn cử như cuối tháng 4/2008, trong nhà người dân đồng bằng sông Cửu Long chất đầy lúa gạo, nhưng đùng cái lại có chủ trương dừng xuất khẩu”. Đại biểu Nhơn đề nghị, Chính phủ cần tổ chức hệ thống thu mua lúa với giá có lợi cho nông dân và đổi mới cơ chế xuất khẩu gạo.

Đại biểu Trần Văn Kiệt - Vĩnh Long bổ sung: “Vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, không ít mặt hàng kém chất lượng, trong khi khâu quản lý lỏng lẻo khiến người nông dân bị thiệt hại”. Ngay cả phân bón, thuốc trừ sâu, mỗi chỗ bán một giá.

Hỗ trợ nông dân, trong đó cần quan tâm đến đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đó là kiến nghị của nhiều đại biểu QH. “Cần có chủ trương phát triển các thủy lợi nhỏ đảm bảo có nước cho sinh hoạt, sản xuất, giúp người dân ổn định cuộc sống để bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia”, đại biểu Nguyễn Khắc Nghiên - Phú Thọ nói “bên cạnh đó cần có những hỗ trợ nhiều hơn cho dân đánh bắt hải sản xa bờ vì hiện nay mức hỗ trợ còn thấp”.

Miễn giảm thuế thu nhập cá nhân: cần xem lại

Trong ngày thảo luận 26/5 cũng như sáng qua, nhiều đại biểu không đồng ý với phương án miễn giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) do Chính phủ trình Quốc hội. Các đại biểu cho rằng, chỉ nên miễn giảm trong 6 tháng đầu năm là đủ vì đây là loại thuế thu nhập cao, do vậy miễn cho người có thu nhập cao trong điều kiện hiện nay là chưa phù hợp với mục tiêu kích cầu kinh tế. Nhiều đại biểu đề nghị chỉ nên miễn thuế đối với đối tượng đầu tư chứng khoán và chuyển nhượng vốn trong 6 tháng cuối 2009.

Giải thích thêm về đề xuất bội chi ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh (Đoàn Nam Định) cho rằng, có ba nguyên nhân dẫn đến nguồn thu giảm là do suy giảm kinh tế; miễn giảm thuế cho doanh nghiệp và nhân dân và cuối cùng là giá dầu thô. Trong khi đó chi ngân sách nhà nước, Chính phủ trình QH không cắt giảm tổng chi đã được QH và HĐND các cấp quyết định. Điều này dẫn đến bội chi là đương nhiên. “Đề xuất bội chi không quá 8% GDP nhưng khi điều hành, Chính phủ sẽ cố gắng để mức bội chi thấp hơn” - Bộ trưởng Ninh cam kết.

* Cũng trong ngày làm việc hôm qua, Quốc hội đã thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước 2007. Cho rằng, năm 2007 công tác lập và quyết định dự toán thu có tiến bộ hơn só với 2006, các khoản thu theo dự toán của Quốc hội thực hiện tăng so với 2006 là 16,3% tuy nhiên không ít Bộ, ngành, địa phương xây dựng dự toán chưa sát thực tế. Việc bố trí, phân bổ và giao kinh phí còn tình trạng sai mục tiêu, sai đối tượng thụ hưởng. Trong đầu tư không ít nơi còn dàn trải, lãng phí trong khi đó công tác thanh kiểm tra chưa thật nghiêm. Các đại biểu đề nghị cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các sai phạm. Đặc biệt trong việc sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, các loại quỹ để ngoài ngân sách, các khoản chi không rõ ràng… và đề nghị cần tăng cường hơn nữa vai trò của Kiểm toán Nhà nước.

Thu Hằng