Xây dựng chương trình đào tạo theo tín chỉ ngành Luật thời hội nhập - Khó hay dễ?

25/05/2009
Giáo dục đại học ở Việt Nam đang đứng trước những thách thức không nhỏ từ yêu cầu của xã hội, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và đặc biệt giáo dục đại học của Việt Nam đang tụt hậu khá xa so với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Một trong những giải pháp được nhắc tới nhiều trong giai đoạn hiện nay là việc chuyển từ hệ thống đào tạo truyền thống vốn có sang đào tạo theo tín chỉ - một mô hình chúng ta học tập từ các trường đại học của nước ngoài. Phương thức đào tạo theo tín chỉ hiện đang được đánh giá là phương thức đào tạo tiên tiến với nhiều ưu điểm. Cũng như các ngành đào tạo khác trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam, ngành luật cũng cần chuyển sang hình thức đào tạo theo tín chỉ.

  Chương trình đào tạo theo tín chỉ bao gồm hệ thống các môn học bắt buộc và các môn học tự chọn. Các môn học bắt buộc là lượng kiến thức mà sinh viên bắt buộc phải tích lũy và không có quyền lựa chọn. Các môn học tự chọn được xây dựng một cách linh hoạt, với số lượng các môn học trong danh sách tự chọn phong phú, đa dạng để sinh viên có thể lựa chọn những môn phù hợp nhằm tích lũy đủ số tín chỉ cần thiết để được cấp bằng. Đối với ngành luật, chương trình đào tạo theo tín chỉ cũng được phân chia thành các môn học bắt buộc và các môn học tự chọn. Vấn đề là việc xây dựng và sắp xếp các môn học, cũng như phân định các môn học bắt buộc hay tự chọn dựa trên tiêu chí nào?

Theo Điều 3 Khoản 2 Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ (ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), “học phần bắt buộc là học phần chứa đựng những nội dung kiến thức chính yếu của mỗi chương trình và bắt buộc sinh viên phải tích lũy; học phần tự chọn là học phần chứa đựng những nội dung kiến thức cần thiết, nhưng sinh viên được tự chọn theo hướng dẫn của trường nhằm đa dạng hóa hướng chuyên môn hoặc được tự chọn tùy ý ...”. Vậy thì nội dung kiến thức nào là chính yếu, và nội dung kiến thức nào là cần thiết? Bộ Giáo dục và Đào tạo có cần làm rõ hơn quy định trên hay không?

Hội nhập quốc tế tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mọi lĩnh vực pháp luật (như lĩnh vực pháp luật kinh tế - thương mại, pháp luật hành chính, pháp luật dân sự, pháp luật hình sự, …), nhưng trước hết là thách thức đối với lĩnh vực pháp luật quốc tế, đặc biệt pháp luật thương mại quốc tế, trong điều kiện Việt Nam là nước có tư duy nông nghiệp đang phải tham gia “luật chơi” thương mại toàn cầu. Do nhận thức được điểm yếu đó trong tiến trình hội nhập, nên việc đưa các môn học về hội nhập kinh tế quốc tế và WTO vào chương trình đào tạo của các trường đại học và các trường Đảng, đã trở thành chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Bên cạnh đó, nhu cầu hiểu biết về pháp luật quốc tế, pháp luật nước ngoài đang đặt ra những đòi hỏi cấp bách đối với các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp và đội ngũ luật sư, tư vấn pháp luật của Việt Nam. Các cử nhân Luật cần được trang bị đầy đủ và toàn diện kiến thức về pháp luật quốc tế, pháp luật nước ngoài, đặc biệt là pháp luật thương mại quốc tế, luật so sánh, ... Điều này chắc chắn tác động đến định hướng xây dựng chương trình đào tạo theo tín chỉ ngành luật thời hội nhập. Vấn đề đặt ra là: làm thế nào để đưa các môn học mới nhưng rất “chính yếu” thuộc lĩnh vực pháp luật quốc tế, pháp luật nước ngoài vào chương trình đào tạo, trong khi thời lượng chương trình đào tạo có hạn và không dễ gì cắt hoặc hoặc giảm thời lượng các môn luật truyền thống? 

Trong số các môn học thuộc lĩnh vực pháp luật quốc tế, ngoài những môn học truyền thống như Công pháp Quốc tế và Tư pháp Quốc tế, môn Luật Thương mại Quốc tế cần được nhìn nhận và đưa vào chương trình đào tạo theo tín chỉ như một mảng kiến thức bắt buộc đối với sinh viên luật. Việc các trường đại học quan tâm đến sự phát triển của môn học Luật Thương mại Quốc tế, như các môn học bắt buộc khác trong chương trình đào tạo, chính là sự đáp ứng nhu cầu chính trị, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Bên cạnh môn Luật Thương mại Quốc tế, một môn học khác cũng đang được quan tâm khi xây dựng chương trình đào tạo ngành luật là môn Pháp luật ASEAN. Đây là môn học có nội dung gì? Là kiến thức “chính yếu” hay kiến thức “cần thiết”? Môn học này nên được xây dựng thành học phần bắt buộc hay học phần tự chọn trong chương trình đào tạo ngành luật?   

Theo chúng tôi, trong trường hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo không quy định rõ hơn về Điều 3 Khoản 2 Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ nêu trên, các trường đại học vẫn có thể xác định nội dung kiến thức nào là “chính yếu”, nghĩa là xác định được học phần nào là bắt buộc, dựa trên các tiêu chí cơ bản sau đây:

- Chương trình đào tạo phải được xây dựng trên cơ sở chương trình khung ngành luật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

- Chương trình đào tạo cần được xây dựng phù hợp với thông lệ quốc tế;

- Cố gắng tránh sự trùng lặp nội dung giữa các môn học, nhất là các môn học bắt buộc;

- Chương trình đào tạo cần đáp ứng được các nhu cầu của xã hội, đặc biệt là nhu cầu của người sử dụng lao động;

- Chương trình đào tạo cần được xây dựng phù hợp với định hướng phát triển của trường đại học, của ngành, góp phần thực hiện các mục tiêu và chiến lược phát triển của Đảng và Nhà nước.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các trường đại học phải thực hiện chế độ báo cáo cơ quan chủ quản và các cơ quan cấp trên về các hoạt động của trường theo quy định hiện hành. Cơ quan chủ quản phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện quản lý Nhà nước đối với các trường đại học trực thuộc. Do đó, việc xây dựng chương trình đào tạo của trường đại học, trong chừng mực nhất định, phải tính tới sự phù hợp với chiến lược phát triển của ngành chủ quản và theo định hướng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 (Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam)