Thảo luận về Luật Bồi thường nhà nước: Cần có một cơ quan quản lý

22/05/2009
Hôm qua 21/5, trong chương trình làm việc, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của Luật Bồi thường nhà nước.

Nên khoanh vùng phạm vi bồi thường

Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi khi Luật Bồi thường nhà nước được đưa ra thảo luận tại các kỳ họp (thứ 4, 5) của Quốc hội. Dự thảo đang trình Quốc hội cho ý kiến hiện nay thì trong hoạt động quản lý hành chính chỉ có 11 trường hợp được bồi thường. Tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền – Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lâm Đồng thì nếu chỉ giới hạn trong phạm vi 11 trường hợp như dự thảo Luật sẽ là bất bình đẳng. Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Duy Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, chỉ cần có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần là phải bồi thường, không nên phân biệt trường hợp này được bồi thường mà trường hợp khác lại không.

Nhưng, nếu quy định tất cả mọi trường hợp gây thiệt hại đều phải bồi thường (thực tế quản lý hành chính bao gồm nhiều lĩnh vực và lĩnh vực nào cũng có thể gây thiệt hại) thì trong điều kiện hiện nay ngân sách nhà nước sẽ không đủ khả năng chi trả. Để cân bằng giữa lợi ích của công dân và khả năng ngân sách của nhà nước, UBTVQH cho rằng, vẫn cần thiết phải liệt kê các trường hợp được bồi thường nhưng đó là những trường hợp có tính phổ biến, dễ xảy ra hành vi gây thiệt hại mà Nhà nước phải bồi thường. Đồng thời, UBTVQH cũng đề nghị Quốc hội cho bổ sung một quy định mở “các trường hợp được bồi thường khác do pháp luật quy định”. Quy định như vậy sẽ bảo đảm sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật và cũng để phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước.

Bồi thường: giao một cơ quan chuyên trách?

Tại buổi thảo luận chiều qua, vấn đề nên hay không nên có cơ quan quản lý bồi thường vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Một số ý kiến tán thành với dự thảo Luật là cơ quan hành chính trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại là cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Lý do của quy định này là hành vi gây thiệt hại có thể xảy ra trên mọi ngành, lĩnh vực của đời sống. Giao cho từng cơ quan sẽ đảm bảo tính chính xác, kịp thời trong việc bồi thường vì là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ, có năng lực và chuyên môn. Mặt khác, nếu có cơ quan chuyên trách thì khả năng bộ máy sẽ phình ra, không phù hợp với xu thế cải cách hành chính, tinh giảm biên chế hiện nay.

Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Xuân Thường – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình thì nếu nhiều cơ quan cùng làm một nhiệm vụ sẽ phức tạp. Đại biểu Thường dẫn chứng: hoạt động quản lý luật sư ở địa phương hiện nay, UBND tỉnh không thể đứng ra quản lý mà phải giao cho ngành Tư pháp. Hoạt động bồi thường nhà nước cũng vậy, cần phải có một cơ quan giúp Chính phủ theo dõi, quản lý, báo cáo, thống kê và hướng dẫn việc bồi thường.

“Kinh nghiệm các nước cho thấy, lĩnh vực nào cũng phải giao cho một cơ quan quản lý”, đại biểu Đinh Xuân Thảo – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh. “Bồi thường nhà nước một mặt liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân, một mặt bảo đảm, thống nhất quản lý ngân sách nhà nước, do đó cần thiết phải có một cơ quan quản lý”, ông Thảo phân tích.

Cũng liên quan đến vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng, việc hình thành một cơ quan chuyên trách về bồi thường (cụ thể là Bộ Tư pháp) sẽ nâng cao năng lực quản lý của Chính phủ, tránh tình trạng do nhiều cơ quan thực hiện bồi thường dẫn đến đùn đẩy, chậm trễ. Quản lý nhà nước đồng thời với việc thanh tra, kiểm tra, giám sát thì việc thực hiện bồi thường mới nghiêm.

Lỗi cố ý: phải hoàn trả 100%

Người thi hành công vụ có lỗi phải bồi thường. Nhà nước sẽ đứng ra ứng trước khoản bồi thường và người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại sẽ có trách nhiệm hoàn trả cho nhà nước. Theo dự thảo trình Quốc hội, người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Căn cứ hoàn trả không chỉ dựa trên mức độ lỗi mà còn vào khả năng kinh tế của người thi hành công vụ. Trường hợp người thi hành công vụ do vô ý gây thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự thì không phải chịu trách nhiệm hoàn trả. Ngoài nghĩa vụ hoàn trả, người thi hành công vụ còn phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Riêng với lỗi cố ý, nhiều đại biểu Quốc hội đồng ý với quy định phải hoàn trả 100%.

Thu Hằng

Nếu ra bản án, quyết định trái pháp luật trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính gây thiệt hại cho đương sự thì Nhà nước phải bồi thường, không phụ thuộc vào lỗi cố ý hay vô ý của Thẩm phán, Hội thẩm. Trong trường hợp Thẩm phán, Hội thẩm ra bản án mà biết rõ (lỗi cố ý) là trái pháp luật thì phải chịu trách nhiệm hình sự (theo Điều 295 BLHS)