Xây dựng chương trình đào tạo theo tín chỉ ngành luật thời hội nhập - Không thể dựa vào cảm tính (Tiếp theo)

25/05/2009
Việc xây dựng chương trình đào tạo theo tín chỉ đối với bất kỳ ngành khoa học nào cũng phải căn cứ trước hết vào các quy định pháp luật hiện hành về giáo dục - đào tạo như: Luật Giáo dục năm 2005, Điều lệ Trường đại học năm 2003, Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ (ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 15/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Theo các quy định pháp luật nêu trên, chương trình giáo dục của các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam cần phải được xây dựng và ban hành trên cơ sở chương trình khung giáo dục ngành luật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và căn cứ vào nhiệm vụ đào tạo của nhà trường (Điều 41 khoản 1 Luật Giáo dục năm 2005; Điều 6 khoản 4 Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/08/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Điều 10 khoản 2 và Điều 15 khoản 1 Điều lệ Trường Đại học được ban hành kèm theo Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg ngày 30/7/2003; Điều 2 khoản 2 Quy chế đào tạo Đại học và Cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ được ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 15/08/2007). Ngày 16/9/2005, Chương trình khung giáo dục ngành luật đã được ban hành kèm theo Quyết định số 29/2005/QĐ-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong khối kiến thức bắt buộc của chương trình khung, có môn Luật Thương mại Quốc tế với thời lượng 45 tiết. Đây là thời lượng tối thiểu để các trường đại học xây dựng chương trình đào tạo của mình. Do đó, khi xây dựng chương trình đào tạo theo tín chỉ, các cơ sở đào tạo luật phải đưa môn Luật Thương mại Quốc tế vào chương trình, ít nhất là nhằm mục đích tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về giáo dục - đào tạo (chưa tính đến các tiêu chí khác như đáp ứng nhu cầu xã hội, nhu cầu chính trị…).

 Trong việc xây dựng chương trình đào tạo theo tín chỉ, ngoài tiêu chí tuân thủ chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần phải cân nhắc đến tiêu chí nâng cao năng lực cạnh tranh của cơ sở đào tạo. Theo đó, trong thời gian gần đây, Đại học Luật Hà Nội - cơ sở đào tạo luật lớn nhất Việt Nam, đã có một số động thái thể hiện sự quan tâm nhằm phát triển môn học Luật Thương mại Quốc tế, như: xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ liên kết với Trường Đại học Tây Anh Quốc về Luật Thương mại Quốc tế; nghiên cứu việc nhập khẩu chương trình đào tạo tiên tiến của Hoa Kỳ, trong đó dự kiến lựa chọn nhập khẩu chương trình đào tạo Luật Thương mại Quốc tế. Là trường đại học trực thuộc Bộ Tư pháp, Đại học Luật Hà Nội được sự quan tâm lớn của Bộ chủ quản và Ngành Tư pháp trong việc xây dựng Đề án Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm trình Chính phủ. Đề án đề cập đến nội dung xây dựng một số môn học và bộ môn trở thành trọng điểm, trong đó có môn Luật Thương mại Quốc tế. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn của Đại học Luật Hà Nội so với các cơ sở đào tạo luật khác trong cả nước. 

Theo Điều lệ Trường đại học năm 2003, các trường đại học được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế, tổ chức và nhân sự, nhưng trong khuôn khổ pháp luật và Điều lệ Trường đại học. Theo đó, các trường đại học phải thực hiện chế độ báo cáo cơ quan chủ quản và các cơ quan cấp trên về các hoạt động của trường theo quy định hiện hành; cơ quan chủ quản phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện quản lý Nhà nước đối với các trường đại học trực thuộc; trường đại học chịu sự kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan chủ quản và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Do đó, việc xây dựng chương trình đào tạo theo tín chỉ ngành luật, trước hết phải tuân thủ chương trình khung giáo dục ngành luật do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, tiếp theo là phải tính tới sự phù hợp với chiến lược phát triển của Ngành chủ quản. Cuối cùng, quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường Đại học thiết nghĩ cũng phải dựa trên trách nhiệm đối với sự nghiệp đào tạo thế hệ luật gia thời hội nhập cho đất nước, đối với sự phát triển của xã hội trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO.

(Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam)

______________________________

Bài viết có liên quan: 

Xây dựng chương trình đào tạo theo tín chỉ ngành Luật thời hội nhập - Khó hay dễ?