Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội: Nhiều hiến kế sát thực

27/05/2009
Tiếp tục chương trình làm việc, hôm qua Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008, những tháng đầu năm 2009.

Nhận xét chung về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đại đa số các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội. Những tháng đầu năm, mặc dù tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 3,1% nhưng trong điều kiện kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái sâu như hiện nay vẫn là tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, với dự báo nền kinh tế chưa thể phục hồi trong thời gian ngắn, tại buổi thảo luận, các đại biểu đã kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể.

Cần ưu tiên phát triển nông nghiệp

Trong các giải pháp kích cầu nền kinh tế, nông nghiệp là một vấn đề được quan tâm hàng đầu. Chính phủ đã quyết định hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Hữu Nhị - Nghệ An thì người dân chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận nguồn vốn. Lý do là thủ tục vay vốn còn rườm rà. “Chính phủ cần quan tâm tháo gỡ vấn đề này”, đại biểu Nhị đề nghị.

Cho cơ chế, người dân nông thôn có vốn để phát triển sản xuất, nhưng từng đó thôi chưa đủ. Hàng nông sản muốn xây dựng được thương hiệu, tiêu thụ mạnh ở trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài thì cần phải có bàn tay can thiệp của nhà nước. “Người dân không tự quyết định được đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt là vấn đề giá thành”, đại biểu Nguyễn Hữu Trí (Tiền Giang) nêu thực tế. Đồng quan điểm, đại biểu Võ Đình Tuyến (Bình Phước) nhấn mạnh: cần có chính sách để phát huy thế mạnh của các mặt hàng đang có ưu thế hiện nay như hạt điều, gạo…. Bên cạnh các chính sách cho người dân, Nhà nước cần có những hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Phát triển nông nghiệp rất cần những lao động có tay nghề. Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay còn nhiều bất cập, nhất là đối với những vùng kinh tế còn khó khăn. Đào tạo lao động trong nông nghiệp, quan tâm đến cơ sở vật chất, trường lớp và đội ngũ giáo viên, bên cạnh đó là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng…là những vấn đề được nhiều đại biểu đề nghị.

Không nên đầu tư dàn trải

Để bổ sung thêm nguồn vốn kích cầu đầu tư, Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành thêm 20 ngàn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ năm 2009. Phần lớn các đại biểu cho rằng việc làm này là cần thiết. Song vấn đề quan trọng là phân bổ và sử dụng nguồn vốn này ra sao để thực sự hiệu quả? Đại biểu Đinh Mươk (Quảng Nam) thẳng thắn: tiền Nhà nước đã rót bao nhiêu vào các công trình giao thông nhưng nhiều tuyến đường cứ làm xong là sạt lở. Đại biểu Mươk đề nghị: Cần tập trung vốn đầu tư làm đâu chắc đó, tránh tình trạng nay làm mai hỏng rồi lại phải làm đi làm lại.

Đầu tư một cách đồng bộ, tránh dàn trải, lãng phí tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội cần xem xét để ưu tiên các công trình ở những vùng kinh tế trọng điểm, vùng khó khăn. Bên cạnh hiệu quả về kinh tế cần lưu ý đến ý nghĩa xã hội của các dự án.

Ngoài các dự án về giao thông, thủy lợi, các dự án về y tế giáo dục cũng là nhóm được ưu tiên giải quyết trong năm 2009. Đại biểu Ngô Văn Hùng (Lào Cai) đề nghị cần quan tâm hơn đến các cơ sở y tế tuyến xã và cụm xã, nhất là các xã ở nông thôn và vùng đồng bào dân tộc, những nơi mà người dân không có điều kiện về kinh tế để tiếp cận các dịch vụ y tế. Đầu tư cho cơ sở cũng để tránh quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Bội chi: khoảng 7% là vừa?

Với dự báo cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu vẫn đang diễn biến phức tạp và sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến kinh tế trong nước. Chính phủ đã đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2009 từ khoảng 6,5% xuống còn khoảng 5%, điều chỉnh chỉ tiêu bội chi ngân sách so với GDP từ 4,82% lên không quá 8%. Phần lớn các đại biểu cho rằng việc điều chỉnh là cần thiết, nhưng tỷ lệ bao nhiêu là vừa thì cần phải tính toán, cân nhắc cẩn trọng. Do tốc độ tăng trưởng quý I chỉ đạt 3,1% nên đặt ra mục tiêu tăng trưởng cả năm là 5% rất khó đạt (vì áp lực sẽ dồn vào những tháng cuối năm- PV). Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần có những đánh giá, phân tích sâu hơn để đưa ra con số này.

Về bội chi ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu cho rằng nâng lên mức tối đa 8% là quá cao. “Nếu tính cả phát hành trái phiếu Chính phủ, nguồn tạm ứng ngân sách thì tỷ lệ này phải là khoảng 10%. Với mức bội chi này nguy cơ lạm phát rất lớn, ảnh hưởng đến sự an toàn tài chính quốc gia. Trung ương thì được bội chi nhưng địa phương thì không. Do đó, TW cần phải hỗ trợ cho địa phương, nhất là những địa phương khó khăn về ngân sách”. Đại biểu Võ Tuấn Nhân, Quảng Ngãi nêu quan điểm.

Bội chi khoảng 7% là con số được nhiều đại biểu đưa ra trong ngày thảo luận hôm qua.

Ngoài những vấn đề quan trọng mang tính thời sự ở tầm vĩ mô, được cử tri cả nước quan tâm, các đại biểu Quốc hội còn đề nghị nhiều giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực để Quốc hội xem xét, quyết định. Ngày mai, Quốc hội tiếp tục thảo luận về báo cáo bổ sung tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2008 và những tháng đầu năm 2009; thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước 2007

Thu Hằng

Về dự án thăm dò, khai thác bô xít ở Tây Nguyên, một số đại biểu Quốc hội ở các địa phương này cho biết: phần lớn người dân đồng tình với chủ trương của Chính phủ. Trên thực tế dự án này đã được triển khai một cách công khai, minh bạch, phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước. Dự án sẽ góp phần giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần phải có những đánh giá, tính toán thật kỹ về hiệu quả kinh tế, sức ép môi trường, giữ gìn bản sắc dân tộc cũng như bảo đảm an ninh quốc gia.